HIẾU THUẬN
Trong gia đình phong kiến Trung Quốc, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhân vì trong nền kinh tế tiểu nông một nhà một hộ, gia đình là một thực thể kinh tế, nó trực tiếp đảm nhận hai nhiệm vụ tái sản xuất, một là tái sản xuất đơn giản nông nghiệp và thủ công nghiệp, hai là tái sản xuất con người. Ý nghĩa kinh tế của tái sản xuất con người ở chỗ nó không ngừng cung cấp sức lao động cho sự sản xuất xã hội, khiến việc tiếp nối tái sản xuất giản đơn được bảo đảm. Trong xã hội phong kiến, con đường chủ yếu cho việc phát triển sản xuất không phải dựa vào việc cày sâu cuốc bẫm và việc nâng cao hiệu suất lao động, mà là việc đầu tư nhiều sức lao động cho ruộng đất, mở rộng quy mô tái sản xuất giản đơn. Cho nên các triều đại của các đời luôn xem việc tăng nhân khẩu là sự phồn vinh của đất nước, tiêu chí gia đình hưng vượng là thêm một nhân khẩu, tăng thêm một người làm ra của cải.
Trong cuộc sống xã hội, nhân khẩu đông cũng có ý nghĩa quan trọng. Gia đình đông con, mối liên hệ xã hội cũng tăng theo tương ứng. Con trai hoặc làm quan, hoặc đi làm ăn buôn bán, hoặc ở nhà làm nông, dựa vào sự nỗ lực của các con, gia đình càng thêm vinh hiển. Với con gái có thể kết mối thông gia với gia đình khác, tăng cường thế lực cho gia đình mình. Ngược lại, với gia đình ít con, đương nhiên thế đơn lực bạc, không chỉ mối quan hệ xã hội chật hẹp, mà chỗ dựa vào con cái của cha mẹ cũng ít. Lỡ gặp phải con cái mất sớm sẽ xuất hiện nguy cơ tài sản không ai kế thừa, hương hoả không ai tiếp tục. Cho nên trong xã hội phong kiến, những người làm cha mẹ đặc biệt chú trọng đến việc sinh con, xem việc sinh con là chuyện lớn hàng đầu trong việc xây dựng gia đình.. Vợ đích sinh được con, không chỉ địa vị tôn quý của mình được bảo đảm suốt đời, mà còn có thể nhận được sự sủng ái của chồng. Các người thiếp sinh được con, cũng có thể khiến địa vị của mình trong gia đình có sự thay đổi, chí ít cũng tránh được nỗi lo bị bán hoặc bị đuổi đi.
Cuối thời Xuân Thu, Khổng Tử 孔子 đã chỉ ra tính trọng yếu của mối quan hệ cha con. Tề Cảnh Công 齐景公 hỏi Khổng Tử về chính sự, Khổng Tử bảo rằng:
Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử.
君君, 臣臣, 父父, 子子
Có nghĩa là vua phải giữ đạo làm vua, bề tôi phải giữ đạo bề tôi, cha phải giữ đạo làm cha, con phải giữ đạo làm con, mỗi người phải căn cứ vào địa vị và thân phận của bản thân để quyết định hành vi của mình, có như vậy mới đạt được mục đích trị quốc trị gia. Nho học trước sau đem luân phụ tử đặt lên hàng đầu trong quy phạm nhân luân, thứ đến mới tới phu phụ, huynh đệ. Đời Hán, luân phụ tử được xếp vào một trong tam cương, chỉ sau quân thần.
Quy phạm đạo đức quan trọng nhất của đạo cha con là “hiếu” 孝, đây là chuẩn tắc hành vi của con cái đối với cha mẹ. Khổng Tử rất coi trọng chữ “hiếu”. Ông chủ trương:
Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ (1)
弟子入则孝, 出则悌
(Đệ tử trong nhà thì hiếu kính cha mẹ, ra ngoài thì thuận tùng sư trưởng)
Sự phụ mẫu năng kiệt kì lực
事父母能竭其力
(Thờ phụng cha mẹ nên hết lòng)
(Luận ngữ - Học nhi 论语 - 学而)
Hiếu kinh 孝经 đã xem “hiếu” là quy phạm luân lí và phạm trù triết học trọng yếu để tiến hành thuyết minh luân lí. Hiếu kinh chỉ ra rằng:
Phù hiếu, thiên chi kinh dã, địa chi nghĩa dã, dân chi hạnh dã.
夫孝, 天之经也, 地之义也, 民之行也
(Hiếu là kinh của trời, nghĩa của đất, hạnh của dân)
Dường như “hiếu” là sự thể hiện của thiên đạo ở chốn nhân gian. Đời Tống sau khi Lí học sản sinh, “hiếu” lại được phú cho tính triết học có hệ thống. Lí học gia đem “hiếu” cùng với bản nguyên tối cao của thiên địa vạn vật và “thiên lí” thực thể tinh thần liên hệ lại, làm bản tính của “thiên lí” – biểu hiện bên ngoài của “nhân” 仁. Khi "nhân" còn ở trong lòng chưa phát ra, bao dung cả phẩm tính đạo đức vốn có, sau khi đã phát ra, biểu hiện thành các loại hành vi, “hiếu” chính là hành vi trọng yếu nhất trong đó.
Nội dung cụ thể của “hiếu” vô cùng phong phú, nói một cách khái quát, ở mấy phương diện dưới đây.
- Đầu tiên: đối với cha mẹ, thuận tùng ý chí của cha mẹ, kế thừa di nguyện của cha mẹ. Khổng Tử bảo rằng:
Phụ tại, quan kì chí. Phụ một, quan kì hành, tam niên vô cải ư phụ chi đạo, khả vị hiếu hĩ. (2)
父在, 观其志, 父没观其行, 三年无改於父之道, 可谓孝矣.
(Khi cha còn sống thì xem xét chí hướng của cha, khi cha mất thì xem xét hành vi của cha, trong ba năm mà không thay đổi cái đạo của cha thì có thể gọi là hiếu vậy)
(Luận ngữ - Học nhi 论语 - 学而)
Trung dung 中庸 nói rằng:
Phù hiếu giả, thiện kế nhân chi chí, thiện thuật nhân chi sự giả dã.
夫孝者, 善继人之志, 善述人之事者也.
(Phàm người con có hiếu là người giỏi nối tiếp chí của cha, giỏi theo sự nghiệp của cha)
Hiếu kinh 孝经 cũng nhấn mạnh, thờ cha mẹ phải hết lòng cung kính. Chu Hi 朱熹 yêu cầu: đối với cơn giận của cha mẹ, con cái không nên đưa ra ý kiến phản đối, không nên tỏ thái độ bất mãn, mà là phải chịu đựng. Nói tóm lại, gọi là hiếu chính là thuận theo, cho nên người đời sau thường đem hai chữ “hiếu thuận” dùng chung.
- Thứ hai: trong cuộc sống phải quan tâm đến việc cha mẹ đau ốm bệnh tật, quan tâm đến việc ăn uống đi lại của cha mẹ, để cho cha mẹ luôn cảm nhận được sự yêu thương của con cái. Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương 朱元璋 trong Lập cực khai tịch thuỳ huấn 立极开辟垂训 nói rằng:
Hiếu thuận với cha mẹ, thấy được công ơn sinh dưỡng của cha mẹ suốt đời không thể báo đáp. Phàm là con phải hết lòng hiếu kính, khi cha mẹ ở nhà phải luôn vấn an, chăm lo bữa ăn, mùa đông làm ấm chiếu giường, mùa hạ làm mát chiếu giường, đó là hiếu vậy. Khi cha mẹ ốm đau phải luôn săn sóc, tự thân nếm thuốc, đó là hiếu vậy. Khi cha mẹ qua đời phải lo liệu quan quách, tẫn liệm tế táng, hết lòng theo đúng lễ, đó là hiếu vậy. Hiếu cần phải thuận theo. Phàm lời nói hành vi tốt xấu của cha mẹ, nhất nhất phải thuận tùng, không được làm trái lại đó mới gọi là hiếu.
- Thứ ba: thân thể của mình là do cha mẹ cho, để xứng đáng với thân thể ấy và cũng để cha mẹ không lo đến sự an nguy của bản thân mình, làm con phải biết yêu quý thân mình. Trong Đại Đới lễ kí – Tăng Tử bản hiếu 大戴礼记 - 曾子本孝 có ghi:
Hiếu tử bất đăng cao, bất lí nguy, ….. bất hứng hiểm hành dĩ kiểu hạnh.
孝子不登高, 不履危, ….. 不兴险行以徼幸
(Người con có hiếu không lên cao, không vào chỗ nguy, ….. không tuỳ hứng làm những việc nguy hiểm để cầu may)
Chỉ nên giao du với những người con có hiếu, tránh xa những kẻ hung bạo. Khi có việc ra ngoài không nên ở lâu, nếu không cha mẹ ở nhà sẽ lo lắng. Huỷ hoại thân thể hoặc mạo hiểm đều mang lại khổ đau cho cha mẹ, đó là cực đại bất hiếu. Chính vì điểm này mà Tôn Xước 孙绰 đời Tấn đã phản đối Phật giáo cạo đầu xuất gia.
- Thứ tư: cha mẹ đem việc nối tiếp nòi giống kí thác vào con cái. Làm con nếu như không sinh con trai để nối dõi, điều đó đồng nghĩa với tuyệt tự, đứt đoạn hương hoả. Cho nên không sinh con trai nối dõi chính là tội bất hiếu lớn nhất, còn nghiêm trọng hơn tội huỷ hoại thân thể. Mạnh Tử nói rằng:
Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại (3)
不孝有三, 无后为大
(Có ba tội bất hiếu, trong đó không có con trai nối dõi là tội lớn nhất)
“Từ” 慈 là quy phạm đạo đức thứ hai giữa cha mẹ và con cái. Đây là chuẩn tắc hành vi của cha mẹ đối với con cái. Chỉ có từ ái mới có thể khiến con cái cảm thấy gia đình được ấm êm, khơi dậy lòng hiếu kính của con cái đối với cha mẹ.
Nguyên tắc cơ bản của “Hiếu”, “Từ” quán xuyến “lễ của con cái” trong gia lễ phong kiến, những quy định hành vi giữa cha mẹ và con cái đều là sự thể hiện cụ thể nguyên tắc con cái hiếu kính cha mẹ, cha mẹ yêu thương con cái.
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Câu này trong nguyên tác là:
Dưỡng tử xuất tắc hiếu, nhập tắc đễ.
养子出则孝, 入则悌
Nay theo Tứ thư 四书 của NXB Hương Cảng Quảng Trí thư cục, xuất bản năm 1964 sửa lại.
(2)- Câu này trong nguyên tác là:
Phụ tại, quan kì chí. Phụ tử, quan kì hành, tam niên bất cải ư phụ chi đạo, khả vị hiếu hĩ. (2)
父在, 观其志, 父死观其行, 三年不改於父之道, 可谓孝矣.
Nay theo Tứ thư 四书 của NXB Hương Cảng Quảng Trí thư cục, xuất bản năm 1964 sửa lại.
(3)- Câu này trong Mạnh Tử - Li lâu thượng 孟子 - 离娄上.
Với câu đó, Triệu Kỳ (趙岐) đã chú rằng:
Vu lễ hữu bất hiếu giả tam sự
- Vị a ý khúc tùng, hãm thân bất nghĩa, nhất bất hiếu dã
- Gia bần thân lão, bất vi lộc sĩ, nhị bất hiếu dã
- Bất thú vô tử, tuyệt tiên tổ tự, tam bất hiếu dã.
于禮有不孝者三事:
- 謂阿意曲從, 陷親不義; 一不孝也
- 家貧親老, 不為祿仕; 二不孝也
- 不娶無子, 絕先祖祀; 三不孝也
(Đối với lễ có 3 điều bất hiếu:
- Thấy cha mẹ làm điều sai, đã không khuyên can mà còn thuận theo, đẩy cha mẹ vào chỗ bất nghĩa, đó là điều bất hiếu thứ nhất.
- Nhà nghèo cha mẹ đã già mà không chịu ra làm quan để dùng bổng lộc nuôi cha mẹ, đó là điều bất hiếu thứ hai.
- Không chịu lấy vợ, không có con trai nối dõi tổ tiên, đó là điều bất hiếu thứ ba)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 3/8/2012
Dịch từ nguyên tác Trung văn
THỪA THUẬN
CUNG HIẾU ĐÍCH THÂN TỬ LỄ
承顺
恭孝的亲子礼
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ
LỄ NGHI
中国民俗文化
礼仪
Chủ biên: Chu Ưng (朱鹰)
Trung Quốc xã hội xuất bản xã, năm 2005
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật