Trang blog về một người thầy kính mến: Huỳnh Chương Hưng


Nhắc đến thầy Huỳnh Chương Hưng (SN 1956, là giảng viên Khoa Ngữ văn, trường Đại học Quy Nhơn) hầu như trong giới nghiên cứu Hán Nôm và những học trò chính thức hay không chính thức được thầy giảng dạy đều thán phục, biết đến. Là người có chuyên môn giỏi, kiến thức uyên thâm, biết nhiều ngoại ngữ, tài hoa, khiêm cung, dễ gần gũi...đã trở thành hình tượng, tấm gương sáng để bao lớp học trò sinh viên Quy Nhơn chúng tôi kính trọng!

Thầy Huỳnh Chương Hưng.
Thầy Huỳnh Chương Hưng.
Nhằm đáp ứng kỳ vọng của đồng nghiệp, bạn bè và học trò, mới đây thầy Hưng đã cho ra đời trang blog: "https://www.chuonghung.com/" để đăng tải những tác phẩm nghiên cứu, sáng tác, dịch thuật... căng đầy tri thức, tài hoa mà bấy lâu nay thầy vốn khiêm cung, thầm kín. Đặc biệt, trang blog còn đăng tải những tác phẩm tranh vẽ, thư pháp, câu đối chuẩn mực, đậm phong cách của một nhà giáo ẩn dật, đa tài.
* Một thầy giáo mẫu mực, uyên bác
Thầy Trần Xuân Toàn, giảng viên Khoa Ngữ văn trường Đại học Quy Nhơn, chia sẻ về người bạn đồng nghiệp Huỳnh Chương Hưng:
Thầy Trần Xuân Toàn.
"Lâu nay, nói đến anh Huỳnh Chương Hưng, giảng viên Hán-Nôm, đang công tác tại khoa Ngữ Văn, trường Đại học Quy Nhơn, thì từ đồng nghiệp cũ và mới cho đến học trò, sinh viên xưa và nay, đều nói: anh là một thầy giáo mẫu mực, uyên bác; từ bạn bè thân quen cho đến những người tiếp xúc với anh vài lần, đều bảo: đấy là một người rất gần gũi, hiểu người, hiểu đời và rất khiêm cung.
Quả vậy, chỉ cần ai đó tiếp xúc với anh một vài lần đều không thể quên một con người gầy gò, mảnh mai, rất dễ  gần, nói năng nhỏ nhẹ nhưng uyên bác, chỉnh chu trong mọi công việc, luôn dành mối quan tâm của mình đến người khác…Bạn bè, đồng nghiệp, học trò thường xem anh như một nho sĩ thời hiện đại, một kẻ sĩ như cách người xưa gọi.
Ngoài giảng dạy là công việc chính, đòi hỏi anh phải luôn đọc sách, viết lách, dịch thuật, … mọi người còn biết đến anh với nhiều tài năng khác. Anh vẽ những bức tranh, bức thư pháp không thua kém một họa sĩ thực thụ nào. Anh dịch thuật nhiều văn bản Hán Nôm nhuần nhuyễn đến nỗi những bậc túc nho khác đôi lúc cũng phải nhờ cậy, tham vấn đến anh. Ngoài chữ Hán, chữ Nôm là sở trường chính trong giảng dạy, anh còn biết những 4-5 ngôn ngữ khác. Thi thoảng anh cũng viết văn, làm thơ để trãi lòng mình với mình, với người và với đời. Những gì anh sáng tạo xứng danh với công việc của một trí thức uyên bác.
Nhưng chỉ tiếc, những hiểu biết của anh, ngoại trừ anh chia sẻ hết lòng với sinh viên trên lớp, anh không “thèm” chia sẻ với ai nữa.
Những bức tranh, thư pháp rất công phu và rất có hồn, ai cần, anh sẵn lòng chia sẻ để làm vui trong tư gia của một ai đó làm của riêng. Anh dịch thuật và nghiên cứu rất nhiều, nhưng anh chưa chịu công bố dưới bất kì hình thức phổ thông nào, nên vẫn còn ở dạng bản thảo. Nhiều lần bảo anh in báo, anh khiêm nhường bảo: chưa đủ độ chín; khuyên anh in sách, anh bảo không đủ tiền. Nói rằng, bạn bè, học trò sẽ gom góp tài chính để in, chuyện dễ như trở bàn tay, anh nói: phiền lắm. Anh khiêm tốn và không muốn làm phiền đến ai khác, huống hồ ở đây lại liên quan đến tiền nong!
Thơ, văn anh cũng vậy, làm ra, anh chỉ để ngâm ngợi cho riêng mình...".
* Lời thầy hát vọng vang như suối lạ
Sau khi nghe thầy hát bài "Tây Du Ký", học trò Lại Đức Trung, nguyên SV Ngữ văn K28 trường Đại học Quy Nhơn, đã ái mộ viết lời tri ân:
"Bài thơ Xúc Cảm Tây Du Ký là những cảm xúc khi lần đầu tiên mình được nghe thầy giáo Huỳnh Chương Hưng hát bài hát Tây Du Ký. Khi đó, mình chưa học tiếng Trung nên chẳng hiểu nội dung bài hát như thế nào, nhưng giọng hát của thầy hay quá! Truyền cảm quá! Nó làm cho mình nhớ lại lúc nhỏ mình từng say mê đến quên ăn, quên ngủ, khóc, cười, lo sợ… theo cuộc hành trình gian khổ của bốn thầy trò qua từng tập phim. Thật không ngờ những cảm xúc về bài hát của thầy được ghi lại bằng thơ của mình lại nhận được nhiều sự đồng cảm của nhiều anh chị em trong khoa đến vậy. Có lẽ đây là bài thơ mình bị nhờ chép tay nhiều nhất trong đời làm thơ của mình.
Nhân dịp thầy khai trương “nhà mới” blog Huỳnh Chương Hưng, xin gửi tặng bài thơ đến Thầy và tất cả những những ai say mê giọng hát của thầy, đặc biệt là bài hát Tây Du Ký.
 
Ảnh internet.
              
Xúc Cảm Tây Du Ký
                    
                    Bài hát này con chưa hiểu được thầy ơi!
                    Nhưng giọng hát đưa con về thủa nhỏ
                    Con từng thích Tôn Ngộ Không ngáo ngổ
                    Cùng chú lợn lười Trư Bát Giới thích ăn chơi
                    Ngộ Tĩnh kia từ dưới đáy bể khơi
                    Được cảm hoá cũng theo thầy gồng gánh
                    Đường Tam Tạng một lòng cầu chánh
                    Chẳng phép thần nhưng nào sợ gian nan
                    Đường Tây Du vượt thác băng ngàn
                    Vượt qua hết rừng đao núi lửa
                    Con đã khóc đã cười lo sợ
                    Cho từng người khi hoạ kiếp đi qua
                    Và mừng vui và nước mắt chan hoà
                    Khi thấy họ gian nan thành chính quả
                    Lời thầy hát vọng vang như suối lạ
                    Đưa con về thực tại thầy ơi!
                    Ngẫm lại truyện xưa con chợt hiểu thêm đời
                    Hiểu mái tóc thầy ơi! Sao bạc trắng
                    Tây Du Ký của một thời xa vắng
                    Bỗng hiện về trong khúc nhạc chơi vơi
                    Đây Quy Nhơn con đến thật rồi
                    Nghe bài hát con thấy mình khao khát
                    Muốn thành sóng để thấy mình ào ạt
                    Theo chân thầy tìm những bến bờ xa
                    Trên đường đi sẽ chẳng có yêu ma
                    Chẳng  ghềng thác nhưng gập ghềnh lắm đó
                     Đường tri thức muôn đời chưa rõ
                     Theo tiếng hát thầy mơ ước vượt thời gian.
                                                            (Lại Đức Trung)
* Trích đăng một số tác phẩm của thầy
Thơ:
登古塔
兀立誇名塔
批雲半碧天
面山朝不斷
近寺臥無喧
慷慨風霜在
從容日月懸
何人過此處
豈不念當年
(歸仁, 1991年7月27日)
Ảnh internet.
ĐĂNG CỔ THÁP
Ngột lập khoa danh tháp
Phê vân bán bích thiên
Diện sơn triều bất đoạn
Cận tự ngoạ vô huyên
Khảng khái phong sương tại
Thung dung nhật nguyệt huyền
Hà nhân qua thử xứ
Khởi bất niệm đương niên
                                        Huỳnh Chương Hưng
                                               (Quy Nhơn, 27/7/1991)
BẤT CHỢT
 Bắt gặp cái nhìn ngơ ngác
Xôn xao chớp giật trong lòng
Nhớ ai bâng khuâng góc phố
Ngập ngừng đi những bước chân
Lộc nõn trổ chồi xanh biếc
Trời nghiêng một vạt nắng trong
Và sợi khói nào lưu luyến
Vườn thơm một sắc xuân hồng
                                 Huỳnh Chương Hưng
                               (Pleiku, 2008)
Nghiên cứu:
TÌM HIỂU VỀ HAI CHỮ “TẢ” “HỮU”
Ảnh internet.
1- Ý nghĩa của hai chữ “Tả” “Hữu”
          Chữ “Tả” (左) và chữ “Hữu” (右) theo Thuyết văn giải tự (说文解字) là loại chữ Hội ý (1).
          - Chữ “Tả” nghĩa ban đầu là đưa tay ra giúp, gồm chữ “thủ” là tay ở trên và chữ “công” là việc ở dưới.
          - Chữ “Hữu” cũng có nghĩa là giúp, gồm chữ “thủ” là tay ở trên và chữ “khẩu” là miệng ở dưới, miệng sẽ giúp đỡ cho tay.
          Như vậy, ý nghĩa ban đầu của “tả” và “hữu” là giúp đỡ, về sau thêm vào bộ “nhân” thành 2 chữ 佐, 佑 với nghĩa là giúp đỡ, còn 左, 右 có nghĩa là trái với phải. Hiện nay 2 chữ 左, 右 được dùng với nghĩa trái, phải.
2. Vài dẫn chứng về quan niệm  tôn tả và tôn hữu
          Hai chữ “tả” và “’hữu” trong quan niệm của người Trung Quốc cổ đại có hàm nghĩa văn hoá tương phản.
          - Một là Tả tôn hữu ti (bên trái cao quý, bên phải thấp kém)
          - Hai là Hữu tôn tả ti (bên phải cao quý, bên trái thấp kém)
          Hai hàm nghĩa văn hoá tương phản này tồn tại song song trong nhận thức của người Trung Quốc cổ đại. Các thư tịch cổ khi đề cập đến vai trò cao thấp của chúng cũng hoàn toàn khác nhau, như trong Lễ kí (礼记), Lã thị Xuân Thu (吕氏春秋), Thi kinh (诗经), Tả truyện (左传), Sử kí (史记), Hậu Hán thư (后汉书) … Dưới đây là một vài dẫn chứng.
          2.1- Quan niệm hữu tôn tả ti:
Ân nhân dưỡng quốc lão vu Hữu học, dưỡng thứ lão vu Tả học.
殷人养国老于右学, 养庶老于左学
(Nhà Ân nuôi dưỡng quốc lão ở nhà Hữu học, nuôi dưỡng thứ lão ở nhà Tả học)
                                            (Lễ kí – Vương chế 礼记 - 王制)
          Hữu học (右学) tức Đại học, Tả học (左学) tức Tiểu học. Quốc lão tôn quý hơn thứ lão, như vậy có thể biết Hữu học tôn quý hơn Tả học.
Bạch Khởi vi Tả canh, công Hàn Nguỵ vu Y Khuyết.
白起为左更, 攻韩魏于伊阙
(Bạch Khởi tước là Tả canh, đánh Hàn Nguỵ ở Y Khuyết)
                  (Sử kí – Bạch Khởi Vương Tiễn liệt truyện 史记 - 白起王翦列传)
          Tả canh (左更) là tước ở cấp bậc thứ 12, sau Trung canh (中更) cấp bậc thứ 13, và Hữu canh (右更) cấp bậc thứ 14 trong hệ thống 20 tước vị của nhà Tần, cấp 1 là thấp nhất, cấp 20 là cao nhất. Không chỉ Tả canh, Hữu canh; tước Tả thứ trưởng (左庶长) cũng thấp hơn Hữu thứ trưởng (右庶长) (2).
          Nãi dĩ Giáng Hầu Bột vi Hữu thừa tướng, vị thứ đệ nhất. (Trần) Bình tỉ vi
Tả thừa tướng, vị thứ đệ nhị.
          乃以绛侯勃为右丞相, 位次第一. (陈) 平徙为左丞相, 位次第二.
          (Bèn phong Giáng Hầu Bột làm Hữu thừa tướng, thứ bậc đệ nhất. Trần Bình bị đổi làm Tả thừa tướng, thức bậc đệ nhị)
                               (Sử kí – Trần Thừa tướng thế gia 史记 - 陈丞相世家)
          Thời cổ, được thăng quan gọi là “hữu di” (右移), còn bị biếm chức gọi là “tả thiên” (左迁), “tả giáng” (左降), “tả chuyển” (左转), “tả tước” (左削), “tả thoái” (左退), “tả truất” (左黜), “tả thụ” (左授), “tả hoạn” (左宦).
          Khi xã hội thị tộc phụ hệ xuất hiện, quan niệm trọng nam khinh nữ được xác lập thì nam sẽ gắn với “hữu”, nữ gắn với “tả”, như:
Nam tử hành hồ đồ hữu, nữ tử hành hồ đồ tả
男子行乎涂右, 女子行乎涂左
(Nam đi bên phải đường, nữ đi bên trái đường)
                                              (Lã thị Xuân Thu – Lạc thành 吕氏春秋 - 乐成)
Đạo lộ, nam tử do hữu, nữ tử do tả.
道路, 男子由右, 女子由左
(Trên đường, nam bên phải, nữ bên trái)
                                                           (Lễ kí – Nội tắc 礼记 - 内则)
          Với một vài dẫn chứng về quan niệm tôn hữu ở trên, có thể thấy rằng:
          “Hữu” mang ý nghĩa tốt đẹp như: yêu chuộng, thân cận, ngay thẳng, ở trên.
          “Tả” mang ý nghĩa không tốt như: xa cách, thấp kém, nghiêng lệch, ở dưới.
          - “Tả đạo” (左道): chính là tà đạo, ý nói mất đi sự chính đáng, mất đi sự ngay thẳng, trái với lẽ thường, cũng được gọi là “ngoại đạo”.
          - “Tả ngôn” (左言): ngôn ngữ của các vùng khác.
          - “Tả sai” (左猜): suy nghĩ không chính đáng.
          - “Tả kế” (左计): mưu kế gian ác.
          2.2- Quan niệm tả tôn hữu ti
           Cát sự thượng tả, hung sự chuộng hữu. Thiên tướng quân cư tả, thượng tướng quân cư hữu, ngôn dĩ tang lễ xử chi.
           吉事尚左, 凶事尚右. 偏将君居, 左上将军居右, 言以丧礼处之
         (Việc lành chuộng bên tả, việc dữ chuộng bên hữu. Phó tướng ở bên trái, thượng ở bên phải, ý nói lấy tang lễ mà đối xử việc quân)
                                                                   (Đạo đức kinh 道德经 , 31)
          Tức lúc bình thường hoặc cát sự thì tả tôn hữu ti, chỉ khi hung sự mới hữu tôn tả ti. Tại sao cát sự chuộng tả, hung sự chuộng hữu? Hung sự chuộng hữu vì hữu thuộc âm. Cát chuộng tả vì tả thuộc dương, cho nên tả cát hữu hung.
         Và cũng vì tả thuộc dương, hữu thuộc âm nên nam thuộc tả nữ thuộc hữu.
Sinh tử, nam tử thiết hồ vu môn tả, nữ tử thiết thuế vu môn hữu.
生子, 男子设弧于门左, 女子设帨于门右
          (Sinh con, nếu là con trai thì treo cung bên trái cửa, nếu là con gái thì treo khăn bên phải cửa)
                                                            (Lễ kí – Nội tắc 礼记 - 内则)
Quân thượng tả, tốt thượng hữu
军尚左, 卒尚右
(Chủ tướng chuộng tả, sĩ tốt chuộng hữu)
                                                                      (Lễ kí – Thiếu nghi 礼记 - 少仪)
          Bên trái là dương, chủ về sinh, vị tướng chỉ huy quyết định kế sách cho triều đình, chuộng ở trái là cốt ở chỗ lập được chiến công. Bên phải là âm, chủ về tử, hàng ngũ binh sĩ chuộng bên phải là cốt ở chỗ bày tỏ ý chí liều chết vì đất nước.
          Tề Hoàn Công tương lập Quản Trọng, lệnh quần thần viết: ‘Quả nhân lập Quản Trọng vi Trọng phụ, thiện giả nhập môn nhi tả, bất thiện giả nhập môn nhi hữu.’
齐桓公将立管仲, 令群臣曰: ‘寡人立管仲, 善者入门而左, 不善者入门而右.’
          (Tề Hoàn Công muốn lập Quản Trọng, mới bảo với quần thằng rằng: ‘Quả nhân muốn lập Quản Trọng làm Trọng Phụ, ai tán đồng thì vào đứng bên trái, ai không tán đồng thì vào đứng bên phải.’)
(Hàn Phi Tử - Ngoại trừ thuyết tả hạ - Thuyết nhị 韩非子 - 外储说左下 - 说二)
          Việc những ai tán đồng thì đứng bên trái, không tán đồng thì đứng bên phải đã thể hiện thái độ của Tề Hoàn Công.
          Nhìn chung trong cách ứng xử hàng ngày, vị trí bên trái là vị trí tôn quý dành cho bậc trưởng thượng.
          Vấn đề tôn hữu hoặc tôn tả không có tính nhất quán, nó tuỳ theo từng nơi, từng triều đại. Đời Đường đời Tống đều lấy “tả” làm đầu; đời Nguyên lại lấy “hữu” làm đầu; sang đời Minh lại lấy “tả” làm đầu. Hiện tượng lúc tôn hữu, lúc tôn tả là kết quả của việc căn cứ vào những nguyên tắc không giống nhau đế xác định.
3- Nguồn gốc của quan niệm tôn tả
          Theo Hoàng Phát Trung (黄发中), nguồn gốc của quan niệm tôn tả là ở chỗ tay trái hư tĩnh, an dật; tay phải phải làm việc, cho nên tay trái chủ về hoà bình, tốt lành; tay phải chủ về hung sự, sát phạt.
