Dịch thuật: Thiên tử vô hí ngôn

THIÊN TỬ VÔ HÍ NGÔN
天子无戏言
THIÊN TỬ KHÔNG ĐƯỢC NÓI  ĐÙA

Giải thích: ngày trước bậc đế vương khi nói năng không được tuỳ tiện, một khi đã nói nhất định phải làm.
Xuất xứ: Chiến quốc . Lã Bất Vi 吕不韦 Lã thị Xuân Thu – Trọng ngôn 吕氏春秋 - 重言

          Thời Chu Thành Vương 周成王, nhà Chu vừa mới bình định được thiên hạ, Thành Vương còn nhỏ tuổi, việc nước do Chu Công 周公 cai quản, xử lí chính vụ, Thành Vương rất tin tưởng Chu Công. Về sau khi Thành Vương trưởng thành Chu Công đã đem chính quyền giao lại. Thành Vương vẫn tôn trọng Chu Công, thường hỏi ông ta về chính sự.
          Có một lần sau khi thoái triều, Chu Thành vương cùng với em trai là Thúc Ngu 叔虞 đang trò chuyện. Trong nhất thời hứng khởi, Thành Vương hái một chiếc lá ngô đồng, xén thành hình ngọc khuê tặng cho Thúc Ngu, nói rằng:
          Ta phong cái này cho em.
          Thúc Ngu tưởng thật, đem việc ấy nói lại với Chu Công. Chu Công đến trước Thành Vương tâu rằng:
          Nghe nói vương thượng muốn phong Thúc Ngu, xin vương thượng mau chọn ngày tốt lập Thúc Ngu.
          Thành Vương bảo rằng;
          Ta chẳng qua nói đùa với Thúc Ngu mà thôi.
          Chu Công nói:
          Thần nghe nói, thiên tử không được nói đùa, bất cứ lời nói nào của thiên tử,  sử quan đều ghi chép lại. Nói năng không thận trọng, thất tín với người khác, sẽ mất đi nhân tâm.
          Thành Vương đành phải chọn ngày phong Thúc Ngu ở đất Đường . Đường là một nơi nằm ở phía đông Hoàng hà 黄河 và Phần thuỷ 汾水 vuông 100 dặm, vì thế xưng Thúc Ngu  là Đường Thúc Ngu.
          Từ đó, Thành Vương càng chăm nghe ý kiến bề tôi, đối với cử chỉ và lời nói của mình luôn thận trọng. Khi Thành Vương tại vị, xuất hiện cảnh tượng thái bình thịnh thế.

                                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 7/8/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
THIÊN TỬ VÔ HÍ NGÔN
天子无戏言
Trong quyển
TRUNG QUỐC THÀNH NGỮ CỐ SỰ TỔNG TẬP
中国成语故事总集
(tập 1)
Chủ biên: Đường Kì 唐麒
Trường Xuân – Thời đại văn nghệ xuất bản xã, 2004.
Previous Post Next Post