Dịch thuật: Tập tục hồi môn


TẬP TỤC HỒI MÔN

          Với hôn lễ, xong việc rước dâu cũng vẫn là chưa hoàn thành, cần phải đợi cô dâu “hồi môn” 回门 mới được xem là kết thúc.
          Gọi là “hồi môn” chính là sau hôn lễ cô dâu lần đầu tiên về lại nhà mẹ đẻ. Cô dâu hồi môn luôn có chú rể đi cùng, cho nên ở một số nơi có những tên gọi khác nhau như: “bái môn” 拜门, “hoán cô gia” 唤姑爷, “hội thân” 会亲 … Thời gian để hồi môn của các nơi cũng khác nhau, có nơi là ngày thứ 2 sau hôn lễ, cũng có nơi là ngày thứ 4, thứ, 5, thứ 7 … nhưng ngày thứ 3 hồi môn là tương đối phổ biến, và gọi đó là “tam triêu hồi môn” 三朝回门.
          Tại sao cô dâu phải hồi môn? Tại sao chú rể phải đi cùng? Nhìn chung tập tục cho rằng: trước đây cô dâu ở nơi phòng khuê, chưa bao giờ rời xa cha mẹ, sau khi xuất giá nhất định sẽ rất nhớ cha mẹ, hồi môn thăm cha mẹ là việc thường tình, vả lại sau 3 ngày hồi môn có hàm ý “đã thành gia thất không quên cha mẹ”. Còn chú rể đi bái kiến nhạc phụ nhạc mẫu là để bày tỏ lòng biết ơn, nhân cơ hội đó kết chặt thêm tình thân, nhất cử lưỡng tiện. Vợ chồng đi cùng nhau biểu thị phu thê ân ái, hôn nhân mĩ mãn.
          Cô dâu hồi môn là một trong những tập tục hôn lễ mà các nơi đều lưu hành. Theo tập quán của người Hán, cô dâu hồi môn không được ở qua đêm nơi nhà cha mẹ mình, phải nhanh chóng về trong ngày hôm đó; nếu có tình huống đặc biệt phải ở lại thì vợ chồng cũng không được chung phòng. Ngoài ra, mỗi nơi còn có không ít những tập tục khác nhau.
          Ở một số địa phương, cô dâu hồi môn không phải chú rể đi cùng, mà là một cô gái khác. Cô dâu người Dao khi hồi môn sẽ do mấy cô gái trẻ cùng đi theo. Khi con gái về lại nhà, người mẹ sẽ nấu một nồi đậu hủ (đậu hủ 豆腐) chiêu đãi. Cha và những người đàn ông trong nhà phải tránh mặt. Ăn xong, cô dâu cùng với mấy cô gái về lại nhà mẹ chồng.
          Người Hồi khi hồi môn, cô em chồng sẽ đi cùng cô dâu. Sau khi đến nhà mẹ đẻ, cô dâu phải đến nhà cậu, chú và những người lớn tuổi trong tộc họ để hỏi thăm, và phải về nhà mẹ chồng trước khi trời tối. Sau khi bước vào cửa, cô dâu ra sau nhà bếp rửa tay, sau đó lấy áo của mẹ chồng dùng vạt áo lớn lau khô tay. Tục truyền làm như vậy cô dâu sau này sẽ không vụng về tay chân.
          Ở một số địa phương khác, việc cô dâu hồi môn còn biểu thị ý nghĩa người con gái trinh tiết. Tại Quảng Châu, cô dâu hồi môn vẫn ngồi kiệu hoa, chú rể thuê một kiệu khác đi cùng. Nhà trai phải chuẩn bị một thứ lễ vật không thể thiếu được, đó chính là một hoặc mấy con heo quay. Do bởi trên lưng heo quay có gắn dây màu, hoa vàng nên tục gọi là “kim trư” 金猪. Tại sao lễ vật này không thể thiếu được?  Đó là vì nó đại biểu cho cô dâu còn trinh tiết. Cô dâu có trinh tiết hay không, phải xem lúc hồi môn có heo quay hay không. Còn như bao nhiêu con thì căn cứ vào tình hình kinh tế gia đình mà định. Nếu như heo quay có theo hồi môn, điều đó nói rõ nhà trai hài lòng, cô dâu quả thật vẫn còn trinh tiết, giữ thân như ngọc; nhược bằng không có heo quay theo hồi môn, đó là tai vạ, cô dâu không phải là cô gái trong trắng, kết quả là bị đuổi về nhà mẹ đẻ, hoàn trả lại sính lễ.
          Với tập tục “hồi môn” chúng ta có thể lí giải đó là việc “tùng thê cư” 从妻居 (ở theo vợ) trong một khoảng thời gian cực ngắn hoặc hình thức “tùng thê cư” mang tính tượng trưng.
          Hình thức cư xử hôn nhân ở thời kì ban sơ của nhân loại là “tùng thê cư” 从妻居 (ở theo vợ), về sau mới diễn biến thành “tùng phu cư” 从夫居 (ở theo chồng). Trong quá trình diễn biến này, với một thời gian tương đối dài đương nhiên tồn tại loại hôn nhân “tùng thê cư” và hôn nhân “tùng phu cư”. Khi quyền lực của phụ nữ vẫn chưa hoàn toàn bị mất, đàn ông con trai liền thỏa hiệp, dùng phương thức hòa bình để giải quyết vấn đề cư xử hôn nhân. Vì thế đã cho phép người vợ cư trú tại nhà mẹ đẻ trong một thời gian ngắn. Chỉ có điều, theo sự lớn mạnh của chế độ phụ quyền, thời gian cư trú tại nhà mẹ đẻ bị khống chế ngày càng ngắn, và cuối cùng chỉ còn lại nghi lễ mang tính tượng trưng. Đó chính là “hồi môn”.

                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                       Quy Nhơn 10/01/2013

Dịch từ nguyên tác Trung văn
TAM TRIÊU HỒI MÔN
三朝回门
Trong quyển
BÁT TỰ HÔN NHÂN HỌC
八字婚姻学
Tác giả: Vương Trạch Thụ 王泽树
Thanh Hải nhân dân xuất bản xã, 2005.
Previous Post Next Post