Dịch thuật: Mồng ba tháng ba: cài hoa rau tề

MỒNG BA THÁNG BA: CÀI HOA RAU TỀ

          Vào ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch, tại vùng Giang Nam 江南 có không ít những phong tục thú vị.
          Thuyết cũ cho rằng, ngày này mới đúng là thanh minh, nhưng phải rất nhiều năm mới gặp được. Ngày Thượng Tị 上巳 (1) của đời sau, trong dân gian hãy còn tục cài hoa rau tề , hái hoa rau tề. Vào ngày này người ta đem hoa rau tề rải trên bếp lò và chỗ ngồi, chỗ ngủ, cho rằng như thế có thể xua đuổi được kiến và những côn trùng gây hại. Lại đem hoa rau tề, hoa đồng, hoa giới giấu vào trong áo lông, cho rằng làm như thế áo có thể không bị rận, và lấy giấy đỏ viết:
Tam nguyệt tam, mã nghĩ thướng cao sơn
三月三, 蚂蚁上高山
(Ngày mồng 3 tháng 3, kiến bò lên núi cao)
         Theo truyền thuyết, đem tờ giấy đỏ có viết chữ dán lên chân bếp lò, để kiến không bò lên bếp.
          Ngạn ngữ dân gian vùng Nam Kinh 南京 có câu:
Tam nguyệt tam, tề thái hoa tái mẫu đơn, nữ nhân bất đới vô tiền dụng, nữ nhân nhất đới lương mãn thương.
三月三, 荠菜花赛牡丹, 女人不戴无钱用, 女人一戴粮满仓
          (Ngày mồng 3 tháng 3, hoa rau tề đua cùng mẫu đơn, phụ nữ không hái cài lên tóc thì không có tiền dùng, phụ nữ khi hái cài lên tóc thì lương thực đầy cả kho)
          Ngày hôm đó, người Nam Kinh đều quen dùng hoa rau tề nấu với trứng gà để cầu phúc, xua đuổi bệnh tật. Theo ghi chép trong Tiền Đường huyện chí 钱塘县志:
Thượng Tị, xuất du Tây hồ, sĩ nữ giai đới tề hoa
上巳, 出游西湖, 士女皆带荠花
(Ngày Thượng Tị ra chơi ở Tây hồ, nam nữ đều mang theo hoa rau tề)
          Dân gian vùng Tô Châu 苏州 còn cắm hoa rau tề lên bếp lò, trong Thanh Gia lục 清嘉录 ghi rằng:
Tam nhật, nhân gia giai dĩ dã thái hoa trí táo hình thượng, dĩ yếm trùng nghĩ
三日, 人家皆以野菜花置灶陉上, 以厌虫蚁
(Ngày mồng 3, người ta đem hoa ngoài đồng đặt lên bếp lò để trừ kiến)
Ngoài ra, cũng có người vào ngày này đem hoa rau tề cài lên tóc, để trong năm đó tránh được bệnh đau đầu, buổi tối có thể ngủ được ngon giấc.
Ở Vô Tích 无锡 còn có một phong tục đặc biệt, tức những phụ nữ không sinh được con thường vào ngày này ăn “nam qua” 南瓜 (bí đỏ), bởi chữ (nam) đồng âm với chữ (nam), họ tin rằng ăn “nam qua” sẽ sinh được con trai.
Ngày mồng 3 tháng 3 các nơi ở Giang Nam còn có tập tục đi chơi vùng ngoại thành, gọi là “đạp thanh” 踏青. Tại khu vực thành ở Vô Tích vào ngày này lên Huệ sơn 惠山 đạp thanh, làng bên đông lên Hồng sơn 鸿山, làng bên bắc lên Đấu sơn 斗山, Tây Cao sơn 西高山, phía nam lên Sơn quân chướng sơn 山军嶂山 để đạp thanh. Ngạn ngữ dân gian vùng Vô Tích có câu:
Tam nguyệt tam, Tây Cao sơn; tam nguyệt tam, Sơn quân chướng sơn; tam nguyệt tam, thướng Hồng sơn, tam nguyệt tam, ba Huệ sơn
三月三, 西高山; 三月三, 山军嶂山; 三月三, 上鸿山; 三月三, 爬惠山
(Ngày mồng 3 tháng 3, lên Tây Cao sơn; ngày mồng 3 tháng 3, lên Sơn quân chướng sơn; ngày mồng 3 tháng 3, lên Hồng sơn; ngày mồng 3 tháng 3, lên Huệ sơn)
Dân tục ở nông thôn Vô Tích vào ngày này người nuôi tằm đều ôm giống tằm lên núi để cầu mong kén tằm được mùa.
Lại còn có tục ăn “Lượng nhãn cao” 亮眼糕, hoặc lấy dầu để cách năm chiên lên ăn, tin rằng có thể sáng mắt, nên gọi là “Lượng nhãn cao” (bánh ăn sáng mắt).
Ngày mồng 3 tháng 3 tại làng phía nam của Vô Tích có lễ hội Chân Vũ miếu 真武庙 ở Sơn quân chướng sơn, thuyền bè thắp hương đậu đầy cả bến. Nông dân ở Tuyết Lãng 雪浪 lại có phong tục đua thuyền truyền thống. Sáng ngày hôm đó, thanh niên các thôn chèo thuyền chở đầy dân làng, đến lễ hội lên núi. Buổi trưa, thuyền các thôn trước sau đến tập trung tại khe Trường Quảng 长广 phía tây cầu Cát Đại 葛埭, nam nữ già trẻ lên núi đạp thanh và xem hội nghinh thần cũng đều tập trung tại hai bờ nam bắc cầu Cát Đại xem đua thuyền.
          Thuyền tham gia đua trước sau tự do biểu diễn, các thuyền tự mình thể hiện thần thông. Tiếp đó từ trong biểu diễn xuất hiện những người xinh đẹp tự do kết hợp, hai tổ (đuôi thuyền 6 người) là một thuyền. Họ không có chỉ huy và phát lệnh, tự giác tiến hành đua, do quần chúng làm trọng tài. Trước tiên đua thuyền nào qua cầu Cát Đại trước, sau khi qua cầu khoảng 100m, họ đuổi nhau, sau khi đến Hồng Khâu 洪邱 nghỉ một lát lại đua thuyền nào về nhanh nhất. Chỉ thấy người đứng ở mũi thuyền cầm sào xem thời cơ để chống, những người trên thuyền theo đó mà chèo, chuyển 180 độ, theo thuỷ trình trước đó mà nhanh chóng về lại khe Trường Quảng phía tây cầu Cát Đại. Thuyền nào không chịu thua có thể thi lại, những nhóm nhỏ ưu thế có thể tự do kết hợp lại lần lượt thi cho đến khi có được quán quân mới thôi. Lúc bấy giờ, người trên bờ hò vang như sấm dậy, tiếng chiêng tiếng trống inh trời.
         Vùng Trại Môn 寨门 từ khi là thị trấn trở đi, hàng năm vào ngày mồng 3 tháng 3 là ngày lễ hội. Vào ngày này dân chúng chung quanh đổ về thị trấn cử hành lễ nghinh thần. Tổ Sư điện 祖师殿 ở Hoàng Mai sơn 黄玫山 có hương hội, tại trấn có ca hát, thi võ, gánh hát diễn trò, buôn bán …
          Còn có tập tục nghe ếch kêu. Cố Lộc 顾禄 đời Thanh trong Thanh Gia lục Tam nguyệt điền kê báo 清嘉录三月田鸡报 có ghi:
          Tam nhật, nông dân thính oa thanh vu ngọ tiền hậu, dĩ bốc phong nhẫm, vị chi điền kê báo. Ngạn viết: ‘Điền kê khiếu lạp ngọ thời tiền, đại niên tại cao điền; điền kê khiếu lạp ngọ thời hậu, đê điền phất yếu sầu.
          三日, 农民听蛙声于午前后, 以卜丰稔, 谓之田鸡报. 谚曰: ‘田鸡叫拉午前时, 大年在高田; 田鸡叫拉午时后, 低田弗要愁.’
          (Ngày mồng 3 (tháng 3), nông dân nghe ếch kêu vào lúc trước sau giờ ngọ để đoán năm được mùa, gọi đó là ếch báo điềm. Ngạn ngữ nói rằng: ‘Ếch kêu trước giờ ngọ, ruộng cao được mùa; ếch kêu sau giờ ngọ, ruộng thấp không phải lo).
          Nông dân Vô Tích thường vào trước sau giờ ngọ ngày này nghe ếch kêu mà đoán năm được mùa hay mất mùa. Ngạn ngữ nói rằng:
          Điền kê khiếu lặc ngọ thời tiền, đại niên tại cao điền; điền kê khiếu lặc ngọ thời hậu, đê điền vật yếu sầu.
田鸡叫勒午时, 大年在高田; 田鸡叫勒午时后, 低田勿要愁.’
Ý nói ếch kêu trước giờ ngọ, mưa tương đối nhiều; ếch kêu sau giờ ngọ thì sẽ không có nạn nước lụt. Xưa nay rất nhiều văn nhân viết không ít thơ từ ngâm vịnh về ngày Thượng Tị. Như Mục Đế 穆帝 Tư Mã Đam司马聃 nhà Đông Tấn, đại thư pháp gia Vương Hi Chi 王羲之còn để lại danh tác bất hủ truyền tụng xưa nay -  Lan Đình tập tự 兰亭集序
          Từ đời Hán đến đời Minh, thơ văn mà các văn nhân sáng tác về ngày Thượng Tị đã có 180 thiên. Như Vương Thế Mậu 王世懋 đời Minh có bài Thuỷ điệu ca đầu – Thượng Tị 水调歌头 - 上巳, đoạn trên thuật lại tình cảnh ngày mồng 3 tháng 3 gặp lúc tiết Thanh Minh, mọi người ra ngoại thành vui chơi đạp thanh.
          Ở Vô Tích rất coi trọng thời tiết ngày mồng 3 tháng 3 này. Ngạn ngữ Vô Tích có câu:
            Tam nguyệt sơ tam kiểu kiểu tình, thì liễu hoàng ương vân bất thành
          三月初三皎皎晴, 莳了黄秧耘不成
(Ngày mồng 3 tháng 3 trời sáng trong, cấy lúa làm cỏ cũng không thành)
Ý nói vào tháng 3 âm lịch, còn sớm để cấy lúa, lúc đó ánh mặt trời hãy còn nóng gắt, bất lợi cho việc ươm trồng, nhưng đối với tiểu mạch thì lại có lợi.

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- THƯỢNG TỊ 上巳: là một tiết truyền thống cổ xưa của Trung Quốc, tục gọi là “Tam nguyệt tam” 三月三. Tiết này từ đời Hán về trước ấn định vào ngày Tị  của thượng tuần tháng ba, về sau cố định vào ngày mồng 3 tháng 3 theo lịch nhà Hạ. Tiết Thượng Tị cũng là ngày “phất hễ” 祓禊, tức ngày “xuân dục” 春浴 (tắm vào mùa xuân), nội dung chủ yếu là: “phất” tức loại bỏ tật bệnh, làm trong sạch thân tâm; “hễ” là tu chỉnh, tịnh thân. Tập tục tắm xuân ngày Thượng Tị bắt nguồn từ lễ “phất hễ” bên bờ sông từ thời Chu, về sau do triều đình chủ trì, triều đình phái nữ vu 女巫 lo giữ việc này, trở thành ngày nghỉ của quan lại. Từ đời Tống về sau, lí học thịnh hành, lễ giáo đi đến chỗ nghiêm ngặt, phong tục ở tiết Thượng Tị dần suy vi trong văn hoá người Hán.
          Nguồn http://zh.wikipedia.org/wiki
 (2)- HOA RAU TỀ (Tề thái hoa 荠菜花: (capsella bursa-pastoris (L) Medic)
Rau này còn có tên là Hộ sinh thảo 护生草, Tịnh trường thảo 净肠草, Địa mễ thảo 地米草, Thanh minh thảo 清明草.
         Nguồn http://baike.baidu.com/view/150314.htm

                                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                                       Quy Nhơn 02/4/2013
                                                                 (Mồng 3 tháng 3 năm Giáp Ngọ)

Nguồn
Previous Post Next Post