Dịch thuật: Chế độ tuẫn táng cung phi

CHẾ ĐỘ TUẪN TÁNG CUNG PHI

          Tuẫn táng là một phong tục cực kì nguyên thuỷ và dã man. Tục tuẫn táng ở Trung Quốc thịnh hành vào thời Ân Thương, sau thời Tần Hán về cơ bản đã mất. Nhưng thời kì Minh Thanh xã hội phát triển đỉnh cao của xã hội phong kiến, tục tuẫn táng cung phi lại xuất hiện công khai trong cung thất.
          Sau khi Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương 朱元璋 mất được an táng tại Hiếu lăng 孝陵 ở Nam Kinh, đã có 40 phi tần bị tuẫn táng theo, trong đó trừ 2 người mất trước Chu Nguyên Chương, 38 người còn lại đều bị giết chôn theo. Các vị Hoàng đế sau đó như Thành Tổ, Nhân Tông, Tuyên Tông, Cảnh Đế sau khi mất cũng đều tuẫn táng cung phi theo. Minh Thành Tổ có 15 người, Minh Nhân Tông 5 người, Minh Tuyên Tông 10 người. Nhìn chung, Sau khi Hoàng đế mất, danh sách bị tuẫn táng do vị Hoàng đế nối ngôi cùng lễ thần lâm thời nghị định. Cung phi bị tuẫn táng đa số là những cung nữ, phi tần chưa sinh con; những người có địa vị tương đối cao hoặc đã sinh con bị tuẫn táng theo không nhiều. Như trong số 10 người phi bị tuẫn táng của Minh Tuyên Tông, chỉ có 1 người lúc sinh tiền là phi, sau khi chết được truy phong là Quý phi, những người còn lại đều là cung nữ. Thời Minh, người bị tuẫn táng có huy hiệu cao nhất là Quách thị 郭氏 thời Minh Nhân Tông, bà ta lúc sinh tiền là Quý phi, đồng thời sinh được 3 hoàng tử, theo chế độ thì không thể tuẫn táng, nhưng cuối cùng vẫn đi theo chồng. Tuy có cung phi xuất phát từ những suy nghĩ về thân phận của mình sau này mà bằng lòng tuẫn táng, nhưng tình huống ấy cực ít, đại đa số đều bị cưỡng chế thi hành.
          Nhìn từ những ghi chép, cảnh tượng tuẫn táng của tập thể cung nữ đời Minh rất thê thảm. Nhìn chung họ dùng cách tự ải hoặc tuyệt thực. Trước khi tuẫn táng, vị Hoàng đế nối ngôi sẽ bày yến tiệc trong cung để tiễn đưa. Sau bữa tiệc, tại nơi đã chuẩn bị trước đặt một chiếc ghế nhỏ bằng gỗ, trên rường nhà buộc sẵn một đoạn dây, cung phi bị tuẫn táng đến trên ghế, đưa đầu vào thòng lọng, sau đó hoạn quan sẽ xô ngã ghế. Đa số cung phi đều rời bỏ cõi đời trong tiếng khóc. Khi Hoàng đế Vĩnh Lạc 永乐 mất, cung nữ Hàn thị 韩氏đến từ Triều Tiên bị tuẫn táng, lúc Nhân Tông đến đại đường nhìn Hàn thị, Hàn thị đã van xin tha mạng để về quê phụng dưỡng cha mẹ, nhưng cuối cùng vẫn không được như nguyện.
          Sau khi cung phi bị tuẫn táng, căn cứ theo thân phận khác nhau của họ lúc sinh tiền mà ban cho quan tài tẫn liệm với chất liệu khác nhau, sau đó theo thứ tự mà mai táng trong hoàng lăng. Đồng thời để biểu dương tiết hạnh, Hoàng đế nối ngôi sẽ truy tặng cho họ thuỵ hiệu.
          Chế độ tuẫn táng cung phi đời Minh kéo dài qua 5 triều. Thời Minh Anh Tông, Chu Hiến Vương Chu Hữu Đôn 朱有燉  đã dâng thư thỉnh cầu sau khi ông ta qua đời việc tang nên kiệm ước để khoan sức dân, không phải là phu nhân trở xuống không nên tuẫn táng. Minh Anh Tông phê chuẩn thỉnh cầu của ông ta, đồng thời cũng cảm thấy khi Hoàng đế mất, chôn theo cung phi quả là tàn nhẫn, không nên đề xướng, vì thế trước khi mất, Minh Anh Tông ban xuống chiếu thư, phế bỏ chế độ tuẫn táng cung phi.
         Người Mãn trước khi vào trung nguyên, xã hội hãy còn ở vào giai đoạn tương đối nguyên thuỷ, việc thực hành chế độ tuẫn táng tương đối phổ biến, lịch sử của nó cũng tương đối dài. Việc tuẫn táng ở thời kì đầu chủ yếu là thê, về sau thê không chịu tuẫn táng theo nên đã phát sinh hiện tượng cưỡng bức thiếp. Hoàng thất triều Thanh cũng theo tập tục truyền thống này, thời kì đầu trước khi vào trung nguyên đều cổ xuý hiện tượng tuẫn táng thê thiếp hoặc nô bộc nam. Năm Thiên Mệnh 天命 thứ 10, Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích 努尔哈赤 qua đời, Đại phi của ông là Ô Lạp Nạp Lạt thị 乌拉纳喇氏, thứ phi là A Cát Căn 阿吉根, Đại Nhân Trát 代因札 bị tuẫn táng. Khi Hoàng Thái Cực 皇太极 mất, Chương kinh Đôn Đạt Lí 敦达里, An Đạt Lí 安达里 bằng lòng được tuẫn táng. Thời Thế Tổ Phúc Lâm 福临 có  người phi là Đổng Ngạc thị 董鄂氏 bị tuẫn táng. Việc tuẫn táng thời kì đầu của tộc Mãn đều do Hoàng đế lúc sinh tiền định đoạt, khi mất, người bị tuẫn táng ăn mặc chỉnh tề ngồi trên giường, sau đó có người dùng cung bắn chết. Về sau không dùng hình thức này mà là dùng dây tự ải.
          So với việc tuẫn táng cung phi đời Minh, địa vị người bị tuẫn táng ở đời Thanh đều tương đối cao. Trong số những người bị tuẫn táng theo Hoàng đế nhà Thanh, người có thân phận cao nhất là Đại phi Ô Lạp Nạp Lạt thị 乌拉纳喇氏 của Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích 努尔哈赤. Bà là con gái của Bối lặc Mãn Thái 满泰 nước Ô lạp 乌拉, xinh đẹp cơ trí, có lòng đố kị mạnh mẽ, Nỗ Nhĩ Cáp Xích sợ tương lai bà ta sẽ làm hại đất nước nên trước khi mất đã di ngôn cho tuẫn táng. Đương nhiên bà ta không bằng lòng, tìm trăm phương nghìn kế để chống lại, nhưng các Bối lặc và đại thần lúc bấy giờ cứ theo di ngôn, cuối cùng bà ta phải ôm hận đi theo Hoàng đế.
          Chế độ tuẫn táng cung phi của hoàng thất nhà Thanh sau khi vào trung nguyên chẳng bao lâu đã gghị gặp phải kháng nghị của quan lại người Hán. Thời Khang Hi, Lễ bộ Cấp sự trung Chu Bùi 朱裴 dâng sớ trình bày:
          Hiếu sinh ố tử, nhân chi thường tình. Quyên khu khinh sinh, phi thịnh thế sở nghi hữu.
          好生恶死, 人之常情. 捐躯轻生, 非盛世所.
          (Tham sống sợ chết là điều thường tình của con người. Bỏ thân coi rẻ mạng sống của người khác là điều mà thời đại thịnh trị không nên có)
ông thỉnh cầu cấm chỉ việc tuẫn táng cung phi. Năm Khang Hi thứ 12, Hoàng đế Khang Hi xuống chiếu phế bỏ chế độ tuẫn táng. Từ đó hoàng thất nhà Thanh không còn phát sinh việc chôn theo người sống.

                                                      Huỳnh Chương Hưng
                                                      Quy Nhơn 17/9/2013

Nguyên tác Trung văn
CUNG PHI TUẪN TÁNG CHẾ
宫妃殉葬制
Tác giả: Quách Phúc Tường 郭福祥
Trong quyển
CUNG QUY LỄ TỤC THÁM U
宫规礼俗探幽
Chủ biên: Thôi Trắc 崔陟
Trung Quốc văn sử xuất bản xã, 2006.
Previous Post Next Post