Dịch thuật: Chu Công

CHU CÔNG

          Chu Công 周公, không rõ năm sinh năm mất, tính Cơ , danh Đán , cũng còn gọi là Thúc Đán 叔旦, Tể tướng thời Vũ Vương, Thành Vương, một trong những hiền tướng triều Tây Chu. Trứ tác có Quân Thích 君奭, Si hiêu 鸱鴞. Những lời của ông còn được ghi chép lại ở các thiên Đại cáo 大诰, Đa sĩ 多士, Vô dật 无逸, Lập chính 立政 trong Thượng thư 尚书. Chu Công mất vì bệnh, được an táng ở đất Tất (thuộc phía nam thành phố Tây An 西安 tỉnh Thiểm Tây 陕西 ngày nay).
         
          Cơ Đán 姬旦 còn có tên là Thúc Đán叔旦, con thứ 4 của Văn Vương , em Vũ Vương, nguyên lần đầu được ban thái ấp ở đất Chu (phía bắc Kì Sơn 岐山 tỉnh Thiểm Tây 陕西 ngày nay) nên cũng gọi là Chu Công. Chu Công hiền năng đa tài, giúp anh là Vũ Vương diệt nhà Thương kiến lập triều Chu. Vì có công lớn nên ông được ở bên cạnh Vũ vương giúp trị lí triều chính.
          Sau khi diệt nhà Thương, năm sau Vũ Vương bệnh nặng, Chu Công thấy dân Ân không phục, thiên hạ chưa ổn định, lo sợ Vũ Vương qua đời, Chu Công giấu mọi người cầu khấn với tổ tông cho Vũ Vương bình phục, nguyện chết thay Vũ Vương. Sau khi cầu khấn, Chu Công đem điển sách có khắc những lời khấn cất vào “kim đằng chi quỹ” 金藤之匮 (hộp được buộc với sợi dây làm bằng vàng), đồng thời bảo với sử quan bên cạnh không được tiết lộ với ai. Ngày hôm sau, bệnh của Vũ Vương thuyên giảm.
          Vũ Vương rất xem trọng Chu Công, khen ông là “đại hữu tri”. Chẳng bao lâu sau, Vũ Vương lại lâm bệnh, bệnh tình ngày càng trầm trọng. Lúc hấp hối, Vũ Vương nhận thấy con của mình còn nhỏ, không đủ sức gánh vác việc lớn, trong số mấy anh em chỉ có Chu Công vừa có tài vừa có đức, có thể ổn định cục diện chính trị, nên chuẩn bị truyền ngôi cho Chu Công. Chu Công nghe qua vừa khóc vừa nắm tay Vũ Vương cự tuyệt.
          Sau khi Vũ Vương mất, Chu Công lập con Vũ Vương lên kế vị, đó là Thành Vương. Thành Vương khi ấy chỉ mới 13 tuổi, không có năng lực trị nước. Lúc bấy giờ phía đông chưa bình định, di dân của triều Thương bị diệt vong và không ít chư hầu đều dòm ngó tình thế chuẩn bị làm phản. Vương triều Tây Chu mới lập đang nguy cấp. Chu Công bèn tự mình nhiếp chính, xưng Thái sư.
          Chu Công ngày đêm bận rộn xử lí chính sự, khi ăn cơm mấy lần buông đũa để tiếp người cầu kiến, lúc tắm cũng mấy lần dừng lại để xử lí sự việc cấp bách. Chu Công lấy lễ đãi sĩ, mời gọi nhân tài, đồng thời chủ trương “minh đức thận phạt” 明德慎罚, tức lấy lòng khoan dung nhân hậu để đối đãi mọi người, khi xử phạt phải rất thận trọng, đối đãi với di dân Ân Thương cũng phải thực hành chính sách “nghĩa hình nghĩa sát” 义刑义杀.
          Người con thứ 3 của Chu Văn Vương là Quản Thúc Tiên 管叔鲜 và người con thứ 5 là Thái Thúc Độ 蔡叔度 thấy Chu Công thay quyền thiên tử, trong lòng sinh ra đố kị, nên phao tin đồn Chu Công có mưu đồ soán đoạt vương vị, ngay cả Thành Vương và Thái bảo Thiệu Công 召公 cũng hoài nghi.
          Đối với tình hình như thế, Chu Công nhẫn nhục gánh vác nhiệm vụ, một mặt rời Hạo kinh 镐京, đến cư trú ở phía đông nam đô thành để tránh mối hiềm nghi, mặt khác làm ra 2 thiên Quân Thích 君奭 và Si hiêu 鸱鴞 để giải thích với Thiệu Công và Thành Vương, cuối cùng được sự cảm thông và ủng hộ của Thiệu Công. Chu Công lại khuyên răn Thành Vương, nói rằng: thế lực phản loạn giống như loài ác điểu si hiêu, mục đích của bọn họ là “phá tổ lấy trứng”, huỷ hoại vương thất của mình. Và từ đó Thành Vương cũng dẹp bỏ những hoài nghi.
         Bấy giờ đang vào thu, bỗng nhiên phát ra sấm sét, cuồng phong nổi lên, làm hư hại mùa màng. Thành Vương vội tế trời cầu thần, mở hộp kim đằng, lấy điển sách ra xem, phát hiện những lời cầu khấn của Chu Công xin chết thay cho Vũ Vương. Thành Vương lúc này mới hoàn toàn hiểu rõ lòng trung thành của Chu Công, vừa cảm động vừa hối hận, Thành Vương bèn đích thân ra khỏi thành nghinh đón Chu Công, mời Chu Công nhiếp chính trở lại.
          Quản Thúc Tiên và Thái Thúc Độ thấy những lời phao vu do mình tung ra bị phá sản nên đã cùng với Vũ Canh 武庚 con của vua Trụ liên lạc với Hoài di cử binh làm phản. Dưới sự ủng hộ của Thành Vương và Thiệu Công, Chu Công xuất sư đông chinh. Trải qua 3 năm chiến đấu gian khổ, cuối cùng giết được Vũ Canh và Quản Thúc Tiên, bắt Thái Thúc Độ sau đó đuổi đi, phế một người em khác tham gia phản loạn là Hoắc Thúc 霍叔 làm bình dân.
          Khi Thành Vương đến tuổi 20 có thể xử lí chính sự, Chu Công đã giao chính quyền lại cho Thành Vương, tự mình vẫn giữ chức Thái sư, làm một Trủng tể phụ tá Thành Vương. Tiếp đó, Chu Công bắt đầu xây dựng đông đô Lạc Ấp 洛邑 (thuộc thành phố Lạc Dương 洛阳 tỉnh Hà Nam 河南 ngày nay). Sau khi đông đô xây dựng xong gọi là “Thành Chu” 成周,  8 sư đóng nơi đó, đem số “dân cứng đầu” của triều Ân không cam tâm chịu diệt vong dời đến cư trú quanh Thành Chu để dễ bề giám sát, dùng đại nghĩa hiểu dụ họ, nói rõ Ân Thương mất cả lòng dân gặp phải hoạ vong quốc, lỗi do tự họ gây ra, họ phải phục tùng sự thống trị của nhà Tây Chu.    (còn tiếp)

                                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                                          Quy Nhơn 26/8/2013

Nguyên tác Trung văn
CHU CÔNG
周公
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999.
Previous Post Next Post