          Nhưng theo Trương Ái Đường (张霭堂), nguồn gốc của quan niệm tôn tả là do tả là dương, là thiên đạo, vì trong Dật Chu thư – Vũ thuận (逸周书 - 武顺) có ghi rằng:
Thiên đạo thượng tả, nhật nguyệt tả di; địa đạo thượng hữu, thuỷ đạo đông lưu.
天道尚左, 日月左移; 地道尚右, 水道东流
          (Thiên đạo chuộng bên trái, nên mặt trời mặt trăng di chuyển về hướng tây; địa đạo chuộng bên phải nên sông suối chảy về hướng đông)
          Theo Dương Lâm (杨琳), quan niệm tôn tả ti hữu xuất phát từ việc sùng bái hướng đông. Đông là hướng dương, chủ về sinh; còn tây là hướng âm, chủ về tử. Trời là dương, đất là âm, cho nên nói thiên đạo chuộng bên trái, địa đạo chuộng bên phải. Đông chủ về sinh, tây chủ về tử nên đã hình thành quan niệm
“tả” là cát, “hữu” là hung, “tả” là văn, “hữu” là võ.
          Để có được hướng đông là bên trái, chúng ta phải liên tưởng đến một tập tục mà các triều đại phong kiến phải tuân thủ một cách nghiêm nhặt, đó là bậc thánh nhân phải quay mặt về hướng nam để cai trị thiên hạ.
          Cũng theo Dương Lâm, không nên tuyệt đối cho rằng hiện tượng tôn tả đều bắt nguồn từ việc sùng bái hướng đông. Thời cổ khi đánh xe ngựa, vị trí bên trái là tôn quý, điều này rất có thể xuất phát tự sự thuận tiện. Trên chiến xa, người bảo vệ ở bên phải mới thuận lợi cho việc sử dụng vũ khí để bảo vệ chủ tướng của mình.
4- Nguồn gốc của quan niệm tôn hữu
          Quan niệm tôn hữu có thể bắt nguồn từ việc tay phải thuận tiện trong công việc. Trương Ái Đường cho rằng nguồn gốc của quan niệm tôn hữu là do bởi tay phải thuận tiện, có sức. Dương Lâm cũng đồng ý với nhận định này. Sự thuận tiện có sức của tay phải là bản năng của nhân loại, gắn bó với nhân loại. Chính vì thế quan niệm tôn hữu đã có từ rất sớm, nó đã tồn tại một cách rộng rãi ở nhiều dân tộc trên thế giới. Với một số ngôn ngữ, từ “hữu” luôn có hàm nghĩa tốt đẹp như chính xác, thuận lợi, vượt trội; từ “tả” có hàm nghĩa không tốt như nghiêng lệch, không thuận lợi, thấp kém.
5- Kết luận
          Tóm lại, quan niệm tôn hữu đã có từ thời xa xưa và là một hiện tượng văn hoá mang tính phổ biến, được lưu hành rộng rãi, phạm vi đề cập rộng, ảnh hưởng lớn. Tôn tả xuất hiện sau, phạm vi đề cập hẹp, ảnh hưởng nhỏ, không được phổ biến sâu rộng. Chính vì thế trong Hán ngữ, chữ “hữu” còn có nghĩa là “thượng” “cao” là “thân cận” mà chữ “tả” không có được.
                                                                       Huỳnh Chương Hưng
Dịch thuật:
ĐÀO UYÊN MINH
“KHÔNG VÌ NĂM ĐẤU GẠO MÀ KHOM LƯNG”
Ảnh internet.        
Trong tập tục ăn uống của Trung Quốc, có một hiện tượng không thể xem thường đó là mối quan hệ giữa “thực” 食 và “tiết” 节. “Tiết” tức khí tiết, nhân cách. Trung Quốc cổ đại có không ít những câu chuyện để bảo vệ nhân cách, giữ gìn khí tiết mà không chịu ăn.
          Vào cuối đời Thương, hai người con của vua nước Cô Trúc 孤竹 là Bá Di 伯夷 và Thúc Tề 叔齐 đã cản đường phản đối Chu Vũ Vương 周武王đi đánh vua Trụ 纣. Vũ Vương không quan tâm đến, dưới sự giúp đỡ của Khương Tử Nha 姜子牙, đã tập họp các bộ lạc cùng sự chi viện của các nước nhỏ, rầm rộ từ Mạnh Tân 孟津 tiến đến Triều Ca 朝歌, đô thành của triều Thương. Với trận Mục Dã 牧野, nhà Thương bị diệt vong, vương triều Chu được kiến lập. Sau khi Vũ Vương diệt nhà Thương, Bá Di và Thúc Tề “cảm thấy sỉ nhục không chịu ăn thóc lúa nhà Chu”, cuối cùng chết đói ở núi Thú Dương 首阳. Hành động của Bá Di, Thúc Tề chấn động lòng người. Rõ ràng, họ đã phản đối cuộc chiến tranh chính nghĩa, tiến bộ. Nhưng từ giá trị thông thường xưa nay mà xét, mọi người không thể không thừa nhận họ quả là đã giữ khí tiết.
          Nếu như nói Bá Di, Thúc Tề nhân vì chủ trương chính trị của mình không được dùng mà tuyệt thực, thế thì với thái độ của bách tính thông thường trước cái đói như thế nào? Mặc dù thời cổ từng phát sinh những thảm kịch “người ăn thịt lẫn nhau” vì đói, nhưng đồng thời cũng không thiếu những người vẫn giữ được  tôn nghiêm cho dù chết đói. Trong Lễ kí – Đàn Cung 礼记 - 檀弓 có ghi lại một câu chuyện như sau:
          Thời Xuân Thu, nước Tề vào một năm nọ bị mất mùa, có một người tên là Kiềm Ngao 黔敖 cho nấu cơm rồi bày ra bên đường để những người đang bị đói đến ăn. Một ngày nọ, có một người lấy tay áo che mặt đi tới, nhìn bộ dạng thất thểu có thể đoán được anh ta đã bị đói nhiều ngày. Kiềm Ngao một tay bưng cơm, một tay bưng nước, ra dáng ban phát nói lớn:
Này lại ăn!
           Không ngờ người đói nọ ngẩng đầu nhìn Kiềm Ngao, một lúc lâu mới nói:
          Ta cũng vì không ăn cơm của loại người có giọng điệu như ông nên mới như thế này.
          Nói xong, người nọ liền bỏ đi, chẳng bao lâu bị chết đói.
          Người bị đói trong câu chuyện trên là một người vô danh tiểu tốt, nhưng trước mặt kẻ bố thí đã giữ được nhân cách và sự tôn nghiêm của bản thân. Mạnh Tử 孟子 cũng có nói:
          Nhất đan tự, nhất đậu canh, đắc chi tắc sinh, phất đắc tắc tử; hô nhĩ nhi dữ chi, hành đạo chi nhân phất thụ; xúc nhĩ nhi dữ chi, khất nhân bất tiết dã (1).
          一箪食, 一豆羹, 得之则生, 弗得则死; 呼尔而与之, 行道之人弗受; 蹴尔而与之, 乞人不屑也.
          (Một giỏ cơm, một bát canh, có được thì sẽ sống, không có thì sẽ chết đói. Nhưng nếu như la hét mà bố thí thì người qua đường cũng không nhận, lấy chân đá tới mà bố thí thì ngay cả người ăn xin cũng không thèm)
          Trong dân gian Trung Quốc xưa nay vẫn truyền tụng câu:
Ngạ tử sự tiểu, thất tiết sự đại (2)
饿死事小, 七节事大
(Chết đói là việc nhỏ, thất tiết mới là chuyện lớn)
          Để giữ nhân cách và khí tiết, có người nhịn đói chịu chết, có người suốt đời nghèo khổ long đong. Đào Uyên Minh 陶渊明 không vì năm đấu gạo mà khom lưng chính là điển hình cho loại người sau.
          Đào Uyên Minh là thi nhân cuối thời Đông Tấn. Tổ phụ của ông là Đại tư mã nổi tiếng thời Đông Tấn. Nhưng Đào Uyên Minh sống một cuộc sống rất đạm bạc, gia cảnh nghèo khổ vẫn uống rượu, đọc sách, làm thơ. Để sinh tồn, Đào Uyên Minh làm qua một chức quan nhỏ, nhưng do bởi nhìn không quen tác phong tồi tệ chốn quan trường, chẳng bao lâu ông từ chức. Về sau ông vẫn làm qua một số chức quan nhỏ, trải qua cuộc sống lúc làm quan lúc ở ẩn. Lần cuối cùng Đào Uyên Minh làm quan đó là vào năm Nghĩa Hi 义熙 thứ nhất (năm 405). Năm đó, ông đã qua tuổi “bất hoặc” (40 tuổi), theo lời khuyên của bạn bè ông ra làm huyện lệnh Bành Trạch 彭泽. Có một lần trên quận phái tên đốc bưu xuống xem xét tình hình, có người bảo ông đó là người của trên phái xuống, phải ăn mặc chỉnh tề cung kính mà nghinh tiếp. Đào Uyên Minh qua than dài và nói rằng:
Ta không vì bổng lộc 5 đấu gạo của huyện nhỏ này mà khom lưng khúm núm phục vụ cho những người ấy.
          Nói xong liền từ quan về nhà. Đào Uyên Minh làm huyện lệnh Bành Trạch chỉ hơn 80 ngày. Lần từ quan này ông vĩnh viễn rời khỏi chốn quan trường. Từ đó trở đi ông vừa đọc sách làm văn, vừa tham gia cày cấy. Về sau do bởi nông điền luôn gặp phải thiên tai, nhà lại bị cháy, gia cảnh ngày càng túng bấn, nhưng trước sau ông vẫn không ra làm quan để cầu bổng lộc, thậm chí ngay cả Thứ sử Giang châu tặng đến gạo và thịt ông cũng kiên quyết không nhận. Triều đình từng cho mời ông làm Trứ tác lang cũng bị ông từ chối.
          Đào Uyên Minh qua đời trong cảnh bần hàn bệnh tật. Ông vốn có thể sống một cuộc sống thong thả, chí ít cũng không phải lo cái ăn cái mặc, nhưng ông đã lấy nhân cách và khí tiết để đánh đổi; nên ông đã chọn lấy cuộc sống nghèo khổ thiếu ăn thiếu mặc. Nhưng có mất thì cũng có được, Đào Uyên Minh đã có được sự tự do của tâm hồn, có được sự tôn nghiêm của nhân cách, đã viết ra những bài thơ bài văn lưu phương bách thế. Ông lưu lại cho đời sau một gia tài văn học quý báu và cũng để lại một tài sản tinh thần vô giá. Khí tiết cao thượng trong sáng “không vì năm đấu gạo mà khom lưng” của ông đã trở thành tấm gương cho văn nhân đời sau thậm chí cho cả người Trung Quốc.
          Nếu như nói việc không ăn “ta lai chi thực” 嗟来之食(3) và “không vì 5 đấu gạo mà khom lưng” là thể hiện tiết tháo và nhân cách của người xưa, thế thì câu chuyện “Lỗ tướng thị ngư” 鲁相嗜鱼và câu chuyện “Phong trả trách thư” 封鮓责书 của mẹ Đào Khản 陶侃lại thể hiện sự chính trực và liêm khiết của quan lại thời xưa cùng người nhà của họ.
          Theo Sử kí 史记, Công Nghi Hưu 公仪休 làm Tể tướng nước Lỗ, ông có tật là thích ăn cá. Nhiều người tranh nhau mua cá đến biếu, ông lại từ chối không nhận. Học trò hỏi ông:
Thầy thích ăn cá mà tại sao lại không nhận?
          Công Nghi Hưu trả lời dõng dạc:
Bởi vì thích ăn cá cho nên mới không nhận
          Ông giải thích rằng:
          Nếu nhận, tất sẽ nể nang; đã nể nang tất sẽ uốn cong pháp luật; đã uốn cong pháp luật tất bị mất chức.
          Công Nghi Hưu là một viên quan phong kiến, vì “thích cá nên không nhận cá” đã thể hiện sự liêm khiết của mình.
          Câu chuyện chuyện “Phong trả trách thư” 封鮓责书, gắn với mẹ Đào Khản 陶侃. Đào Khản (259 – 334) nhậm chức huyện lại ở Tầm Dương 寻阳 (nay là Cửu Giang 九江 Giang Tây 江西). Tầm Dương kề Trường giang, thuỷ sản phong phú, Đào Khản lại quản về ngư nghiệp. Là một người con có hiếu, Đào Khản luôn nhớ đến mẹ ở quê nhà sống một cuộc sống thanh bần. Một lần nọ, nhân thuộc hạ thuận đường công tác, Đào Khản liền nhờ đem cho mẹ một vò cá trả. Cá trả chính là cá muối, không phải là vật trân quý gì, chỉ xuất phát từ lòng hiếu thảo, muốn mẹ nếm qua đặc sản của Tầm Dương. Nhưng sau khi người mẹ biết là của Đào Khản, đã đổi mừng thành lo, liền lấy giấy bút viết chữ “phong” 封 phong kín vò, lại viết cho Đào Khản mấy dòng:
          Con là quan, lấy đồ của nhà nước tặng cho mẹ, không những không mang lại cho mẹ niềm vui mà ngược lại làm cho mẹ thêm lo sầu.
          Đào Khản nhận được “Phong trách thư” 封责书 của mẹ, hối hận muôn phần. Đào mẫu thâm minh đại nghĩa, không ăn cá trả trở thành giai thoại trong lịch sử về phong tục ẩm thực Trung Quốc.
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Câu này trong Mạnh Tử - Cáo tử thượng 孟子 - 告子上
(2)- Câu này trong Trình thị di thư 程氏遗书, quyển 22
(3)- TA LAI CHI THỰC 嗟来之食: tức câu chuyện về Kiềm Ngao nói ở trên.
          Trong Lễ kí – Đàn Cung hạ礼记 - 檀弓下 ghi rằng:
          Tề đại cơ, Kiềm Ngao vi thực ư lộ dĩ đãi ngạ giả nhi tự chi. Hữu ngạ giả mông duệ tập lũ, mậu mậu nhiên lai. Kiềm Ngao tả phụng thực, hữu chấp ẩm, viết: “Ta lai thực!” Dương kì mục nhi thị chi, viết: “Dư duy bất thực ta lai chi thực, dĩ chí ư tư dã”. Tùng nhi tạ yên. Chung bất thực nhi tử.
          齊大饑, 黔敖為食於路, 以待餓者而食之. 有餓者蒙袂輯屨, 貿貿然來. 黔敖左奉食, 右執飲, 曰: “嗟來食!” 揚其目而視之, 曰: “予唯不食嗟來之食, 以至於斯也”. 從而謝焉. 終不食而死.
          (Nước Tề gặp năm mất mùa nghiêm trọng, Kiềm Ngao chuẩn bị thức ăn nước uông bên đường để cho những người bị đói đi qua ăn. Có một người đói lấy tay áo che mặt, lê dép thất thểu đi tới. Kiềm Ngao tay trái bưng cơm, tay phải bưng nước nói rằng: “Này lại ăn!” Người nọ ngước mặt nhìn Kiềm Ngao và nói: “Ta cũng vì không ăn cơm của loại người có giọng điệu như ông mà mới như thế này”. Kiềm Ngao vội theo sau xin lỗi. Người ấy vẫn không ăn về sau chết đói)
          Nguồn: Lễ kí dịch giải 禮記譯解, quyển thượng. Vương Văn Cẩm 王文錦 dịch giải. Trung Hoa thư cục, 2007.
                                                                  Huỳnh Chương Hưng
Câu đối:
Y ĐỨC DUY NGÔN...
Ảnh internet.
醫德蕕言一誓口開驚萬眾
人心池墨方揮筆動懼千民
Y đức du ngôn, nhất thệ khẩu khai kinh vạn chúng
Nhân tâm trì mặc, phương huy bút động cụ thiên dân
                                               Huỳnh Chương Hưng
HỮU HẠNH
Ảnh internet.
有幸青山岳飛千秋勇將
無辜白鐵秦檜萬代奸臣
Hữu hạnh thanh sơn, Nhạc Phi thiên thu dũng tướng
Vô cô bạch thiết, Tần Cối vạn đại gian thần 
                                           Huỳnh Chương Hưng
- Tranh vẽ:
Ngọc thụ kỳ hoa hương tác cẩm
Minh nhật hựu phùng xuân
Nhân nhàn quế hoa lạc...
Hoa diễm vũ phong lưu...
Hoa diễm vũ phong lưu
Vụ hương mê nguyệt bạc
(Thanh: Hoàng Bá Quyền)
Nghinh xuân
...............
Thư pháp:
DU VIÊN BẤT TRỊ

Phiên âm
Du viên bất trị
Ưng lân kịch xỉ ấn thương đài
Tiểu khấu sài phi cửu bất khai
Xuân sắc mãn viên quan bất trú
Nhất chi hồng hạnh xuất tường lai
                               Diệp Thiệu Ông

Dịch nghĩa 
Đến vườn chơi không gặp được chủ nhân 
Có lẽ chủ nhân khu vườn sợ gót giày của khách giẫm lên đám rêu xanh,
Chớ sao mà gõ cửa hồi lâu chẳng thấy ai ra mở.
Khắp cả vườn sắc xuân tràn ngập không ngăn lại được,
Nên đã có một cành hạnh đỏ vượt ra khỏi tường.
Dịch thơ 
Đến vườn chơi không gặp được chủ nhân 
Gót giày nào nỡ giẫm rêu phai
Cửa gõ hồi lâu chẳng thấy ai
Vườn ngập sắc xuân ngăn chẳng nổi,
Một cành hạnh đỏ vượt ra ngoài.
     Thư pháp, phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ: Huỳnh Chương Hưng
NHẤT CHI ĐẠM TRỮ...
Nhất chi đạm trữ thư song hạ
Nhân dữ hoa tâm các tự hương
(Tống: Chu Thục Chân - Quế hoa)
CẢM NGỘ
Phiên âm
Cảm ngộ
Lan diệp xuân uy nhuy,
Quế hoa thu hạo khiết.
Hân hân thử sinh ý,
Tự nhĩ vi giai tiết.
Thuỳ tri lâm thê giả,
Văn phong toạ tương duyệt.
Thảo mộc hữu bản tâm,
Hà cầu mĩ nhân chiết
                                 
THANH CẦM THƯỢC MÍNH HÒA TÂM TẨY
Phiên âm
Thanh cầm thược mính hoà tâm tẩy,
Vận trúc xao thi nhập mộng khan.
Học trò mạo muộn trích đăng: Đỗ Văn Duyên

Nguồn: http://yume.vn
Previous Post Next Post