KHÁI QUÁT VỀ HỘI HOẠ ĐỜI THANH
Hoạ đàn
đời Thanh do văn nhân hoạ chiếm địa vị chủ yếu, sơn thuỷ hoạ và hoạ pháp thuỷ mặc
tả ý thịnh hành, nhiều hoạ gia truy cầu tình thú bút mực, về hình thức nghệ thuật
có sự đổi mới, đồng thời xuất hiện nhiều lưu phái với phong cách khác nhau. Tiến
trình lịch sử phát triển hội hoạ đời Thanh cùng sự biến thiên phát triển của cả
xã hội có liên quan với nhau, có thể phân thành 3 thời kì: tảo kì, trung kì và
vãn kì.
Tảo kì
là khoảng thời gian từ cuối đời Minh đến thời Khang Hi 康熙 nhà
Thanh, “Tứ vương” 四王 hoạ
phái (1) của “chính thống phái” đã kế thừa y bát của Đổng Kì Xương 董其昌,
lấy mô phỏng theo cổ làm mục đích chính, chú trọng hình thức bút mực; còn 4 vị
được gọi là “Thanh sơ tứ tăng” 清初四僧 gồm Hoằng Nhân 弘仁, Khôn Tàn 髡残, Thạch Đào 石涛, Chu Đáp 朱耷 nhấn mạnh về miêu tả
tình cảm chủ quan, cá tính rõ nét, về nghệ thuật cũng không gò bó, mỗi người có
nét riêng; “Kim lăng bát gia” 金陵八家 (2) với Cung
Hiền 龚贤 đứng đầu khu vực Nam Kinh 南京
đã hình thành hoạ phong mang đậm nét đặc sắc khu vực.
Trung kì
từ thời Càn Long 乾隆 đến thời Gia Khánh 嘉庆,
hội hoạ cung đình sôi nổi một thời, nội dung và hình thức đa dạng phong phú;
khu vực Dương Châu 扬州 xuất hiện một tư trào mới lấy “Dương Châu bát quái” 扬州八怪 (3) làm đại biểu, sùng thượng cách vẽ thuỷ mặc tả ý, truy
cầu cuồng phóng quái dị, chuyên vẽ về đề tài “tứ quân tử” và hoa điểu.
Hậu kì
từ thời Đạo Quang 道光 đến thời Quang Tự 光绪,
hoạ đàn sôi nổi nhất là Thượng Hải 上海 và Quảng Châu 广州, hai thành phố thương nghiệp mới nổi lên. Khu vực Thượng
Hải xuất hiện các danh gia như Triệu Chi Khiêm 赵之谦,
Hư Cốc 虚谷, Nhậm Hùng 任熊, Nhậm Di 任颐, Ngô Xương Thạc 吴昌硕 … hình thành “Hải phái” 海派.
Quảng Châu bắt đầu với Cư Sào 居巢, Cư Liêm 居廉, cận đại có Cao Kiếm Phụ 高剑父,
Cao Kì Phong 高奇峰, Trần Thụ Nhân 陈树人
nối tiếp, dần hình thành “Lĩnh Nam
phái” 岭南派.
Tình
hình lưu truyền, thu thập và giám định thư hoạ đời Thanh so với đời Minh có nhiểu
tư liệu để tra cứu hơn. Nội phủ hoàng gia thu thập vô cùng phong phú, thời Càn
Long và Gia Khánh đạt đến đỉnh cao, vượt qua các triều đại trước, tàng phẩm sau
khi trải qua giám định, đánh giá được biên soạn thành sách, toàn diện và hoàn bị.
Đến cuối đời Thanh, những tác phẩm mà nội phủ thu thập thất tán. Tư nhân thu thập
tương đối mạnh lên vào cuối đời Minh đầu đời Thanh. Một số thư hoạ của nội phủ
thất tán bên ngoài đã được các nhà sưu tập như Lương Thanh Tiêu 梁清标, Cao Sĩ Kì 高士奇, An Kì 安岐 mua được, nhưng đến thời Càn Long, đại bộ phận lại
thu về nội phủ. Sách trứ lục thư hoạ rất nhiều, thể lệ cũng hoàn bị hơn, ngoài
ra còn xuất hiện tùng thư tập đại thành, như Thức Cổ đường thư hoạ hối khảo 式古堂书画汇考 của Biện Vĩnh Dự 卞永誉,
thu thập trứ lục của các đời biên soạn thành bộ trứ tác đồ sộ.
Những
nguỵ tác thư hoạ đời Thanh so với đời Minh nhiều hơn. Từ giữa đời Thanh về sau,
sự phát triển kinh tế hàng hoá và sự xuất hiện thành thị thương nghiệp mới đã
cung cấp thị trường rộng lớn cho thư hoạ, nhưng cũng khiến cho nguỵ tác thịnh
hành, các thủ đoạn giả tạo lại vô cùng, các nguỵ tác mang tính khu vực cũng
không ngừng tăng lên.
Thư hoạ
di tồn của đời Thanh nhiều gấp mấy lần đời Minh, đạt đến hàng vạn, tác phẩm của
các danh gia cũng rất nhiều, hoạ gia của hai ba lưu phái thậm chí hoạ gia chưa
nhập lưu cũng có không ít tác phẩm để đời. Đặc điểm phong cách của các hoạ gia
ít nổi tiếng thậm chí trước sau thay đổi đều dễ dàng nắm bắt được một cách chuẩn
xác, điều này đã cung cấp chỗ dựa vững chắc và cũng là chứng cứ trực tiếp để
giám định chân nguỵ. Nhưng do bởi phong khí nguỵ tác thịnh hành, nhiều hoạ gia
của hai ba lưu phái cũng xuất hiện hiện tác phẩm nguỵ tạo, nguỵ tác về các danh
gia đời trước càng nhiều, do đó cần phải cẩn thận quan sát để đưa ra phán đoán
chân nguỵ, nếu không khổ công tích luỹ kinh nghiệm thì khó mà làm được.
Chú của người
dịch
(1)- “Tứ Vương”
hoạ phái四王画派: cũng gọi là “Giang Tả tứ Vương” 江左四王 gồm: Vương Thời Mẫn 王时敏,
Vương Giám 王鉴, Vương Huy 王翬, Vương Nguyên Kì 王原祁.
(2)- Kim Lăng
bát gia 金陵八家: gồm Cung Hiền 龚贤, Phàn Kì 樊圻, Cao Sầm 高岑, Trâu Triết 邹 , Ngô Hoành 吴宏, Diệp Hân 叶欣, Hồ Tạo 胡造, Tạ Tôn 谢荪
(3)- Dương Châu
bát quái 扬州八怪: gọi chung một nhóm gồm 8 thư hoạ gia có phong cách tương cận hoạt động
ở khu vực Dương Châu vào giữa đời Thanh, cũng còn gọi là Dương Châu hoạ phái 扬州画派.
Về 8
thư hoạ gia này, trong lịch sử hội hoạ Trung Quốc có nhiều thuyết khác nhau,
trong đó có một thuyết tương đối được nhiều người công nhận, gồm: Kim Nông 金农, Trịnh Nhiếp 郑燮,
Hoàng Thận 黄慎, Lí Thiện 李鱓, Lí Phương Ưng 李方鹰, Uông Sĩ Thận 汪士慎,
La Sính 罗聘, Cao Tường 高翔.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 15/9/2014
Nguyên tác Trung văn
THANH ĐẠI HỘI
HOẠ KHÁI THUẬT
清代绘画概述
Trong quyển
TRUNG QUỐC HỘI HOẠ VĂN HOÁ
中国绘画文化
Tác giả: Tần Mộng Na 秦梦娜
Thời Sự xuất bản xã, 2008.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật