Dịch thuật: Chữ "ngôn" và chữ "ngữ" trong Hán ngữ cổ


CHỮ “NGÔN” VÀ CHỮ “NGỮ”
TRONG HÁN NGỮ CỔ

NGÔN :
1- Động từ:  nói chuyện, nói.
Trong Luận ngữ - Hương đảng 論語 - 鄉黨 có ghi:
Thực bất ngữ, tẩm bất ngôn
食不語,寢不言
(Khi ăn không bàn luận, khi ngủ không nói chuyện)
          Trong Tả truyện – Thành Công nhị niên 左傳 - 成公二年:
Khởi cảm ngôn bệnh?
豈敢言病?
(Há dám nói về bệnh?)
          Dẫn đến nghĩa bàn về một vấn đề, biểu thị ý kiến đối với một sự việc nào đó.
Trong Tả truyện – Hi Công tứ niên 左傳 - 僖公四年:
Sở Tử sử dữ Sư ngôn viết.
楚子使與師言曰
(Sở Tử sai người đến nói với quân chư hầu rằng)
          Trong Chiến quốc sách – Triệu sách tam 戰國策 - 趙策三:
Thắng dã hà cảm ngôn sự?
勝也何敢言事?
(Thắng tôi nào dám bàn về việc ấy?)
(Thắng ở đây chỉ Bình Nguyên Quân Triệu Thắng 平原君趙勝. Bình Nguyên Quân tự xưng).
          Trong Sử kí – Liêm Pha Lận Tương Như liệt truyện 史記 - 廉頗藺相如列傳:
Triệu Quát tự thiếu thời học binh pháp, ngôn binh sự.
趙括少時學兵法,言兵事
(Triệu Quát lúc nhỏ đã học binh pháp, thường bàn về việc quân)
2- Danh từ: lời nói, ngôn luận.
          Trong Luận ngữ - Công Dã Tràng 論語 - 公冶長 ghi rằng:
Thính kì ngôn nhi quan kì hành
聽其言而觀其行
(Nghe lời nói và xem việc làm)
          Dẫn đến nghĩa 1 câu nói là 1 “ngôn”.
Trong Luận ngữ - Vi chính 論語 - 為政:
Thi tam bách, nhất ngôn dĩ tế chi, viết ‘Tư vô tà’
詩三百,一言以蔽之,:‘思無邪
(Kinh Thi có ba trăm thiên, một lời có thể bao quát hết đó là ‘suy nghĩ nhưng không tà vạy’)
Và 1 chữ cũng là 1 “ngôn”.
Trong Luận ngữ - Vệ Linh Công 論語 - 衛靈公:
Tử Cống vấn viết: ‘Hữu nhất ngôn nhi khả dĩ chung thân hành chi giả hồ?’ Tử viết: ‘Kì “thứ” hồ.’
子貢問曰:‘有一言而可以終身行之者乎?’子曰:‘.’
(Tử Cống hỏi rằng: ‘Có một chữ nào mà suốt đời làm theo được không?’ Khổng Tử bảo rằng: ‘Là chữ “thứ” chăng’)
Trong Sử kí – Lão Tử Hàn Phi liệt truyện 史記 - 老子韓非列傳:
Ư thị Lão Tử nãi trứ thư thượng hạ thiên, ngôn đạo đức chi ý, ngũ thiên dư ngôn.
於是老子乃著書上下篇,言道德之意,五千餘言.
(Lão Tử bèn viết ra hai thiên thượng và hạ, nói về ý nghĩa của đạo đức, hơn năm ngàn chữ)
Và như “Ngũ ngôn thi” 五言詩 (thơ 5 chữ), “Thất ngôn thi” 七言詩 (thơ 7 chữ).

NGỮ :
1- Động từ: đàm thoại, bàn chuyện.
Trong Luận ngữ - Hương đảng 論語 - 鄉黨 có ghi:
Thực bất ngữ, tẩm bất ngôn
食不語,寢不言
(Khi ăn không bàn luận, khi ngủ không nói chuyện)
     Trong bài Dạ túc sơn tự thi 夜宿山寺詩 của Lí Bạch 李白:
Bất cảm cao thanh ngữ
Khủng kinh thiên thượng nhân
不敢高聲語
恐驚天上人
Không dám cất tiếng to
Sợ làm kinh động đến người trên thiên giới
2- Đọc là “ngứ” : nói cho biết
          Trong Tả truyện - Ẩn Công nguyên niên 左傳 - 隱公元年:
Công ngứ chi cố, thả cáo chi hối
公語之故,且告之悔
(Công nói cho ông ta biết duyên cớ, đồng thời nói lên sự ăn năn)
          Trong Luận ngữ - Dương Hoá 論語 - 陽貨:
Cư! Ngô ngứ nhữ
!吾語女
(Ngồi đi! Ta nói cho anh nghe)
3- Danh từ: ngôn luận, lời nói.
          Trong Luận ngữ - Quý thị 論語 - 季氏:
Ngô văn kì ngữ hĩ, vị kiến kì nhân dã
吾聞其語矣,未見其人也
(Ta đã nghe được những lời như thế, nhưng chưa thấy được người như thế)
4- Ngạn ngữ, tục ngữ:
          Trong Cốc Lương truyện – Hi Công nhị niên 穀梁傳 - 僖公二年
Ngữ viết: ‘Thần vong tắc xỉ hàn’
語曰: ‘脣亡則齒寒
(Ngạn ngữ nói rằng: ‘Môi hở thì răng lạnh’)
          Trong Hậu Hán thư – Hoàng Quỳnh truyện 後漢書 - 黃瓊傳:
Thường văn ngữ viết: ‘Nghiêu nghiêu giả dị khuyết, kiểu kiểu giả dị ô’
常聞語曰:‘嶢嶢者易缺,皦皦者易汙
(Thường nghe ngạn ngữ nói rằng: ‘Cao quá dễ khuyết, trắng quá dễ dơ’)

PHÂN BIỆT “NGÔN” VÀ “NGỮ”
          Trong Hán ngữ cổ đại, “ngôn” là tự động nói với người khác, còn “ngữ” chỉ những lời đáp lại những câu hỏi của người khác, hoặc cùng với người khác bàn luận một sự việc, cả 2 khu biệt rất rõ ràng. Như trong Tả truyện – Hi Công tam thập niên 左傳 - 僖公三十年 có ghi:
Dật Chi Hồ ngôn ư Trịnh Bá viết
佚之狐言於鄭伯曰
(Dật Chi Hồ nói với Trịnh Bá rằng)
ở đây Dật Chi Hồ chủ động nói với Trịnh Bá, còn câu trong Tuyên Công nhị niên 宣公二年:
Thán nhi ngôn viết
歎而言曰
(Than mà nói rằng)
cũng là tự động cảm thán; câu trong Thành Công nhị niên 成公二年:
Khởi cảm ngôn bệnh
豈敢言病
(Đâu dám nói đến cái đau của mình)
“ngôn bệnh” cũng là tự động nói ra cái đau của mình. Những chữ “ngôn” ở đây không thể thay bằng chữ “ngữ”. Khi “ngôn” và “ngữ” được dùng làm động từ cập vật, sự khu biệt càng rõ hơn. “Ngôn” nói chung chỉ có thể có những tân ngữ chỉ sự vật (như “ngôn bệnh” “ngôn sự”), nếu chỉ người thì cũng là tha chỉ, không chỉ về đối phương đang nói chuyện. Còn “ngữ / ngứ” có thể có tân ngữ chỉ sự vật, ví dụ thiên Tại hựu 在宥 trong Trang Tử 莊子 có câu:
Hựu hề túc dĩ ngữ chí Đạo
又奚足以語至道
(Làm sao đủ để nói về cái Đạo chí cao)
          Khi có tân ngữ chỉ người, có thể chỉ đối phương đang nói chuyện, ví dụ như trong thiên Dương Hoá 陽貨 trong Luận ngữ 論語 có ghi:
Ngô ngứ nhữ
吾語女
(Ta nói cho anh nghe)
cũng có thể có 2 tân ngữ, ví dụ như câu ở Ẩn Công nguyên niên 隱公元年 trong Tả truyện 左傳:
Công ngứ chi cố
公語之故
(Công nói cho ông ta biết duyên cớ)
Và ở thiên Tại hựu 在宥 trong Trang Tử 莊子:
Ngô ngứ nhữ chí Đạo
吾語女至道
(Ta nói cho ông nghe về cái Đạo chí cao)
          Tóm lại, nghĩa “nói cho biết” của chữ “ngữ” là nghĩa mà ở chữ “ngôn” không đủ. Nghĩa “ngạn ngữ” là nghĩa mà chữ “ngôn” không có.

                                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                                               Quy Nhơn 27/3/2013

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
CỔ ĐẠI HÁN NGỮ
古代漢語
(tập 1)
Chủ biên: Vương Lực 王力
Trung Hoa thư cục 1998.
Previous Post Next Post