Dịch thuật: Nội các và cửu khanh triều Minh


NỘI CÁC VÀ CỬU KHANH TRIỀU MINH

          Năm Hồng Vũ 洪武 thứ 13 (1380), Chu Nguyên Chương 朱元璋 bãi bỏ Trung thư tỉnh, đồng thời quy định vĩnh viễn không lập Thừa tướng, vì thế mọi chính vụ đều quy về Lục bộ, do Hoàng Đế trực tiếp quản chế. Bởi chính vụ quá nhiều, Chu Nguyên Chương đã phái các quan viên từ bộ phận văn từ, văn chương của Hàn lâm viện gia thêm cho họ hàm Điện các Đại học sĩ 殿阁大学士 để phụ giúp Hoàng Đế duyệt các tấu chương, thảo các chiếu chỉ. Thời Minh Thành Tổ 明成祖, cho quan viên Hàn lâm viện nhập thẳng vào Văn uyên các 文渊阁, bắt đầu tham dự nhiệm vụ trọng yếu. Sau thời Nhân Tông 仁宗, Anh Tông 英宗, các Học sĩ đa phần đều là nguyên lão của các triều, chức quyền và địa vị càng lớn, nội các lúc bấy giờ cũng giống như Chính sự đường 政事堂 của triều Đường. Từ sau thời Minh Thế Tổ Gia Tĩnh 明世祖嘉靖, vị thứ trong triều, đứng trên cả Lục bộ nghiễm nhiên là chức Tể tướng. Do bởi Chu Nguyên Chương có quy định không lập Thừa tướng nên mọi người gọi các Đại học sĩ là Phụ thần 辅臣, Các lão 阁老, riêng đối với người đứng đầu Phụ thần thì gọi là Thủ phụ 首辅, Nguyên phụ 元辅. Do bởi Hàn Lâm Học sĩ chỉ là quan ngũ phẩm, nên đối với Nội các Đại học sĩ đa phần gia thêm hàm Lục bộ Thượng thư, Lục bộ Thị Lang để nâng cao địa vị của họ, thực tế là không phải quản nhiệm vụ của các bộ. Phàm những Đại học sĩ kiêm Lục bộ Thượng thư, nói chung được tôn xưng là Các bộ 阁部.
          Mặc dù Nội các Đại học sĩ tương tự với Tể tướng trước đó, nhưng có sự khác biệt với Tể tướng. Bởi Nội các hoàn toàn không phải là cơ cấu hành chính chính thức tối cao, Lục bộ cũng không phải cơ quan trực thuộc của Nội các, Nội các vẫn mang tính chất bí thư cố vấn riêng của Hoàng Đế. Quyền lực của Nội các chủ yếu thể hiện ở Phiếu nghĩ 票拟 (1), tức đề xuất ý kiến xử lý đối với tấu chương các nơi dâng lên, căn cứ vào chỉ ý của Hoàng Đế mà thảo chiếu lệnh, sau khi Hoàng Đế phê chuẩn mới giao cho Lục bộ thực hiện. Mặt khác, Nội các vẫn chịu sự Phê hồng 批红 (2) của hoạn quan. Cơ cấu hoạn quan triều Minh gồm 4 Ty, 8 Cục, 12 Giám, trong đó Bỉnh bút thái giám của Tư lễ giám 司礼监 có thể thay Hoàng Đế dùng mực đỏ phê chuẩn công văn tấu chương, đây gọi là Phê hồng 批红. Cách làm này đã tạo phương tiện cho hoạn quan lộng quyền. Vì thế, Phụ thần Nội các cũng thường cúi đầu nghe theo hoạn quan.
          Với các Khanh của triều đình, hai triều Minh Thanh đều gọi là …. Tự khanh 寺卿, gọi là Cửu khanh cũng có sự thay đổi, chuyên chỉ Lục bộ Thượng thư cùng Đô sát viện Đô ngự sử 都察院都御史, Thông chính sứ 通政使, Đại lý tự khanh 大理寺卿.
          Chức trách và tên gọi Lục bộ của triều Minh về cơ bản nhất trí với các đời trước. sau khi phế bỏ Trung thư sảnh, Lục bộ hướng đến Hoàng Đế trực tiếp phụ trách, địa vị được nâng cao, phẩm cấp địa vị chức quan của Thượng thư, Thị lang các bộ cũng được nâng lên.
          Thông chính sứ ty 通政使司 được thiết lập vào năm Hồng Vũ 洪武 thứ 10 (1377), lấy Thông chính sứ làm trưởng quan, nắm giữ việc tiếp nhận tấu chương kiến nghị của thần dân khắp nơi hoặc xét xử các hành vi phạm pháp và trình báo lên Hoàng Đế. Cho nên đây là cơ quan chuyên nắm bắt tình hình bên dưới phản ánh lên cấp trên, có tác dụng rất quan trọng.
          Đại lý tự 大理寺 lấy Đại lý tự khanh làm thủ trưởng. Đại lý tự triều Minh không nắm giữ việc thẩm tra hình án mà là chuyên phụ trách thẩm tra đối chiếu  lại các vụ án lớn, điểm này hoàn toàn khác với cơ cấu thẩm phán tối cao thời Đường Tống. Nhưng nếu gặp những án lớn thì Đại lý tự cùng Hình bộ, Đô sát viện đồng thẩm tra xử lý gọi là Tam Ty hội thẩm 三司会审. Nếu vụ án đặc biệt, thì 3 cơ quan trên sẽ cùng với Thượng thư các bộ và Thông chính sứ đồng thẩm tra xử lý, gọi là Viên thẩm 圆审

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- PHIẾU NGHĨ 票拟: Đầu đời Minh, mọi tấu chương đều do Hoàng Đế thẩm duyệt, phê đáp. Nhưng đến thời Tuyên Tông 宣宗, thực hành chế độ Phiếu nghĩ. Học sĩ trong Nội các sau khi xem qua các tấu sớ, dùng những mảnh giấy viết ra ý kiến của mình, dán lên tấu sớ  rồi sau đó mới dâng lên Hoàng Đế, gọi đó là Phiếu nghĩ. Nếu Hoàng Đế đồng ý, Hoàng Đế sẽ dùng son để phê. Nhưng nếu gặp đại sự các đại thần vẫn phải kiến diện. 
(2)- PHÊ HỒNG 批红: các Phiếu nghĩ được Hoàng Đế dùng mực đỏ để phê gọi là Phê hồng 批红, cũng còn được gọi là Phê chu 批朱. Nhưng việc phê này lại thường do hoạn quan làm thay.

                               Huỳnh Chương Hưng
                               Quy Nhơn 22/12/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
MINH TRIỀU ĐÍCH NỘI CÁC DỮ CỬU KHANH
明朝的内阁与九卿
Trong quyển
MINH THANH VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
明清文化大观
Chủ biên: Lí Thiếu Lâm 李少林
Nội Mông Cổ nhân dân xuất bản xã, 2006.
Previous Post Next Post