TIẾT THANH MINH THẢ DIỀU
Thời
Xuân Thu, Tấn Văn Công Trùng Nhĩ 重耳 chạy ra nước
ngoài để tránh bị bức hại, trên đường lưu vong đến một nơi vắng vẻ không có lấy
một bóng người, vừa mệt vừa đói không còn đủ sức để đi. Các bề tôi tòng vong
tìm suốt cả buổi mà không có lấy một miếng ăn. Đương lúc mọi người lo lắng, tuỳ
thần là Giới Tử Thôi 介子推 đi đến một chỗ vắng,
cắt lấy một miếng thịt trên đùi của mình nấu thành một bát canh dâng lên Trùng
Nhĩ, Trùng Nhĩ dần hồi phục tinh thần. Khi Trùng Nhĩ phát hiện miếng thịt là do
Giới Tử Thôi cắt từ đùi của bản thân mình đã cảm động rơi nước mắt.
Mười
chín năm sau, Trùng Nhĩ trở thành quốc quân, đó chính là Tấn Văn Công trong lịch
sử. Sau khi lên ngôi, Tấn Văn Công trọng thưởng cho các bề tôi theo mình lưu
vong, nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi. Nhiều người bất bình thay Giới Tử Thôi,
khuyên ông nên gặp vua để được trọng thưởng. Nhưng Giới Tử Thôi coi khinh những
người tranh công, ông chuẩn bị hành trang âm thầm đưa mẹ đến Miên sơn 绵山 ẩn
cư.
Sau khi
nghe qua, Tấn Văn Công vô cùng hổ thẹn, đích thân dẫn người đi mời Giới Tử
Thôi, nhưng Giới Tử Thôi đã rời nhà đến Miên sơn. Miên sơn núi cao đường hiểm,
cây cối um tùm, tìm hai người không phải là dễ. Có người hiến kế, phóng hoả ba
mặt Miên sơn, bức Giới Tử Thôi phải ra. Ngọn lửa thiêu khắp núi nhưng không thấy
bóng dáng Giới Tử Thôi. Sau khi lửa tắt, mọi người mới phát hiện Giới Tử Thôi
cõng mẹ đã chết ngồi dưới gốc cây liễu già. Tấn Văn Công nhìn thấy khóc lên.
Khi chôn cất, mọi người phát hiện một bức huyết thư trong bọng cây, thư viết rằng:
Cắt thịt dâng lên trọn một lòng son sắt,
mong chúa công luôn được anh minh.
Để kỉ
niệm Giới Tử Thôi, Tấn Văn Công hạ lệnh lấy ngày đó ấn định làm tiết Hàn thực 寒食. Năm sau khi Tấn Văn Công thống lĩnh quần thần lên
núi tế, phát hiện cây liễu già bị chết trước đó đã sống lại, bèn ban cho cây liễu
tên gọi là “Thanh minh liễu” 清明柳, đồng thời hiểu dụ
thiên hạ lấy ngày sau tiết Hàn thực một ngày ấn định làm tiết Thanh Minh 清明.
Trước
và sau tiết Thanh Minh, gió Xuân đang thịnh, là mùa thả diều thích hợp, vì thế
vào tiết Thanh Minh nhiều nơi thả diều. Khởi nguyên của diều cùng với phóng tà 放邪 (vứt bỏ điều xấu) có liên quan, lúc ban đầu là một loại
vu thuật. Tại vùng Huệ An 惠安 tỉnh Phúc Kiến 福建, khi tảo mộ người lớn dẫn theo cả trẻ em, khi trẻ em
thả diều, người ta cho rằng đó là phóng tà, trẻ em sẽ mạnh khoẻ trưởng thành.
Thả diều bắt nguồn từ vu thuật, nhưng về sau, diều dần mất đi đặc tính vu
thuật mà trở thành một hình thức vui chơi thích hợp cho cả người lớn lẫn trẻ
em, nó cũng là một hoạt động rất được nhiều người ưa thích trong tiết Thanh
Minh. Mỗi khi gặp tiết Thanh Minh, người ta không chỉ thả diều ban ngày mà thả
cả ban đêm. Ban đêm, từng chùm lồng đèn nhỏ đủ màu gắn dưới thân diều hoặc gắn
nơi dây lấp lánh như sao, mọi người gọi là “Thần đăng” 神灯.
Trước đây, có người sau khi thả diều bay lên trời cao đã cắt đứt dây để mặc diều
theo gió bay xa, theo truyền thuyết người ta cho rằng làm như thế có thể trừ bệnh
tiêu tai, mang lại may mắn cho mình.
Huỳnh Chương Hưng
Quy
Nhơn 17/12/2013
Nguyên tác Trung văn
THANH MINH TIẾT PHÓNG PHONG TRANH
清明节放风筝
Trong quyển
PHONG TRANH
風箏
Tác giả: Vân Trung Thiên 云中天
Bách Hoa Châu văn nghệ xuất bản xã, 2006.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật