TỪ CÓ NGUỒN GỐC TỪ TIẾNG KHMER
Trong hệ thống từ vựng tiếng Việt, ngoài những từ có nguồn gốc từ tiếng Quảng Đông, Triều Châu, có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài như Anh, Pháp, còn có những từ bắt nguồn từ tiếng Khmer như: bòn (anh/chị), phum, sóc, cà om (cái hũ, cái tỉn), cà ròn (bao đan bằng lát) … những từ này tương đối dễ nhận biết. Nhưng theo giáo sư Lê Ngọc Trụ còn có những từ khác cũng có nguồn gốc từ tiếng Khmer như: cào (kéo gom lại thành đống), lóc (cá lóc), tra (cá tra), chụm (chụm lại), hoặc như: khố (cái khố), rôm (rôm sảy), vá (dụng cụ dùng để múc) …
Dưới đây xin nêu một số từ có nguồn gốc từ tiếng Khmer được thu thập trong quyển Tầm nguyên Tự điển Việt Nam của Giáo sư Lê Ngọc Trụ. Tôi xin chép nguyên văn trong tự điển. Số trong ngoặc đơn là số trang trong tự điển. Chữ viết tắt Kh: Khmer, cv: còn viết, đn: đồng nghĩa, cn: cũng nói.
- bẻ (béh Kh.) Hái, bẻ. Bẻ bắp (474)
- bòn (bòn Kh.) Anh (hay) Chị. Bòn ơi! = Anh ơi (hay) Chị ơi! Cv. boòng (482)
- bưng (bưng Kh.) 1- Vùng đồng lầy nước đọng, nhiều bùn sình với lác sậy. Đất bưng; bưng Môn; bưng Bạc có nhiều cá thia thia.
2- Vùng căn cứ du-kích kháng-chiến chống quân xâm lược Pháp-Mỹ. Ra bưng, đi bưng. (490)
- cà-om (ko-om Kh.) Cái hũ, cái tỉn … có dung tích vài ba lít. (496)
- cà-ràng (kran Kh.) Loại bếp lò làm bằng đất sét nung có đáy rộng ra phía trước để làm chỗ để củi từ từ đẩy vào lò. Ở ghe xài cà-ràng tiện lợi lắm. (497)
- cà-ròn (bao) (karông Kh.) Bao nhỏ đan bằng lát, có sức chứa khoảng 20-30 lít. đn. bao đệm, bao nhíp. (497)
- cào (cao Kh.) Kéo gom lại thành đống. Cào cỏ, cào muối … (500)
- cáp-duồng (cắp duông Kh. cắp = chặt; duồng = Việt-Nam : chặt dân Việt-Nam) Tiếng thét của người Miên đang cuồng-nộ quyết giết người Việt (1945, 1970). Tiếng la cáp-duồng làm muốn đứng tim. (501)
- cắc (căk Kh.) Đơn- vị tiền-tệ, có giá-trị bằng 10 xu hoặc bằng một phần mười đồng bạc. đn. hào. Hai cắc tư = 24 xu = 0,24 đồng. cv. cắt. (503)
- chạng (chiệl Kh.) Loại rổ to đan có lỗ thưa lớn, dùng đựng vật có thể-tích khá. Chạng bắp cải, chạng trái su. (506)
- chỉ (chêk Kh) Đơn-vị trọng-lượng nặng 3,675 gram. Cà-rá vàng đồ nặng hai chỉ (507)
- chình (khchùng Kh.) Loại cá thân hình trụ thon dài, da trần và nhớt, đặc-biệt là miệng tròn như ống giác có nhiều hấp-khẩu (507 – 508)
- chông (chông Kh.) Vật có mũi nhọn, dùng để làm bẫy hoặc chướng-ngại. Vót chông, cấm chông, hầm chông (508).
- chơn (chơơng Kh.) Chi-dưới. cn. chưn, chân (508)
- chụm (chum Kh.) Bao-vây, gom lại quanh một điểm; chùm-nhum, dụm tụm.Ngồi chụm lại (508).
- cồng (kôông Kh.) Loại nhac-khí gõ không định âm, nom như cái chiêng nhưng không có núm, dùng để phát hiệu. Lệnh ông không bằng cồng bà (521).
- cuộc (kuôch Kh.) Cột, quấn, buộc cho dính chặt với nhau (526).
- duồng (duôn Kh.) Từ do người Khmer dùng để gọi người Việt-Nam. Duồng đến mời lục cả phải không? (535)
- đuông (đuông Kh.) Ấu-trùng chuyên ăn cổ hủ dừa, dừa nước. Đuông lăn bột; bánh con đuông: bánh ngọt giòn có hình như con đuông khoanh cong (546).
- ênh (ên Kh.) Một mình. Đi mình ênh; làm mình ênh; ngồi mình ênh (555).
- khèn (khèn Kh.) Ống sáo của một số dân tộc miền núi, làm bằng 7-8 ống tre hoặc trúc ghép lại. Thổi khèn (597).
- khiên (khêl Kh.) Vật để che-đỡ cho tên, gươm, giáo … khỏi trúng người, thường đan bằng mây, hình giống cái chảo; ở mặt lõm có khoen để xỏ cánh tay vào. Cảnh sát dã-chiến mang dùi-cui và khiên (597).
- khố (kho-ô Kh.) Miếng vải hẹp và dài để che-giữ bộ phận sinh dục . Đàn ông đóng khố (597).
- lóc (cá) (trây rot Kh.) Loại cá nước ngọt có vảy, đầu tựa đầu rắn (tên khoa học là ophiocephalus, vì lẽ ophio = rắn và cephalus = đầu); dân ta còn gọi bằng nhiều từ như: cá chuối, cá quả, cá tràu … Có mùa cá lóc hay bị mực (trong thịt có rải rác nhiều đốm đen): khô lóc, mắm lóc, cá lóc bông (nt: cá bông) (612)
- lọp (lôp Kh.) Ngư-cụ đan bằng tre, có hom, đặt mồi bên trong rồi đem đặt ở đáy nước để nhử bắt cá, rất thông-dụng ở Nam-Bộ. Đặt lọp ở ngoài rạch (612).
- lồng-mứt (l-mút Kh.) Loại thực vật có trái, trông dễ lộn với trái xa-bô-chê (614).
- mặc-nưa (mắc khưa Kh.) Loại cây nhỏ, lá tròn dài, trái có 1 hột dùng để nhuộm đen rất tốt. Hàng Mỹ-A nhuộm mặc-nưa đen láy (627).
- mẻ (con) (khméh Kh.) Chất chua do cơm nguội để lên men giấm, dùng làm gia-vị khi nấu ăn. Nấu canh chua với con mẻ (630).
- mẹc (ông) (mek Kh.) Chức-danh của cấp cao nhứt trong hàng lục cả người Miên (Khmer). Viếng chùa ông Mẹc trong tỉnh-lỵ Trà-Vinh (630).
- mùng (mung Kh.) Dụng-cụ ngăn chặn muỗi chích. đn. màn. Giăng mùng; vén mùng (644).
- ná (sna Kh.) Cái nỏ. Dùng ná bắn tên có tẩm thuốc độc (646).
- nện ( nen Kh.) Dùng vật nặng giáng mạnh xuống để cho cứng, cho dặt-dẽ, cho chặt, … Lấy đầm nện sân cho cứng (649).
- ngan (con) (ca ngan Kh.) Gia-cầm cùng họ với vịt, nhưng lớn hơn, có mồng đỏ. đn. vịt xiêm (649)
- nghêu (nghiêu Kh.) Ngao, động-vật thân mềm có hai mảnh vỏ, sống ở bãi cát ven biển. Nghêu sò ốc hến (649-650)
- nha-đam (da đam Kh.) Thực-vật có thân ngắn, mang lá mập, nhọn, bìa có gai, mặt trên lõm, màu xanh có bớt trắng lấm tấm. Đậu xanh nấu đường với nha-đam ăn mát (650).
- nóp (nôp Kh.) Dụng-cụ đan bằng lát (cói), dùng làm mùng chống muỗi cho người lỡ đường phải ngủ đêm tại vùng sông rạch. “Nóp với giáo mang ngang vai …” (653)
- ria (riel Kh.) Đồng-bạc Miên. Dọ ria lãnh tiền. cn. rien (725)
- rôm (rôm Kh. : nổi da gà) Sảy: những mụt nhỏ và đỏ lấm-tấm mọc thành từng đám ngoài da lúc trời nóng-nực, trông tựa như da gà. Rôm ngứa; phấn rôm (729).
- sầu-đâu (cây) (sođau Kh.) Loại cây 4-5m; vỏ cây, lá và trái đều có vị đắng, độc. Nấu lá sầu-đâu lấy nước tắm thì ghẻ gứa mau đóng mày (742).
- sóc (srôk Kh.) Làng-mạc của đồng-bào dân-tộc ít người (Stiêng, Khmer, Rhade). Dễ tìm lắm, cứ vào sóc hỏi thì ai cũng biết ông Lục hết (750).
- sọt (khsok Kh.) Cái giỏ lỡ-cỡ đan bằng tre, sâu lòng, để đựng. Sọt rác, sọt ổi (750).
- tha-la (sala Kh.) Chòi nhỏ ở vệ đường, dành cho khách bộ-hành nghỉ chân. Ngồi đụt nắng ở tha-la trên đường liên-tỉnh chạy vào châu-thành Trà-Vinh. (772).
- thốt-nốt (thnôt Kh.) Thực-vật họ dừa, cao 20-25m; lá hình quạt; trái tròn, chứa nước ngọt dùng nấu đường; thường ở vùng có người Cam-bốt. Đường thốt-nốt đổ khuôn hình trụ, vào bịch bằng lá thôt-nốt, bày bán ở chợ Gò-Dầu (Tây-Ninh) (774)
- tiệm (tiêm Kh.) Cửa hàng, nơi buôn bán. Tiệm cơm; tiệm vàng; tiệm nước; tiệm chạp-phô, … (777)
-Tông-lê-xáp (Tôn lê xap Kh.) Biển hồ ở Cam-Bốt. Sống bằng nghề cá ở Tông-lê-xáp (782).
- tra (cá) (trây pra Kh.) Loài cá da láng, lưng đen bụng trắng, có lớp mỡ dày, ở nước ngọt (783).
- tráp (prò-op Kh.) Đồ dùng hình hộp nhỏ, bằng gỗ hoặc kim-loại, thời trước dùng đựng các vật lỉnh-kỉnh, quí-giá, hoặc giấy-tờ, trầu-cau. Khệ-nệ đẩy nắp chiếc rương xe lên, ông tôi bưng ra một cái tráp, mở nắp lấy tờ bằng- khoán dây ruộng muối ở Dao-Phay (784)
- vá (vek Kh.) Muỗng to để múc. Chị dùng cái vá làm bằng mủng vùa, múc bánh canh ngọt vào chén sành, và trao cho khách. (Trung-thực – Nhựt báo Tiếng-Dội). đn. môi (803)
- vàm (peam Kh.) Ngã ba sông-rạch. Ba sắp nhỏ bận đi lưới cá ở ngoài vàm, cũng sắp sửa về … (803).
- vắt (tiêk Kh.) Loài đỉa rừng. Mùa mưa đi rừng thường bị vắt đeo (805).
- vận (vênh Kh.) Cột gút vòng quanh một vật gì. Vận quần; quần lưng vận (không có cột dây lưng hoặc luồn thun). Nói trại: a/ Vấn: vấn thuốc lá; b/ Quấn: quấn khăn trùm đầu (805).
- vè (veh Kh.) Biến mất, rút lui. Chém vè (806).
- xăm (xăm Kh.) Chĩa ba dùng đâm cá (824).
- Xiêm (Siêm Kh.) Người Thái-Lan. Quân Xiêm thua to tại trận Rạch-Gầm. Dừa Xiêm. Chuối Xiêm: chuối sứ (841).
- xiêm lo (canh) (somlo Kh.) Thứ canh lỏng sệt nấu bằng bắp xát nhuyễn với mướp, bông bí, lá mồng-tơi hay bìm-bát, … (841)
- xoài (xoai Kh.) Loại cây ăn trái. Xoài tượng, xoài Gòn, xoài Cát, xoài Thanh-ca (843).
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 19/8/2012
LÊ NGỌC TRỤ
Nguyên giáo sư diễn giảng
Đại học Văn khoa Sài Gòn
TẦM NGUYÊN
TỰ ĐIỂN VIỆT NAM
NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1993
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật