Dịch thuật: Thiên tẩu yến


THIÊN TẨU YẾN

          Thiên tẩu yến 千叟宴 (1) bắt đầu từ thời Khang Hi 康熙, là một trong những đại yến của cung đình nhà Thanh, nhưng chỉ 4 lần tổ chức qua ở hai triều Khang Hi và Càn Long 乾隆 là đại yến thịnh soạn nhất, quy mô lớn nhất, chuẩn bị lâu nhất, tốn phí nhiều nhất.
          Tháng 3 năm Khang Hi thứ 52, gặp lúc hoàng đế Khang Hi lục tuần đại khánh, để chúc mừng sinh nhật hoàng đế, một số kì lão 耆老 (2) vào kinh thành tự phát đến chúc thọ. Là một vị “thánh minh” của vương triều, làm sao có thể để các kì lão trong thiên hạ tay không ra về? Khang Hi liền ra chỉ dụ quyết định tổ chức yến tiệc ban thưởng cho các kì lão tại Sướng Xuân viên 畅春园, sau đó mới đưa tiễn về quê nhà. Ngày 25 tháng 3, yến tiệc ban thưởng cho các kì lão cũng bao gồm các quan văn võ cùng thứ sĩ ở các tỉnh hiện nhậm từ 65 tuổi trở lên có đến hơn 1800 người; và ngày 27, tiệc ban thưởng cho quan viên đại thần của bát kì (3)   Mãn Châu, Mông Cổ, Hán quân, cùng hộ quân và binh đinh, từ 65 tuổi trở lên có hơn 1000 người.
          Tháng Giêng năm Khang Hi thứ 61, để bày tỏ sự tôn trọng đối với các cụ già và chúc mừng đất nước phồn thịnh, Khang Hi đã triệu tập các quan văn võ đại thần của bát kì Mãn Châu, Mông Cổ, Hán quân từ 65 tuổi trở lên được 680 người, ban yến trước cung Càn Thanh 乾清; 3 ngày sau, hoàng đế lại cho triệu văn võ đại thần người Hán từ 65 tuổi trở lên được 340 người, ban yến trước cung Càn Thanh. Trong lúc yến tiệc, Khang Hi đã sáng tác bài Thiên tẩu yến thi 千叟宴诗, các đại thần người Hán người Mãn đua nhau hoạ lại.
          Năm Càn Long  thứ 49, hoàng đế Càn Long tuy đã vượt qua tuổi cổ lai hi nhưng vẫn siêng năng chính sự. Nhân mừng sự kiện có ngũ thế huyền tôn (cháu đời thứ 5), đất nước lại được “cảnh vận xương kì” 景运昌期, Càn Long đã ban bố chỉ dụ:
Phàm nội ngoại văn võ bách quan, tuổi từ 60 trở lên, đều được ban cho dự yến.
Quyết định cử hành Thiên tẩu yến tại cung Càn Thanh vào tháng Giêng năm Càn Long thứ 50. Và lúc bấy giờ có hơn 3000 kì lão dự yến.
Năm Càn Long thứ 60, các tỉnh được mùa lương thực, tháng 10 trời đổ tuyết dày cả thước, lại thêm Càn Long đã vào tuổi bát tuần, định tháng Giêng năm sau làm lễ nhường ngôi, đổi niên hiệu Gia Khánh 嘉庆, tự xưng là Thái thượng hoàng, là việc xưa nay hiếm có; nhân đó Càn Long xuống chỉ dụ sẽ cử hành Thiên tẩu yến tại điện Hoàng Cực 黄极 vào ngày mồng 4 tháng Giêng năm sau, quy định rõ từ 70 tuổi trở lên mới được dự yến. Tham dự yến có3056 người, nhưng thực tế có đến hơn 8000 người tham gia hoạt động này. Họ là vương công, bách quan, binh, dân, thợ cùng sứ thần các nước. Đặc biệt có Hùng Quốc Bái 熊国沛 106 tuổi và Khưu Thành Long 邱成龙 100 tuổi, Càn Long vui mừng ban cho 4 chữ “Bách tuế thọ dân” 百岁寿民; đồng thời thưởng cho các cụ từ 90 tuổi trở lên đính đới 顶戴 (4) thất phẩm, lại ban cho các cụ già khác cây như ý, gậy thọ, lụa, chuỗi hạt, da điêu, túi thơm cùng ngân bài dưỡng lão. Khi hoàng đế Càn Long dự yến đã hưng phấn dùng vận thi ban cho trong buổi tiệc, sau đó mọi người dựa theo vận hoạ lại, mô phỏng theo Bá Lương thể 柏梁体 (5), được 3497 bài.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- THIÊN TẨU YẾN 千叟宴: “Tẩu” là cụ già. “Thiên tẩu yến” là buổi yến tiệc dành cho các cụ già, vì buổi tiệc có số lượng đông đến cả ngàn cụ nên gọi là “Thiên tẩu yến”
(2)- KÌ LÃO 耆老: người già 60 tuổi gọi là “kì”; người già 70 tuổi gọi là “lão”. “Kì lão” ở đây chỉ các cụ già nói chung.
(3)- BÁT KÌ 八旗: chế độ bát kì do Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích 努尔哈赤 sáng lập vào năm 1601. Lúc đầu chí có 4 kì là Hoàng kì 黄旗, Bạch kì 白旗, Hồng kì 红旗, Lam kì 蓝旗. Năm 1614 đem 4 kì đổi là Chính hoàng 正黄, Chính bạch 正白, Chính hồng 正红, Chính lam 正蓝 đồng thời đặt thêm Tương hoàng 镶黄, Tương bạch 镶白, Tương hồng 镶红, Tương lam 镶蓝, gọi chung là “bát kì”, thống lĩnh quân đội người Mãn, người  Mông và người Hán
          Nguồn http://baike.baidu.com/view/20392.htm
(4)- ĐÍNH ĐỚI 顶戴: một loại trang sức trên mũ của triều Thanh dùng để phân biệt đẳng cấp quan lại, tức viên ngọc gắn trên chóp mũ. Có hồng bảo thạch, thanh kim thạch, xa cừ, thuỷ tinh …
(5)- BÁ LƯƠNG THỂ 柏梁体: một loại cổ thi thất ngôn. Tương truyền Hán Vũ Đế khi ở trên đài Bá Lương 柏梁 đã cùng quần thần làm thơ thất ngôn, mỗi người làm một câu, mỗi câu đều dùng vần. Người đời sau gọi thể thơ đó là Bá Lương thể.

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                   Quy Nhơn 6/10/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
CUNG TRUNG THIÊN TẨU YẾN
宫中千叟宴
Tác giả: Mao Hiến Dân 毛宪民
Trong quyển
CUNG QUY LỄ TỤC THÁM U
宫规礼俗探幽
Chủ biên: Thôi Trắc 崔陟
Trung Quốc văn sử xuất bản xã – 2006 
Previous Post Next Post