Dịch thuật: Tại sao Tào Tháo phải xây 72 ngôi mộ


TẠI SAO TÀO THÁO PHẢI XÂY 72 NGÔI MỘ

          Việc tang táng Tào Tháo 曹操 khác với các vị đế vương của các đời. Đối với hậu sự của mình, ông từng đề xuất “bạc táng” 薄葬 (chôn cất đơn giản). Tào Tháo là vị đế vương đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc đề xuất “bạc táng”.
          Lúc bấy giờ Tào Tháo tuy chưa xưng đế, nhưng quyền lực và địa vị không thua gì đế vương, tại sao ông không những đề xuất “bạc táng” mà còn ra sức thực hiện?
          Truyền thuyết kể rằng, Tào Tháo một đời rất tiết kiệm, ông yêu cầu nghiêm khắc đối với người nhà và quan lại. Vợ của Tào Thực 曹植 con ông, nhân vì mặc lụa là đã bị ông theo gia quy xuống chiếu “tự sát”. Các loại vải dùng qua trong cung, nếu rách thì vá lại, vá xong dùng tiếp, không được thay mới. Có một dạo thiên hạ bị mất mùa , tài vật thiếu thốn, Tào Tháo không mặc đồ bằng da, đến mùa đông, các quan trong triều đều không dám đội mũ da.
          Cũng theo truyền thuyết, lúc trẻ Tào Tháo từng đào trộm mộ, ông tận mắt nhìn thấy rất nhiều phần mộ sau khi bị trộm xương cốt vương vãi khắp nơi. Để đề phòng sau khi mất thảm trạng đó xuất hiện, Tào Tháo một lần nữa yêu cầu “bạc táng”.
          Và cũng để tránh việc đào trộm mộ, Tào Tháo còn cho áp dụng biện pháp đắp “mộ giả”. Việc bố trí mộ giả đương nhiên cũng có liên quan đến tính cách của ông. Sinh thời, do bởi đa nghi, đã giết oan nhiều người, khi mất, tính đa nghi của ông cũng không ngoại lệ. Theo truyền thuyết, ngày an táng ông, 72 cỗ quan tài từ 4 hướng đông tây nam bắc cùng một lúc được khiêng ra khỏi các cổng thành. Trong 72 ngôi mộ này, mộ nào là mộ thật? Bí ẩn về mộ Tào Tháo vẫn còn đó.
          Cả ngàn năm nay, những kẻ đào trộm mộ không kể số lần đã đào, không ai phát hiện ra mộ Tào Tháo.
          Trong những năm chiến tranh, có một thương nhân buôn đồ cổ của công ti Đông Ấn vì muốn tìm mộ thật của Tào Tháo đã thuê người đào mười mấy ngôi mộ. Ngoài những vật bằng gốm ra, không thu thập được gì.
          Năm 1988, trong bài Tào Tháo thất thập nhị nghi trủng chi mê yết khai 曹操七十二疑冢之谜揭开 đăng trên Nhân dân nhật báo 人民日报 có nói:
          Quần thể mộ cổ huyện Từ tỉnh Hà Bắc 河北 nổi tiếng trong và ngoài nước gần đây đã được Quốc vụ viện xếp vào nhóm thứ 3 đơn vị bảo hộ văn vật toàn quốc. Truyền thuyết trong dân gian trước đây cho là mộ cổ “Tào Tháo thất thập nhị nghi trủng”. Hiện đã kiểm tra kĩ trong thực tế đó là quần thể mộ cổ kiểu lớn của thời Bắc triều, con số không phải là 72 mà là có đến 134.
          Về cách nói mộ giả đã được xác nhận là không chính xác.
          Nhưng thi thể của Tào Tháo được chôn ở đâu đến nay vẫn còn là một bí ẩn.
Dựa theo một bài thơ cổ:
Đồng Tước cung quán uỷ hôi trần
Nguỵ chi viên lăng Chương thuỷ tân
Tức kim tây vọng do kham tứ
Huống phục đương niên ca vũ nhân (1)
铜雀宫观委灰尘
魏之园陵漳水滨
即今西望犹堪思
况复当年歌舞人
Cung điện nơi đài Đồng Tước đã phủ đầy bụi
Viên lăng của Nguỵ chủ ở bên bờ sông Chương
Đến nay nhìn về phía tây hãy còn khiến người ta trầm tư
Huống hồ những người ca múa vào năm đó
          Từ đó mà suy đoán, mộ Tào Tháo ở dưới đáy sông Chương.
          Theo Chương Đức phủ chí 彰德府志, lăng của Nguỵ Vũ Đế Tào Tháo tại thôn Linh Chi 灵芝 phía chính nam đài Đồng Tước 5000m. Qua khảo sát, đây cũng thuộc về giả thiết.
          Còn có một cách nói khác, lăng Tào Tháo tại “Tào gia cô đôi” 曹家孤堆 ở huyện Tiều quê hương của ông.
          Theo những ghi chép trong Nguỵ thư – Văn Đế kỉ 魏书 - 文帝纪:
          Năm Giáp ngọ (năm 220), đến huyện Tiều, tổ chức tiệc khao 6 quân cùng phụ lão bách tính huyện Tiều ở ấp Đông.
          Trong Bạc Châu chí 亳州志 cũng có ghi:
          Văn Đế đến huyện Tiều, tổ chức tiệc mời các phụ lão, lập đàn trước gian nhà cũ, dựng bia gọi là Đại hưởng chi bi 大飨之碑.
          Tào Tháo mất vào tháng Giêng, tháng 2 năm đó an táng, nếu như chôn ở Nghiệp Thành 邺城 thì tại sao Nguỵ Văn Đế Tào Phi 曹丕 không đến Nghiệp Thành mà lại về quê nhà. Mục đích đi lần đó có phải là để kỉ niệm Tào Tháo? Trong Nguỵ thư cũng còn nói:
Năm Bính Thân, đích thân đến cúng ở Tiều lăng
          Tiều lăng chính là “Tào gia cô đôi”, nằm ở phía đông thành 20.000m. Nơi đây từng có tinh xá do Tào Tháo xây nên, và cũng là nơi Tào Phi sinh ra. Ngoài ra, cũng theo những ghi chép: Ở Bạc Châu 亳州có quần thể to lớn mộ thân tộc Tào Tháo, trong đó có mộ của tổ phụ, phụ thân, con cái của Tào Tháo. Do đó mọi người suy đoán rằng mộ Tào Tháo đương nhiên cũng ở trong đó.
          Nhưng cách nói này cũng thiếu chứng cứ đáng tin nên nhiều người nghi ngờ. Đối với tính đa nghi gian trá của Tào Tháo, mọi người có thể có những nhận thức sâu sắc hơn. Tào Tháo một đời tiết kiệm, chủ trương “bạc táng” là điều có ý nghĩa tích cực. Làm như thế vừa bảo vệ được mình, đồng thời cũng khiến cho bọn đào trộm mộ không cách gì ra tay, đây cũng có thể xem là minh trí của Thào Tháo
          Về tình hình chân thực lăng mộ của Tào Tháo đến nay vẫn là một bí ẩn, còn đợi sự phát hiện của các nhà khảo cổ.
  
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Đây là bài Đồng Tước đài 铜雀台 của Lí Đình Kì 李庭琦 đời Đường. So với bài trong bài dịch có khác vài chỗ:
Đồng đài cung quán uỷ hôi trần
Nguỵ chủ viên lăng Chương thuỷ tân
Tức kim tây vọng do kham tứ
Huống phục đương thời ca vũ nhân
铜台宫观委灰尘
魏主园陵漳水滨
即今西望犹堪思
况复当时歌舞人
                      http://poem.negoo.com/poem-19495.htm

                                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                                   Quy Nhơn 10/9/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
TÀO THÁO VI HÀ YẾU KIẾN 72 TOẠ LĂNG TẨM
曹操为何要建 72 座陵寝
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Chủ biên: Tôn Thiệu Vũ 孙绍武
Hô Hoà Hạo Đặc: Viễn phương xuất bản xã, 2009.
Previous Post Next Post