Dịch thuật: Kinh Kha thích Tần vương

KINH KHA THÍCH TẦN VƯƠNG

          Năm 246 trước công nguyên, Doanh Chính 嬴政 chỉ mới 13 tuổi lên ngôi làm Tần vương (tức Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇). Do bởi còn nhỏ nên các đại thần thay Tần vương xử lí chính sự. Năm 238 trước công nguyên, Doanh Chính 22 tuổi bắt đầu đích thân chủ trì chính sự, nắm chặt trong tay đại quyền của nước Tần, đồng thời tích cực cho sự nghiệp thống nhất 6 nước.
          Tần vương Doanh Chính trọng dụng Uý Liêu 尉缭, dùng mưu kế của ông và Lí Tư 李斯, nhất tâm muốn thống nhất trung nguyên, không ngừng tấn công các nước. Tần vương cũng dùng mưu kế của Trương Nghi 张仪, phá tan liên minh 6 nước, đối với 6 nước đều có sách lược công phá. Tần vương phá tan liên minh giữa nước Yên và nước Triệu, tiếp đó lại khiến nước Yên mất thêm mấy toà thành.
          Thái tử Đan nước Yên làm con tin ở nước Tần, nhìn thấy Tần vương Doanh Chính quyết tâm kiêm tính các nước, lại chiếm đoạt đất đai của nước Yên, nên đã lén giả trang trốn về lại nước Yên. Thái tử căm giận nước Tần muốn báo thù rửa nhục cho nước Yên; nhưng thái tử không thao luyện binh mã, cũng không dự tính liên lạc với chư hầu cùng xuất binh chống Tần, mà chỉ là đem vận mệnh nước Yên kí thác vào thích khách, dùng toàn bộ gia sản của mình đổ vào việc tìm người có thể giết Tần vương.
          Về sau thái tử Đan tìm được một dũng sĩ rất có bản lĩnh và mưu trí tên là Kinh Kha 荆轲, thu nhận làm môn hạ của mình, cung cấp cho xe ngựa, cơm ăn áo mặc để Kinh Kha hưởng dụng. Kinh Kha vô cùng cảm kích hậu ân của thái tử Đan, nên cũng cam tâm tình nguyện vì thái tử mà dốc sức.
          Năm 230 trước công nguyên, Tần diệt nước Hàn. Hai năm sau đại tướng nước Tần là Vương Tiễn 王翦 lại đem binh chiếm lĩnh đô thành Hàm Đan 邯郸 của nước Triệu, sau lại tấn công lên phía bắc, đến sát nước Yên.
          Lúc bấy giờ thái tử Đan nước Yên vô cùng lo lắng, sợ Tần chiếm lấy nước Yên nên đi tìm Kinh Kha. Thái tử nói rằng:
          - Chúng ta đem binh lực để đối phó với Tần, chẳng khác nào lấy trứng chọi đá; còn liên hợp các nước cùng chống Tần, xem ra cũng làm không được. Ta nghĩ ra một cách, phái một vị dũng sĩ giả trang thành sứ giả lấy lí do dâng thành để gặp Tần vương, thừa cơ uy hiếp Tần vương bức ông ta giao trả lại đất đai của chư hầu. Nếu Tần vương đáp ứng, tốt nhất sẽ cho qua; còn như không đáp ứng sẽ giết chết.
          Kinh Kha trầm tư một lúc rồi đáp:
          - Nghe nói Tần vương sớm đã muốn lấy vùng Đốc Kháng 督亢 (1) phì nhiêu nhất của nước Yên (tại huyện Trác 涿, Hà Bắc 河北). Ngoài ra, tướng quân nước Tần là Phàn Ô Kì 樊於期 (2), nhân vì đắc tội với Tần vương hiện đang lưu vong tại nước Yên, nương nhờ vào môn hạ của ngài, Tần vương đang treo giải thưởng bắt ông ta. Tôi nếu như có được chiếc đầu của Phàn Ô Kì và địa đồ đất Đốc Kháng để dâng lên Tần vương, Tần vương nhất định vui mừng, cũng nhất định sẽ tiếp kiến tôi, như vậy tôi sẽ có cơ hội đối phó với ông ta.
          Thái tử Đan cảm thấy có chút khó khăn, nói một cách do dự không quyết:
          - Địa đồ đất Đốc Kháng thì được, nhưng Phàn tướng quân nhân vì bị Tần bức hại nên mới đến chỗ ta, ta làm sao có thể nhẫn tâm không nghĩ đến tình mà đi hại ông ấy?
          Kinh Kha biết thái tử Đan không nỡ, liền tự mình đi tìm Phàn Ô Kì, nói với Phàn Ô Kì rằng:
          - Hiện tại tôi có một chủ ý, không chỉ giúp cho nước Yên giải trừ hoạ hoạn, mà còn có thể thay tướng quân báo thù rửa hận, nhưng cần mượn ở tướng quân một thứ mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.  
          Phàn Ô Kì sớm đã biết rõ ý của Kinh Kha, nói rằng:
          - Nếu có thể giúp được thái tử chống Tần, đầu của tôi thì có sá gì! Được, ông  lấy đi!
          Nói xong rút kiếm tự sát. Kinh Kha bái lạy thi thể của Phàn Ô Kì rồi cắt lấy thủ cấp bỏ vào hộp bưng đi.  (còn tiếp)

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Đốc Kháng 督亢:
          Chữ , theo Khang Hi tự điển:
          - Đường vận 唐韻  phiên thiết là CỔ LANG 古郎 (cang)
             Tập vận 集韻, Vận hội 韻會, Chính vận 正韻 phiên thiết là CƯ LANG 居郎 (cang).
Đều có âm là .
          - Ngọc thiên 玉篇 phiên thiết là KHỔ LÃNG 苦浪 (kháng)
          Ở âm này có nói 督亢, 龍亢 đều là địa danh.
          (trang 13, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003)
          Hán Việt tự điển của Thiều Chửu có 2 âm: KhángCang (Cương)
          Như vậy督亢 có âm đọc là “Đốc Kháng”. Trong Sử Kí bản dịch của Phan Ngọc phiên âm là “Đốc Cang”; bản của Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê phiên âm là “Đốc Hàng”.

 (2)- Phàn Ô Kì 樊於期:
1- Với chữ , trong Khang Hi tự điển có 2 âm như sau:
          - Âm Bắc Kinh là wu (thanh 1)
             Đường vận 唐韻  phiên thiết là AI ĐÔ 哀都 (ô).
             Tập vận 集韻, Vận hội 韻會, Chính vận 正韻 phiên thiết là UÔNG HỒ 汪胡
          Đều có âm là .
          - Âm Bắc Kinh là yu (thanh 2) .
          Quảng vận 廣韻 phiên thiết là ƯƠNG CƯ 央居 (ư)
Tập vận 集韻, Vận hội 韻會, Chính vận 正韻 phiên thiết là Y HƯ 衣虛 (ư).
Đều có âm là .
(trang 430, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003)
Hán Việt tự điển của Thiều Chửu có 2 âm: ƯÔ
2- Với chữ , trong Khang Hi tự điển cũng có 2 âm:
          - Âm Bắc Kinh là qi (thanh 1)
           Đường vận 唐韻 , Tập vận 集韻, Vận hội 韻會  đều phiên thiết là CỪ CHI 渠之, âm  (kì)
          - Âm Bắc Kinh là ji (thanh 1)
          Tập vận 集韻  phiên thiết là CƯ CHI 居之 (ki)
(trang 454, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003)
Hán Việt tự điển của Thiều Chửu có 2 âm: KỲKY
Theo http://baike.baidu.com/view/671559.htm, tên của nhân vật viết theo dạng phồn thể là 樊於期 với âm Bắc Kinh chú bên cạnh là Fan Wu ji, âm Hán Việt là Phàn Ô Ki.
Theo http://www.zwbk.org/MylemmaShow.aspx, tên của nhân vật lại chú âm Bắc Kinh là Fan Wu qi, âm Hán Việt là Phàn Ô Kì.
Trong Sử Kí bản dịch Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê phiên âm là Phàn Ô Kì, bản của Phan Ngọc phiên âm là Phàn Ư Kỳ.  
Trong nguyên tác dùng chữ giản thể, tên nhân vật viết là 樊于期, âm Hán Việt là Phàn Vu Kì.
Tôi theo bản dịch của Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê phiên là Phàn Ô Kì

                                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                                         Quy Nhơn 05/8/2014

Nguyên tác Trung văn
KINH KHA THÍCH TẦN VƯƠNG
荆轲刺秦王
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007.
Previous Post Next Post