Dịch thuật: Ngược tìm khởi nguyên của diều (kì 2)


NGƯỢC TÌM KHỞI NGUYÊN CỦA DIỀU
(Kì 2)

          Một ý kiến khác cho rằng, Hàn Tín 韩信 là người phát minh ra diều. Cao Thừa 高承 đời Tống trong Sự vật kỉ nguyên – quyển bát – chỉ diên 事物纪原卷八 - 纸鸢  nói rằng:
          Tục vị chi phong tranh, cổ kim tương truyền, vân thị Hàn Tín sở tác. Cao Tổ chi chinh Trần Hi dã, Tín mưu tùng trung khởi, cố tác chỉ diên phóng chi, dĩ lượng Vị Ương cung viễn cận, dục dĩ xuyên địa toại nhập cung trung dã. Cái tích truyền như thử, lí hoặc nhiên hĩ.
          俗谓之风筝, 古今相传, 云是韩信所作. 高祖之征陈稀也,信谋从中起,故作纸鸢放之,以量未央宫远近,欲以穿地隧入宫中也.盖昔传如此,理或然矣
     (Tục gọi là ‘phong tranh’, xưa nay truyền nhau, cho là Hàn Tín làm ra. Cao Tổ khi đánh Trần Hi, mưu kế của Tín từ trong đó mà ra, cho nên làm diều giấy thả, để ước lượng cung Vị Ương xa gần, từ đó mà đào địa đạo để vào cung. Vì xưa truyền lại như thế, lí có thể như thế) (1)
          Trong bút kí của người đời Thanh còn nói: Hàn Tín nhân vì vây khốn Hạng Vũ 项羽 ở Cai Hạ 垓下, đã chế tạo ra diều làm bằng da trâu, chở người giỏi thổi sáo bay đến bầu trời của quân Sở, thổi lên khúc nhớ quê nhà, nghe u uất nghẹn ngào. Quân Sở nghe tiếng sáo, đều đau buồn, không còn lòng dạ nào chiến đấu, bèn vất giáp liệng qua, hết thảy đều giải tán.
          Ý kiến thứ 3 cho rằng diều được phát minh vào thời Nam Bắc triều. Những năm 30 của thế kỉ này, Vương Kiện Ngô 王健吾, Kim Thiết Am 金铁庵 trong Phong tranh phổ 风筝谱 đã chỉ ra rằng:
          Thử vật tại tối tiên đương danh vi chỉ diên, kì sáng chế do viễn tại Lương Vũ Đế thời.
          此物在最先当名为纸鸢, 其创制犹在梁武帝时.
          (Vật này lúc ban đầu có tên là ‘chỉ diên’, nó được làm ra vào thời Lương Vũ Đế)
          Trong Nam sử - Hầu Cảnh truyện 南史 - 侯景传 có chép chuyện Giản Văn Đế thả diều để cầu viện quân. Bối cảnh là: Năm Thái Thanh 太清 thứ 3 nhà Lương thời Nam triều (năm 549), Hầu Cảnh 侯景 phản loạn, bao vây kinh đô Kiến Khang 建康 (nay là Nam Kinh),  công phá ngoại thành. Lương Giản Văn Đế Tiêu Cương 萧纲 cùng văn võ bách quan đều bị vây khốn ở Đài Thành 台城, cách biệt âm tín với viện quân ở ngoại thành.
          Ý kiến thứ 4 cho rằng người phát minh ra diều là Lí Nghiệp 李邺 thời Ngũ đại. Trần Nghi 陈沂 đời Minh trong Tuân sô lục 询刍录 viết rằng:
     Ngũ đại Lí Nghiệp vu cung trung tác chỉ diên, dẫn tuyến thừa phong hí. Hậu vu diên thủ, dĩ trúc vi địch, sử phong nhập trúc, như minh tranh, cố danh phong tranh.
          五代李邺于宫中作纸鸢, 引线乘风戏. 后于鸢首, 以竹为笛, 使风入竹, 如鸣筝, 故名风筝
          (Lí Nghiệp thời Ngũ đại ở trong cung làm ra diều giấy, nắm dây thả theo gió mà chơi. Về sau ở chỗ đầu của diều, lấy trúc làm thành sáo, để cho gió thổi vào ống trúc, phát ra tiếng như đàn tranh, vì thế có tên là ‘phong tranh’)
          Lang Anh 郎英 đời Minh từng phản bác thuyết cho diều là do Hàn Tín tạo ra, và thuyết Dương Xa Nhi 羊车儿 thả diều giấy để cầu viện, cho rằng những thuyết này đều không đáng tin, đồng thời cho diều là “Lí Nghiệp tạo ra không phải nghi ngờ gì”. Gần đây, Từ Kha 徐柯 trong Thanh bại loại sao 清稗类钞 cũng nói rằng:
Phong tranh, chỉ diên dã, Ngũ đại thời, Lí Nghiệp vu cung trung tác chỉ diên.
风筝,纸鸢也,五代时,李邺于宫中作纸鸢
     (Phong tranh là diều giấy, thời Ngũ đại, Lí Nghiệp ở trong cung làm ra diều giấy)
          Diều gỗ làm sao có thể bay lên không trung được?
          Trong Hàn Phi Tử, Mặc Tử đều không thuật rõ việc này, Nếu như diều gỗ là dùng dây dẫn dắt, lợi dụng sức gió để bay lên, thế thì bản thân nó chính là “phong tranh” 风筝 (diều), chỉ có điều tên gọi và tài liệu khác với hiện nay mà thôi. Nhưng, Đoàn Thành Thức 段成式 đời Đường trong Dậu Dương tạp trở 酉阳杂俎 đã căn cứ sử liệu có nói:
Lục quốc thời, Công Thâu Ban diệc vi mộc diên dĩ khuy Tống thành.
六国时, 公输班亦为木鸢以窥宋成
(Thời Lục quốc, Công Thâu Ban cũng làm ra ‘mộc diên’ để dọ thám thành nước Tống)
Trong Thái bình ngự lãm 太平御览 thì nói rằng:
Trương Hành thường tác mộc điểu, giả dĩ vũ cách, phúc trung thi cơ, năng phi sổ lí.
张衡尝作木鸟,假以羽翮,腹中施机,能飞数里
(Trương Hành từng làm ra ‘mộc điểu’, với cánh chim giả, trong bụng đặt máy, có thể bay mấy dặm)
Nhìn từ những ghi chép trên, gọi là ‘mộc diên’, ‘mộc điểu’ đều là vật dựa vào máy được lắp đặt để có thể bay lên cao, khác với loại ‘phong tranh’ mà ngày nay chúng ta nói. Có người đem 2 loại đó phân biệt là “phốc dực phi hành khí” 扑翼飞行器 (loại vỗ cánh để bay) và “định dực phi hành khí 定翼飞行器 (loại bay nhưng cánh cố định), là có lí. Nhìn từ nguyên lí bay lên không trung của ‘mộc diên’ và ‘phong tranh’ là khác nhau. Nếu căn cứ vào đó thì ‘mộc diên’ là một loại khí vật không phải ‘phong tranh’, mà chỉ là tiền thân của ‘phong tranh’, hoặc giả chỉ là một loại nào đó có tác dụng gợi mở trong quá trình phát minh sản sinh ra ‘phong tranh’ mà thôi.   (còn tiếp)

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Lưu Bang 刘邦 sau khi kiến lập nhà Tây Hán đã phong “vương” cho 7 người khác họ. Nhưng một số người có dã tâm, đối với chính quyền trung ương là sự uy hiếp nghiêm trọng.
          Sau khi được thiên hạ, Lưu Bang nghi Hàn Tín mưu phản nên đã giáng xuống làm Hoài Âm Hầu 淮阴侯, lưu lại Trường An để tiện bề giám sát. Điều này khiến Hàn Tín lo lắng, trong lòng thường oán hận. Hàn Tín đã dùng biện pháp tiêu cực để chống lại, đó là thường cớ bệnh đóng cửa không ra ngoài. Hàn Tín tại Trường An 4 năm đối với Lưu Bang từ thất vọng đi đến oán hận rồi dần đi trên con đường mưu phản.
          Năm 197 trước công nguyên, tại vùng đất Đại thuộc Thái Nguyên 太原 Sơn Tây山西 quản lí, vị tướng trấn thủ là Trần Hi 陈稀 tự lập làm Đại Vương 代王, công khai giương cờ phản loạn. Hàn Tín tại Trường An bí mật thông mưu cùng Đại Vương, thừa lúc Lưu Bang không có ở kinh thành, chuẩn bị giả mệnh, xá miễn tội phạm và nô lệ bị giam giữ trong thành, phát binh tập kích Lữ Hậu và Thái tử, định lật đổ chính quyền Lưu Bang. Không ngờ trong nhà Hàn Tín có một người đắc tội với Hàn Tín, bị Hàn Tín nhốt tù chờ ngày đem giết. Để cứu anh, em trai người này liền báo cùng Lữ Hậu. Lữ Hậu cùng Tướng quốc Tiêu Hà 萧何 hợp mưu cho người trá xưng có người từ Thái Nguyên về báo Trần Hi đã chết, nay lệnh cho quần thần lên triều chúc mừng. Hàn Tín nghe qua trong lòng lo sợ, không biết phải làm thế nào, kiếm cớ thân thể bất an không thể lên triều. Tiêu Hà đến gặp, nói khích: thân thể tuy bất an, nhưng phải cố lấy tinh thần lên triều chúc mừng để biểu thị sự ủng hộ đối với triều đình. Hàn Tín đành miễn cưỡng đi. Vừa vào cung môn, Hàn Tín liền bị bắt. Lữ Hậu lập tức tuyên bố tội trạng Hàn Tín, hạ lệnh giết Hàn Tín nơi cung Trường Lạc 长乐. Bạn bè thân thích của Hàn Tín cũng bị giết sạch.
          Nguồn http://baike.baidu.com/view/9016623.htm

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                      Quy Nhơn 21/5/2013

Nguyên tác Trung văn
TRUY TỐ PHONG TRANH ĐÍCH KHỞI NGUYÊN
追溯風箏的起源
Trong quyển
PHONG TRANH
風箏
Tác giả: Vân Trung Thiên 云中天
Bách Hoa Châu văn nghệ xuất bản xã, 2006.
Previous Post Next Post