NHỮNG MẨU CHUYỆN VỀ KHĂN ĐỘI ĐẦU
(tiếp theo)
Khăn đội
đầu lúc ban sơ chỉ là một miếng vải vuông, khi dùng tuỳ ý buộc cột, về sau cảm
thấy mỗi ngày đều như thế không tiện nên đã may thành hình cái mũ, đến lúc chỉ
cần đội lên đầu là được, bớt thời gian cột buộc phiền phức, hơn nữa có thể căn
cứ vào nhu cầu, đem khăn đội đầu sáng chế ra nhiều dạng.
“Giác
cân” 角巾 thuộc về loại này. Gọi là giác cân là do bởi khăn xếp
có góc. Khăn kiểu này xuất hiện vào thời Đông Hán. Chuyện kể rằng một ngày nọ,
danh sĩ Quách Lâm Tông 郭林宗 thời Đông Hán đội
khăn đi ra ngoài, gặp phải trời mưa, nước mưa thấm ướt cả áo, khăn đội đầu cũng
bị bung ra hình thành 1 góc. Có người trông thấy cho là lạ nên đã bắt chước
theo, cố ý đem khăn đội đầu xếp thành 1 góc, và đã lưu truyền lại thành phong tục.
Thời Nguỵ Tấn, nhiều nho sinh, học sinh, người đọc sách dùng kiểu khăn này, tục
gọi là “chiết giác cân” 折角巾, hoặc “Lâm Tông
cân” 林宗巾. Ngô Quân 吴圴 thời Nam triều trong bài thơ Tặng Chu Tán kị HưngTự 赠周散骑兴嗣 có câu:
Duy an Lai Vu tắng
Kiêm mộ Lâm Tông cân (1)
唯安莱芜甑
兼慕林宗巾
(Yên phận với cái trả Lai Vu
Thích cả cái khăn Lâm Tông)
Thời Bắc
Chu, người ta lại đem khăn đội đầu hình vuông rộng hẹp tương đồng may thành 4
chân, sau khi đội lên tóc, 2 chân buộc lại trên đỉnh đầu, 2 chân còn lại thả xuống, gọi là “phốc đầu” 幞头. Phốc đầu là loại
thủ phục chủ yếu của đàn ông thời Tuỳ Đường. Đến thời Tống vẫn dùng theo không
suy giảm, đồng thời phát triển thành một loại mũ quan, trên từ đế vương xuống đến
bách quan, trừ lúc tế tự, lễ kiến, triều hội ra những lúc khác đều dùng loại mũ
này.
Do bởi
“phốc đầu” trở thành quan phục, cho nên giai tầng sĩ thứ thời Tống Nguyên không
ai dùng. Văn nhân nhã sĩ thời kì này lại sùng thượng tập tục cũ là đội khăn.
Hình chế
khăn đội đầu thời Tống Nguyên biến hoá rất nhiều, danh mục cũng rất nhiều, có
loại căn cứ vào kiểu mà định danh, như “viên đính cân” 圆顶巾,
“phương đính cân” 方顶巾, “cầm đính cân” 琴顶巾
… có loại theo chất liệu mà định danh, như “sa cân” 纱巾,
“trù cân” 绸巾 … có loại lại lấy tên người để định danh, như “Đông Pha cân” 东坡巾,
“Trình Tử cân” 程子巾, “Sơn Đính cân” 山顶巾
… Nhân vật có thân phận khác nhau dùng những loại khăn khác nhau. Một người đi
trên đường, chỉ cần nhìn khăn đội đầu của người đó sẽ biết được người đó làm
nghề gì. Như Ngô Tự Mục 吴自牧 đời Tống trong Mộng lương lục 梦梁录 đã viết:
Sĩ nông công thương, về trang phục mũ nón của
các ngành nghề này đều có sự khác biệt …. Người buôn bán trên đường phố, mỗi
người đều có cách phục sức riêng, có thể nhận ra họ thuộc nhóm người nào.
Phong tục
này đến đời Minh vẫn tăng chứ không giảm. Đàn ông đời Minh, về mức độ ưa chuộng
khăn đội đầu đã vượt qua các thời đại trước. Trong hơn 200 năm, trước sau đã xuất
hiện các kiểu khăn đội đầu không dưới 30, 40 kiểu. “Võng cân” 网巾 là một loại lưới trùm lên tóc sau khi đã vấn, không
phân biệt người sang kẻ hèn, ai cũng đều có thể dùng được. Thông thường dùng sợi
màu đen, lông đuôi ngựa hoặc tơ dệt thành. Bình thường lúc ở nhà có thể để lộ
ra bên ngoài, quan lại khi ra ngoài đội thêm mũ quan lên trên. Loại “võng cân”
này xuất hiện vào đầu đời Minh, tương truyền được Minh Thái Tổ Chu Nguyên
Chương 朱元璋 “khâm định” ban bố trong cả nước. Một ngày nọ, Chu
Nguyên Chương vi phục xuất hành, đến trước Thần Lạc Quán 神乐观 thấy một vị đạo sĩ đang dệt võng cân bên đèn. Chu
Nguyên Chương hỏi:
Đó là vật gì?
Đạo sĩ
đáp rằng:
Đây là võng cân dùng để trùm lên tóc, làm
cho vạn sợi tóc được ngay ngắn.
Chu
Nguyên Chương nghe được câu “vạn sợi tóc được ngay ngắn” (vạn phát câu tề 万发俱齐) vô cùng hài lòng, lập tức phong quan cho đạo sĩ, đồng
thời ban bố kiểu dáng cho thiên hạ biết, lệnh cho văn võ trong triều, toàn quốc
bách tính dùng loại khăn này trùm lên tóc.
Trong lịch
sử khăn đội đầu đời Minh, thời gian sử dụng võng cân là dài nhất, từ đầu đời
Minh cho đến lúc nhà Minh diệt vong. Sau khi quân Thanh tiến vào trung nguyên,
do bởi cưỡng bức đàn ông người Hán phải cạo tóc thắt bím nên loại thủ phục này
bị phế bỏ. Theo bút kí của đời Thanh, sau khi quân Thanh công hạ Giang Nam, một
di dân đời Minh dẫn 2 theo người nô bộc bỏ chạy, nhân vì không chịu thay đổi phục
trang của nhà Minh, bị bắt vào ngục, bọn ngục lại lột võng cân. Chủ nhân phẫn nộ
nói với nô bộc rằng:
Y quan là định chế của các đời. Còn như võng
cân là do Thái tổ Cao Hoàng Đế của ta sáng chế ra. Nay gặp phải lúc nước mất,
tuy dù chết ta cũng không thể nào quên Tổ chế? Các người đem bút mực đến đây vẽ
lại võng cân lên trên trán của mình.
Vì thế
cả ba người vẽ cho nhau, ngày ngày đều như thế cho đến lúc bị giết.
“Phương
cân” 方巾 là loại khăn đội đầu mà những người có học đời Minh đội,
thực tế nó là một loại mũ tiện dụng được may thành hình vuông. Với quan lại, có
người cũng thích đội lúc ở nhà. Loại mũ này dùng loại sa đen may thành, có thể
xếp lại, khi mở ra bốn góc đều vuông cho nên có tên là “phương cân”, cũng còn gọi
là “tứ giác phương cân”. Theo truyền thuyết loại mũ này cũng xuất hiện vào thời
Minh Thái Tổ. Tương truyền đầu đời Minh, đại văn học gia Dương Duy Trinh 杨维祯 được triệu vào điện gặp Thái Tổ. Thái Tổ thấy mũ ông
đội bốn góc đều vuông lấy làm lạ, hỏi ông tên gọi của mũ là gì. Dương Duy Trinh
lanh trí đáp rằng: “Đó là mũ tứ phương bình định” (Tứ phương bình định cân 四方平定巾). Thái Tổ nghe qua vô cùng vui mừng, ban chế xuống
thiên hạ, đồng thời quy định là loại chuyên dùng của nho sĩ, sinh viên cùng
giám sinh văn nhân. Tên gọi “Tứ phương bình định cân” được thấy nhiều trong những
trước tác đời Minh, trong Minh sử 明史 cũng có nói đến.
Trong Minh sử còn ghi rõ năm ban chế
là năm Hồng Vũ 洪武 thứ 3 (năm 1368). Năm này đúng là năm Dương Duy Trinh
được triệu đến kinh thành gặp Thái Tổ, nhưng Dương Duy Trinh luôn nhớ đến triều
Nguyên bị diệt vong, nhiều lần cự tuyệt làm quan cho triều Minh. Khi ông gặp
Minh Thái Tổ, có nói những lời xu nịnh hay không thì không ai có thể biết được
Đời
Thanh, do bởi kiểu tóc thay đổi, người đội khăn cực ít. Đàn ông thời cận đại cắt
bỏ bím tóc, để tóc ngắn nên cũng không dùng khăn đội đầu. Loại thủ sức này đã dần
mất đi, chỉ có ở một số chùa miếu vẫn còn bảo lưu di tích của nó.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Hai câu nay ở bài thứ 1 trong 4 bài có tiêu đề là
Tặng Chu Hưng Tự 赠周兴嗣của Ngô Quân 吴圴, không phải ở Tặng Chu Tán kị HưngTự 赠周散骑兴嗣. Tặng Chu Tán kị HưngTự cũng
của Ngô Quân nhưng chỉ có 2 bài. Trong nguyên tác in nhầm chữ 兴 (hưng) thành chữ 与
(dữ).
LAI VU TẮNG 莱芜甑: chỉ cuộc sống
thanh bần. Xuất xứ từ chuyện Phạm Nhiễm 范冉
đời Hán.
Phạm
Nhiễm 范冉 tự Sử Vân 史云, từng làm người đứng
đầu ở Vu Lai 芜莱. Sau gặp phải nạn Đảng nhân bị cấm cố, tuy cuộc sống
rất thanh bần, nhưng lúc nào cũng ung dung thư thái, lời nói cùng dáng vẻ không
hề thay đổi. Lúc bấy giờ truyền tụng câu ca dao:
Tắng trung sinh trần Phạm Sử Vân
Phủ trung sinh ngư Phạm Lai vu
甑中生尘范史云
釜中生鱼范莱芜
(Trong cái trả có bụi là Phạm Sử Vân
Trong cái nồi có cá là Phạm Lai Vu)
Tắng 甑 là một loại dụng cụ dùng để nấu thức ăn, nó vừa mẻ vừa
đầy bụi bặm. Về sau người ta dùng “Lai Vu tắng” 莱芜甑
để chỉ cuộc sống thanh bần.
Nguồn
http: www.zdic.net/c/1/17/38030.htm
LÂM TÔNG 林宗 (năm 128 – năm 169): tức Quách Thái 郭泰, Lâm Tông là tên tự, người ở Giới Hưu 介休 Thái Nguyên 太原 (nay thuộc Sơn Tây), học giả cuối thời Đông Hán.
LÂM TÔNG 林宗 (năm 128 – năm 169): tức Quách Thái 郭泰, Lâm Tông là tên tự, người ở Giới Hưu 介休 Thái Nguyên 太原 (nay thuộc Sơn Tây), học giả cuối thời Đông Hán.
Quách
Thái xuất thân trong một gia đình nghèo, cha mất sớm, chỉ có hai mẹ con nương tựa
vào nhau sống qua những tháng ngày đạm bạc. Đến khi trưởng thành, người mẹ muốn
ông đến huyện nha làm việc để thay đổi cuộc sống nghèo khó. Nhưng Quách Thái là
người có chí lớn nên ông không chịu nghe theo, ông tìm đến học ở Khuất Bá Ngạn 屈伯彦. Dưới sự chỉ dạy của Khuất Bá Ngạn, Quách Thái khắc
khổ học tập. Ba năm sau ông tinh thông “tam phần ngũ điển”, giỏi về luận đàm,
được mọi người khen là nhân tài.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 04/11/2013
Nguyên tác Trung văn
ĐẦU CÂN SỬ THOẠI
头巾史话
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ
PHỤC SỨC
中国民俗文化
服饰
Biên soạn: Hồng Vũ 鸿宇
Bắc Kinh - Tôn giáo văn hoá xuất bản xã, 2004.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật