Dịch thuật: Phạm Lãi

PHẠM LÃI

          Phạm Lãi 范蠡, không rõ năm sinh năm mất, tự Thiếu Bá 少伯, còn có tên là Si Di Tử Bì 鸱夷子皮, Đào Chu Công 陶朱公. Ông là Tể tướng của Việt Vương Câu Tiễn勾践 thời Xuân Thu, một trong hiền tướng của nước Việt. Sau khi nước Ngô bị diệt, ông rời bỏ nước Việt đi buôn bán và trở nên giàu có. Những ngôn luận của ông được thấy trong “Quốc ngữ - Việt ngữ” 国语 - 越语và “Sử kí – Việt Vương Câu Tiễn thế gia” 史记 - 越王勾践世家, “Sử kí – Hoá thực liệt truyện” 史记 - 货殖列传. Trước tác của ông có “Kế nhiên thiên” 计然篇.

          Phạm Lãi người đất Uyển nước Sở (nay là thành phố Nam Dương 南阳 tỉnh Hà Nam 河南). Ông xuất thân nghèo hèn, sau đến nước Việt nhậm chức Đại phu, rồi Thượng tướng quân, nắm giữ chính sự. Năm 494 trước công nguyên, Ngô Vương Phù Sai 夫差vừa mới lên ngôi được 2 năm liền tấn công nước Việt để báo thù quân Ngô đã bị quân Việt đánh bại, khiến phụ thân Hạp Lư 阖闾 bị thương rồi mất. Phạm Lãi nhìn thấy quân Ngô mấy năm khổ luyện, thế lực hùng mạnh, nên đã khuyên Việt Vương Câu Tiễn giữ vững thành trì, tránh mũi nhọn của quân địch nhằm bẽ gãy ý chí chiến đấu của chúng. Câu Tiễn không nghe, tự cho rằng lần này cũng có thể đánh bại quân Ngô nên đã dẫn quân nghinh chiến. Quân Việt bị đánh bại, Câu Tiễn dẫn 5000 tàn quân chạy đến Cối Kê 会稽. Đối mặt với nguy cơ mất nước, Câu Tiễn hối hận nói với Phạm Lãi rằng:
Vì ta không nghe lời của khanh nên mới đến nước này. Nay phải làm sao?
          Phạm Lãi xem xét tình thế, khuyên Câu Tiễn nhẫn nhục cầu hoà. Câu Tiễn đồng ý, sai đại thần Văn Chủng 文种 hướng đến Phù Sai xin cầu hoà. Đại thần nước Ngô là Ngũ Tử Tư 伍子胥 cự tuyệt cầu hoà, khuyên Phù Sai nên diệt nước Việt để trừ hậu hoạn. Sau khi Phạm Lãi và Văn Chủng thương nghị, đã dùng châu báu và mĩ nữ hối lộ Thái tể nước Ngô là Bá Bỉ 伯嚭. Theo lời khuyên của Bá Bỉ, Phù Sai đồng ý nước Việt cầu hoà nhưng yêu cầu Câu Tiễn phải rời khỏi nước Việt.
          Câu Tiễn và phu nhân đến nước Ngô, Câu Tiễn làm người đánh xe và nuôi ngựa cho Ngô Vương, còn phu nhân quét dọn cung thất, tối đến ở trong nhà ngục, áo quần lam lũ, ăn uống kham khổ, chịu mọi sự khuất nhục. Trải qua 3 năm sống cực khổ, nhờ Bá Bỉ ngăn chận âm mưu giết Câu Tiễn và phu nhân của Ngũ Tử Tư, cuối cùng cả hai được thả về lại nước.
          Phù Sai lại đòi nước Việt phái đại thần đến nước Ngô làm con tin, Phạm Lãi xin được đi. Câu Tiễn muốn Phạm Lãi trị lí chính sự nước Việt nên không cho đi. Phạm Lãi bảo rằng:
          Về việc binh nhung, Văn Chủng không bằng thần; còn việc vỗ yên bách tính, trị lí chính sự thì thần không bằng Văn Chủng.
          Phạm Lãi xin để Văn Chủng trị lí chính sự, còn mình đi đến nước Ngô làm con tin. Sau hai năm Phạm Lãi được thả về, nắm giữ quân sự nước Việt, Văn Chủng coi giữ chính sự, Câu Tiễn cũng nằm gai nếm mật, nuôi chí báo thù khiến nước Việt dần khôi phục lại sức mạnh.
          Phạm Lãi và Văn Chủng tuyển chọn mĩ nữ Tây Thi 西施, Trịnh Đán 郑旦, cùng một số châu báu dâng lên Phù Sai. Một lần nữa Ngũ Tử Tư khuyên nên diệt nước Việt. Phù Sai không những không nghe mà còn tin theo những lời gièm pha của Bá Bỉ, cho rằng Ngũ Tử Tư năm đó giúp công tử Quang , đồng thời lên kế hoạch sai thích khách giết Ngô Vương Liêu là không trung với nước Ngô, ép ông ta tự vẫn.
          Quân đội nước Việt sau khi được Phạm Lãi huấn luyện đã ngày càng tinh nhuệ, sĩ khí dâng cao. Năm 482 trước công nguyên, thừa lúc Phù Sai lên Hoàng Trì 黄池  phía bắc hội minh cùng Tấn, Lỗ, quân Việt tiến thẳng đến nước Ngô đánh chiếm đô thành nước Ngô là Cô Tô 姑苏, bắt sống Thái tử Hữu . Phù Sai vội quay về sai Bá Bỉ đến nước Việt cầu hoà. Phạm Lãi cho rằng thời cơ diệt nước Ngô chưa chín mùi, khuyên Câu Tiễn tạm thời nhận lời cầu hoà. Về sau quân Việt một lần nữa đánh chiếm Cô Tô, làm suy yếu thực lực nước Ngô. Năm 475 trước công nguyên, quân Việt lần thứ 3 tấn công nước Ngô, vây khốn Cô Tô  trong 2 năm. Khi Phù Sai một lần nữa cầu hoà, Phạm Lãi thấy nước Ngô không còn sức để phản công nên đã khuyên Câu Tiễn kiên quyết cự tuyệt cầu hoà, đem quân diệt Ngô, bức Phù Sai phải tự sát.
          Lúc bấy giờ, Phạm Lãi biết được con người của Câu Tiễn, một khi thành công tất sẽ nghi kị và giết hại công thần, nên đã âm thầm rời khỏi nước Việt. Truyền thuyết kể rằng, Phạm Lãi từng 3 lần dời đi, trước tiên cùng Tây Thi ngồi thuyền vượt Thái hồ 太湖 để vào nước Tề, đổi tên là Si Di Tử Bì 鸱夷子皮, buôn bán làm giàu, lại được bái làm Tướng quốc nước Tề. Sau lại từ quan, phân phát tài sản đi đến đất Đào (nay là phía tây bắc Định Đào 定陶 tỉnh Sơn Đông 山东), đổi tên là Đào Chu Công陶朱公, rồi lại kinh doanh trở thành cự phú.
          Phạm Lãi là một chính trị gia nổi tiếng, cũng là một tư tưởng gia và kinh tế học gia. Ông cho rằng vạn vật đều đang biến hoá, sự thịnh suy của thế nước cũng như thế, cho nên đối phó với kẻ địch cần phải căn cứ vào sự biến hoá của hình thế mà định ra đối sách, lúc cường thịnh phải tránh kiêu ngạo, nóng nảy, lúc yếu phải tranh thủ thời cơ có lợi, tạo điều kiện, chuyển yếu thành mạnh. Về tư tưởng kinh tế, ông để ý vào sự tuần hoàn của tự nhiên, cho rằng sự thay đổi mắc rẻ của vật giá quyết định sự biến đổi quan hệ cung cầu. Ông chủ trương khi thóc lúa rẻ, phủ quan thu mua vào, khi đắt dùng giá cả bình ổn bán ra để cân bằng giá cả lương thực, tránh khi thóc lúa rẻ hại đến nhà nông, khi thóc lúa đắt hại đến công thương.

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 14/11/2013

Nguyên tác Trung văn
PHẠM LÃI
范蠡
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999.
Previous Post Next Post