PHÂN LOẠI BÚT LÔNG
Có nhiều cách phân loại bút lông, có
thể căn cứ vào nơi sản xuất, như Tuyên bút 宣笔,
Hồ bút 湖笔, Kinh bút 京笔,
Tương bút 湘笔; có thể căn cứ vào tính chất của bút,
như bút mềm, bút không mềm không cứng, bút cứng; có thể căn cứ vào tác dụng (viết
chữ lớn nhỏ), như bút viết chữ lớn (chữ vuông lớn khoảng 1 tấc rưỡi đến 2 tấc),
bút viết chữ cỡ trung bình (chữ vuông khoảng 1 tấc), bút viết chữ nhỏ (chữ
vuông khoảng 1 tấc trở xuống); cũng có thể căn cứ đối tượng viết khác nhau, như
trảo (tra) bút 抓 (楂)笔 (bút viết chữ lớn ở “bảng thư” 榜书
(1)),
đề (đẩu) bút 提 (斗) 笔 (bút viết chữ lớn ở bảng hiệu),
bình (điều bức) bút 屏 (条幅) 笔 (bút viết trên bức bình phong), liên bút 联笔 (bút viết liễn đối), khuê bút 圭笔 (bút dùng để viết chữ nhỏ nhất).
Nhưng cách phân loại chủ yếu nhất chính là căn cứ vào chất liệu túm lông ở đầu
bút, dưới đây sẽ nêu ra mấy loại:
1-
DƯƠNG HÀO BÚT 羊毫笔 (bút lông dê): đây là loại bút thường dùng nhất. Nhìn chung
dùng lông dê núi làm nguyên liệu, bút ngậm mực nhiều, chuyển động tròn dễ dàng,
dùng để viết kiểu chữ thảo, viết liền một mạch, không bị gián đoạn; cũng thích
hợp để viết chữ lớn, nhưng mềm, tính đàn hồi kém. Với lông dê thì lông dê núi ở
“Gia Hưng lộ” 嘉兴路
Hồ Châu là tốt nhất. Lông mịn, nhọn, sắc trắng, chất sạch, vì thế bút lông dê Hồ
Châu là tốt nhất.
2- LANG HÀO BÚT 狼毫笔 (bút lông sói): loại này người bắt đầu học thư pháp thường
dùng. Dùng lông hoàng thử lang 黄鼠狼 (2) làm nguyên liệu có thể viết chữ
lớn hoặc nhỏ, đặc biệt thích hợp viết hành thư, thảo thư. Lông sói ở khu vực
phương bắc có khí hậu lạnh là tốt nhất, khi viết có nét sắc xảo, độ thô mịn đều
nhau, dài ngắn chỉnh tề, tính đàn hồi phong phú.
3-
TỬ HÀO BÚT 紫毫笔 : cũng gọi là “thố hào bút” 兔毫笔 (bút lông thỏ), lấy lông thỏ
núi làm nguyên liệu là tốt nhất. Do bởi lông thỏ có màu tía nên gọi là “tử hào
bút”, đa phần lấy lông trên sống lưng thỏ núi có tính đàn hối nhất làm bút, chất
lông cứng mà dai, có tính đàn hồi, nhưng dùng không được bền, tuổi thọ của loại
bút này ngắn. Loại này có Tuyên bút là tốt nhất, dùng lông thỏ núi sau mùa thu
để chế tạo ra.
4-
KIÊM HÀO BÚT 兼毫笔: chỉ loại bút đồng thời sử dụng 2 loại lông thú chế tạo ra,
thường do lông dê và lông thỏ hoặc lông dê và lông sói kết hợp lại, đa phần lấy
lông thỏ hoặc lông sói làm lõi trụ, lông dê bao phía ngoài, tiện cho việc điều
hòa độ cứng mềm của lông, khiến việc sử dụng có đủ cương nhu. Căn cứ vào tỉ lệ
của lông cứng và mềm lại phân thành loại thiên về mềm và loại thiên về cứng,
như “cửu tử nhất dương” 九紫一羊, “nhị tử bát dương” 二紫八羊 là chỉ tỉ lệ khác nhau giữa loại
lông mềm và lông cứng.
Nói
chung, chất liệu chủ yếu có 4 loại nói ở trên, chúng cấu thành bộ phận cốt cán
của bút lông Trung Quốc. Còn có một số ít căn cứ vào đặc trưng khu vực và tâm
lí hiếu kì của con người mà sáng tạo ra một số sản phẩm hiếm có.
-
Thử tu bút 鼠须笔
(bút râu chuột): dùng râu chuột làm nguyên liệu.
-
Kê mao bút 鸡毛笔
(bút lông gà): dùng
lông ức gà trống làm nguyên liệu.
-
Lộc mao bút 鹿毛笔
(bút lông hươu): dùng lông hươu làm nguyên liệu.
-
Nhân tu bút 人须笔
(bút râu người): dùng râu người làm nguyên liệu.
-
Áp hào bút 鸭毫笔
(bút lông vịt): dùng lông vịt làm nguyên liệu.
-
Thai phát bút 胎发笔
(bút tóc thai): dùng tóc thai của em bé làm nguyên liệu.
Ngoài ra còn có tinh hào bút 猩毫笔 (bút lông tinh tinh), hổ hào
bút 虎毫笔
(bút lông cọp), báo hào bút 豹毫笔 (bút lông báo), miêu hào bút 猫毫笔 (bút lông mèo), cẩu hào bút 狗毫笔 (bút lông chó), li hào bút 狸毫笔 (bút lông con li), nga hào bút 鹅毫笔 (bút lông ngỗng), nhạn linh bút
雁翎笔 (bút lông chim nhạn), khổng tước
mao bút 孔雀毛笔
(bút lông công), hải âu hào bút 海鸥毫笔 (bút lông hải âu), mã hào bút 马毫笔 (bút lông ngựa), mã tông bút 马鬃笔 (bút lông bờm ngựa), trư tông
bút 猪鬃笔
(bút lông sống lưng con heo), tử điêu hào bút 紫貂毫笔 (bút lông con điêu), xạ mao bút
麝毛笔 (bút lông con xạ) …
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- BẢNG THƯ 榜书: thời cổ gọi là “thự thư” 署书, “bảng thư” 牓书, đó là chữ lớn được viết lên những
tấm biển treo trước cung điện. Về sau gọi chung chữ cỡ lớn trên những bảng hiệu
là “bảng thư” 榜书.
Khang
Hữu Vi 康有为
trong Quảng nghệ chu song tiếp 广艺舟双楫 viết rằng:
Bảng thư, cổ viết ‘thự thư’, Tiêu Hà dụng dĩ
đề ‘Thương long’ ‘Bạch hổ’ nhị khuyết giả dã. Kim hựu xưng vi “phách khoa đại tự”.
榜书, 古曰 ‘署书’, 萧何用以题 ‘苍龙’ ‘白虎’ 二阙者也. 今又称为 ‘擘窠大字’.
(Bảng
thư, thời cổ gọi là ‘thự thư’, Tiêu Hà dùng nó viết lên 2 cửa khuyết là ‘Thanh
long’ và ‘Bạch hổ’. Nay cũng gọi là ‘phách khoa đại tự’)
Phí
Doanh 费瀛
đời Minh trong Đại thư trường ngữ 大书长语đã viết:
Tần phế cổ văn, thư tồn bát thể, kì viết thự
thư giả. Dĩ đại tự đề thự cung điện tiền biển ngạch dã. Hán Cao Đế Vị Ương cung
tiền điện thành, mệnh Tiêu Hà đề ngạch … Thử thự thư chi thủy dã.
秦废古文, 书存八体, 其曰署书者. 以大字题署宫殿匾额也. 汉高帝未央宫前殿成, 命萧何题额 … 此署书之始也.
(Nhà
Tần phế bỏ cổ văn, kiểu chữ còn 8 thể, trong đó có ‘thự thư’. Dùng chữ lớn viết
lên tấm biển treo trước cung điện. Điện phía trước cung Vị Ương hoàn thành, Hán
Cao Đế sai Tiêu Hà đề biển … Đó là khởi đầu của thự thư.)
Thừa
tướng nhà Hán Tiêu Hà là người đầu tiên vận dụng nghệ thuật bảng thư để trang
trí cung điện, nhưng không phải là người đầu tiên viết bảng thư. Trước khi nhà
Tần thống nhất Trung Quốc, bảng thư đã xuất hiện rồi. Theo những khắc thạch ở
“Tần sơn” 秦山,
“Lang nha” 琅邪,
“Dịch sơn” 峄山,
“Cối kê” 会稽
và những ghi chép trong sử sách,
người viết bảng thư đầu tiên chính là Lí Tư 李斯, thừa tướng nhà Tần.
(2)- HOÀNG THỬ LANG 黄鼠狼: còn gọi là “hoàng dứu” 黄鼬, tên khoa học là Mustela
sibirica.
Từ
điển Trung Việt của nxb Khoa học xã hội, trang 529, mục 黄鼠狼 ghi rằng: Xem 黄鼬, 黄鼬 là con chồn sóc.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 22/01/2013
Dịch từ nguyên tác Trung văn
CỔ BÚT ĐÍCH PHÂN LOẠI
古笔的分类
Trong quyển
CỔ NGOẠN THU TÀNG CHỈ NAM
古玩收藏指南
Tác giả: Long Tùng 龙松, Kỉ Bình 纪平
Hà Bắc nhân dân xuất bản xã,
1994.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật