Dịch thuật: Chuyện về danh, tự, hiệu của Trương Đại Thiên

CHUYỆN VỀ DANH, TỰ, HIỆU
CỦA TRƯƠNG ĐẠI THIÊN

          Trứ danh quốc hoạ đại sư Trương Đại Thiên 张大千 (1) vốn có tên là Trương Chính Quyền 张正权, còn có tên Trương Viên 张爰, Trương Quý 张季, tự là Đại Thiên 大千, biệt hiệu Đại Thiên Cư Sĩ 大千居士.
          Tên Trương Chính Quyền của ông được đặt theo phả hệ của gia tộc “chính tâm tiên thành ý” 正心先诚意. Còn lai lịch tên Trương Viên hơi có màu sắc thần bí. Tương truyền vào một đêm năm Mậu Tuất niên hiệu Quang Tự 光绪, mẫu thân của ông nằm mộng thấy trên không có vầng trăng sáng, một ông lão cưỡi hạc dẫn theo một một con vượn con từ không trung bay xuống nhà. Trương mẫu trông thấy con vượn lanh lợi đáng yêu, vô cùng thích. Ông lão trông thấy bèn nói: “Tặng cho bà,  bà thấy thế nào?” Trương mẫu liền nhận con vượn, đương lúc định hành lễ đáp tạ, con vượn con nhìn thấy trăng chiếu sáng ngoài cửa sổ, vội vàng chui vào nách Trương mẫu, từ đó Trương mẫu có thai, năm sau sinh ra Trương Đại Thiên. Trong Hán cổ, chữ (viên) được viết là , mà chữ là dị thể tự, cho nên mẹ ông đã đặt cho ông tên là Trương Viên 张爰. Truyền thuyết kể rằng Trương Đại Thiên trước 5 tuổi rất sợ trăng.
          Lai lịch của tên tự “Đại Thiên” 大千 cũng gắn với một câu chuyện. Trương Đại Thiên lúc còn nhỏ cùng với người chị họ là Tạ Thuấn Hoa 谢舜华 thanh mai trúc mã. Sau khi cả hai trưởng thành, cha mẹ hai bên tổ chức nghi thức đính hôn cho họ. Sau Trương Đại Thiên sang Nhật, Tạ Thuấn Hoa ở nhà chờ Trương Đại Thiên học thành tài về nước sẽ cưới. Không ngờ Tạ Thuấn Hoa từ nhỏ đã yếu đuối, nhuốm bệnh mà mất. Sau khi Trương Đại Thiên từ Nhật trở về biết được tin ấy, vô cùng đau buồn, nên đã nảy sinh ý nghĩ trốn đời. Vì vậy, ông bèn đến chùa Thiền Định 禅定 ở Tùng giang 松江 bái kiến Hoà thượng trụ trì Dật Lâm Pháp Sư 逸琳法师 xin xuất gia. Dật Lâm Pháp Sư thích thư hoạ lại giỏi về thi từ, thấy Trương Đại Thiên thư hoạ giỏi, vô cùng hoan hỉ liền thu nhận, đồng thời ban cho ông pháp hiệu là “Đại Thiên” 大千. Người anh thứ 2 của ông là Trương Thiện Tử 张善子 sau khi biết được Trương Đại Thiên xuất gia rất giận, đến chùa Thiền Định tìm Dật Lâm Pháp Sư. Trương Đại Thiên thấy sự việc không hay liền đáp xe đi Ninh Ba 宁波. Tại Ninh Ba ông tìm đến Hoà thượng trụ trì chùa Quan Tông 观宗 là Đế Nhàn Đại Sư 谛闲大师. Đế Nhàn Đại Sư đồng ý thu nhận, đồng thời quyết định ngày hôm sau cho ông thiêu giới 烧戒 (2). Trương Đại Thiên thực lòng muốn xuất gia, nhưng đối với việc thiêu giới không hề chuẩn bị. Ông xin Đế Nhàn Đại Sư không thiêu giới, đồng thời trình bày lí do không thiêu giới. Đế Nhàn Đại Sư cho rằng ông lục căn bất tịnh, trần duyên chưa dứt, nên không thu nhận, bảo ông quay về lại nhà.
          Sau khi Trương Đại Thiên hoàn tục vẫn không quyên giai đoạn này nên đã đặt cho mình hiệu là Đại Thiên Cư Sĩ 大千居士, có lúc tự xưng là Đại Thiên Trương Viên 大千张爰.

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- TRƯƠNG ĐẠI THIÊN 张大千 (1899 – 1983), tên Quyền , sau đổi là Viên , hiệu Đại Thiên 大千, tiểu danh là Quý Viên 季爰, người Nội Giang 内江 Tứ Xuyên 四川, năm 12 tuổi đã có thể vẽ sơn thuỷ. Hội hoạ của ông có thể chia làm 3 thời kì: thời kì tác phong cổ điển (60 tuổi trở về trước), thời kì chuyển biến (60 – 70 tuổi), thời kì đỉnh cao (từ 70 tuổi trở về sau) lấy tác phẩm Trường giang vạn lí đồ 长江万里图 làm tiêu chí. Đào nguyên đồ 桃源图 là tác phẩm ông vẽ trước khi mất 1 năm (1982), lấy ý từ Đào hoa nguyên kí 桃花源记 của Đào Uyên Minh 陶渊明 đời Tấn
            Nguồn: Trung Quốc hội hoạ văn hoá 中国绘画文化 của Tần Mộng Na 秦梦娜. Trang 142 – 143, Thời sự xuất bản xã, 2008.
(2)- THIÊU GIỚI 烧戒: tức một nghi thức trong Phật giáo dùng hương để trên đỉnh đầu lưu lại vết sẹo. Phàm những ai tu hành, sau khi cạo đầu sẽ thiêu giới. Thiêu giới kết thúc mới chính thức trở thành đệ tử Phật môn.
          Thiêu giới vốn không phải là một quy định trong Phật giáo, Ấn Độ không có thiêu giới. Sau khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, giới tăng lữ rất được xã hội coi trọng. Thời Đường để ngăn chận tục nhân giả mạo tăng chúng, triều đình lệnh tăng chúng khi thọ giới sẽ thiêu giới để nhận biết.
          Một thuyết khác, theo Trung Quốc hoà thượng thụ giới thiêu hương ba khảo chứng 中国和尚受戒烧香疤考证 thì khởi nguyên đốt hương trên đỉnh đầu là vào năm Chí Nguyên 至元 thứ 25 đời Nguyên Thế Tổ. Khi Sa môn Chí Đức 至德 trụ trì chùa Thiên Hi 天禧 đã cùng với 7 người khác thụ giới thiêu hương trên đỉnh đầu.
          Nguồn http://foxue.baike.com/article-20736.html
                      http://www.dizang.org/wd/cj/053.htm

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 08/12/2013

Nguyên tác Trung văn
TRƯƠNG ĐẠI THIÊN DANH, TỰ, HIỆU ĐÍCH CỐ SỰ
张大千名, , 号的故事
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả:  Trương Tráng Niên  张壮年
               Trương Dĩnh Chấn  张颖震
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005
Previous Post Next Post