Dịch thuật: Giá trị văn hoá của gương đồng (tiếp theo)


GIÁ TRỊ VĂN HOÁ CỦA GƯƠNG ĐỒNG
(tiếp theo)

          Trên gương đồng còn có một số minh văn. Ở gương đồng thời Hán thường thấy minh văn tư tưởng, ý nghĩa vượt ra khỏi tình yêu nam nữ, thể hiện nội dung xã hội sâu sắc; còn có những minh văn như:
Thanh Dương tác kính tứ di phục
Đa hạ quốc gia nhân dân tức
Hồ lỗ điển diệt thiên hạ phúc
Truyền cáo hậu thế đắc thiên phúc
青羊作竞四夷服
多贺国家人民息
胡虏殄灭天下覆
传告后世得天福
Thanh Dương chế tạo kính tứ di thần phục
Mừng nước nhà nhân dân được đông đúc
Quân giặc bị tiêu diệt, thiên hạ trở về
Truyền báo đời sau biết được hưởng phúc từ trời
Bài minh trực tiếp biểu đạt sự mong muốn hướng đến cuộc sống bình an của mọi người.
          Người xưa thường dẫn ra triết lí từ gương đồng. Những ghi chép sớm nhất có liên quan gương đồng dường như đều lấy gương làm “giám” (lấy gương soi mình để tự răn), dẫn đến việc lấy người làm “giám”. Trong Chiến quốc sách – Tề sách 战国策 - 齐策 có chép một câu chuyện:
          Trâu Kị 邹忌 nước Tề “mặc triều phục soi trước gương”, tự cho mình không đẹp bằng mĩ nam Từ Công 徐公 nổi tiếng lúc bấy giờ, nhưng cả thê thiếp cùng bạn bè đều cho là đẹp hơn Từ Công. Từ đó Trâu Kị liên tưởng đến, con người không thể để cho những lời khen tặng của bạn bè thân thích che lấp, cần phải tự biết mình. Trâu Kị đem việc đó tâu cho Tề Uy Vương nghe. Tề Uy Vương nghe qua chợt hiểu liền hạ lệnh cổ vũ quần thần cùng nhân dân phê bình những lỗi lầm của mình, và việc đó đã có tác dụng chính trị.
Về sau, nơi các quan thự nha môn đều treo tấm biển “Minh kính cao huyền” 明镜高悬 (gương sáng treo cao), “Tần kính cao huyền” 秦镜高悬 (gương Tần treo cao) (1), ngụ ý phân biệt rõ đúng sai, công chính vô tư. Thời Đường các vị Hoàng đế thường tặng gương đồng cho những vị quan có chính tích nổi bật, có tác phong liêm khiết, biểu thị sự động viên khích lệ. Một số gương đồng còn khắc những bài minh như:
Duy ngã tử tôn, vĩnh bảo thanh bạch
惟我子孙,永保清白
(Con cháu của ta, giữ gìn mãi sự thanh bạch) 
Thanh tố truyền gia, vĩnh dụng bảo giám
清素传家,永用宝鉴
(Thanh bạch truyền đời, luôn lấy làm gương báu)
Mạo hữu chính phủ, tâm hữu thiện dâm, kí dĩ giám mạo, diệc dĩ giám tâm.
貌有正否,心有善淫,既以鉴貌,亦以鉴心
     (Tướng mạo ngay ngắn hay không, trong lòng có điều tốt hay điều xấu, thì gương vừa dùng để soi mình mà cũng dùng để soi lòng)
 biểu hiện nguyện vọng truy cầu chính trị liêm khiết và nhân cách cao thượng của mọi người.
          Thời cổ, gương đồng Trung Quốc thông qua việc mua bán hoặc tặng, từ “con đường tơ lụa” trên đất liền hoặc theo thuyền trên biển lưu truyền ra nước ngoài. Giữa thời Tây Hán, khai quật được gương đồng vãn kì tại Triều Tiên, Nhật Bản. Thời Tam quốc, lưỡng Tấn không chỉ gương Ngô, gương Nguỵ đến Nhật Bản mà cả thợ Trung Quốc cũng đến Nhật Bản, thậm chí từ Trung Quốc vận chuyển nguyên liệu đến Nhật để chế tạo gương đồng. Gương đồng theo mô thức Trung Quốc được gọi là “Tam giác duyên thần thú kính” 三角缘神兽镜 cũng được phát hiện với số lượng lớn tại những ngôi mộ cổ ở Nhật. Thời kì đầu của triều Đường, Trường An 长安 được xem là trung tâm văn hoá ,kinh tế thế giới, việc giao lưu giữa trong và ngoài nước rất phát đạt. Gương đồng thời Đường cũng được phát hiện ở hải ngoại, ở Nhật là nhiều nhất. Đây là minh chứng cho sự giao lưu văn hoá. Tại Triều Tiên, Cộng hoà nhân dân Mông Cổ, các nước ở Liên Xô trước đây, Iran cũng đều phát hiện được, điều này cho thấy gương đồng Trung Quốc thời đó đã được chuyển đi tương đối nhiều, phạm vi truyền bá tương đối rộng. Lúc bấy giờ, đồ án hoa văn nho, hoa văn đối điểu có phong cách tương tự với những đồ án hoa văn trên những hàng dệt của Ba Tư, cho thấy gương đồng Trung Quốc khi truyền bá ra ngoài cũng đã hấp thu văn hoá ngoại lai khiến tự thân thêm phong phú.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- TẦN KÍNH 秦镜: tương truyềnTần Thuỷ Hoàng 秦始皇 có một chiếc gương, có thể soi thấy lục phủ ngũ tạng, biết được lòng dạ chính tà.
          Trong Tây kinh tạp kí 西京杂記  quyển 3 có chép:
… Hữu phương kính, quảng tứ xích, cao ngũ xích cửu thốn, biểu lí động minh, nhân trực lai chiếu chi, ảnh tắc đảo hiện. Dĩ thủ môn tâm nhi lai, tắc kiến trường vị ngũ tạng, lịch nhiên vô ngại. Nhân hữu tật bịnh tại nội, tắc yểm tâm nhi chiếu chi, tắc tri bịnh chi sở tại. Hựu nữ tử hữu tà tâm, tắc đảm trương tâm động. Tần Thuỷ Hoàng thường dĩ chiếu cung nhân, đảm trương tâm động giả tắc sát chi. … 
有方鏡, 廣四尺, 高五尺九寸, 表裡洞明, 人直來照之, 影則倒見. 以手捫心而來, 則見腸胃五臟, 歷然無礙. 人有疾病在內, 則掩心而照之, 則知病之所在. 又女子有邪心, 則膽張心動. 秦始皇常以照宮人, 膽張心動者則殺之
…Có một chiếc kính vuông, rộng 4 xích, cao 5 xích 9 thốn, trong ngoài trong suốt. Người soi kính thấy bóng mình hiện ngược, dùng tay xoa nơi ngực để soi, có thể thấy cả ngũ tạng, rõ ràng không hề bị che lấp. Người có tật bệnh, ôm ngực soi có thể biết được bệnh ở đâu. Còn như những cô gái có tà tâm, nếu soi vào thì tim đập hồi hộp. Tần Thuỷ Hoàng thường dùng kính này để soi chiếu các cung nữ, cô nào tim đập hồi hộp sẽ đem giết …
( Địa Cầu xuất bản xã, năm Dân Quốc thứ 83, trang 131, bản tiếng Hán)

                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                                                Quy Nhơn 23/3/2013

Nguyên tác Trung văn
ĐỒNG KÍNH ĐÍCH VĂN HOÁ GIÁ TRỊ
铜镜的文化价值
Trong quyển
TRUNG QUỐC TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ
中国传统文化
Chủ biên: Trương Khởi Chi 张岂之
Cao đẳng giáo dục xuất bản xã, 1999.
Previous Post Next Post