Dịch thuật: Thư viện thời Minh Thanh

THƯ VIỆN THỜI MINH THANH

          Thư viện thời Minh dần được hưng thịnh từ những năm Chính Đức 正德 (1506 – 1521), mãi đến những năm Gia Tĩnh 嘉靖 (1522 – 1566) mới phát triển mạnh. Từ giữa đời Minh trở đi, thư viện hưng thịnh chủ yếu do mấy nguyên nhân sau:
          - Hoạn quan chuyên quyền, sĩ đại phu ngoài nội khi giảng dạy ở thư viện đã phúng thích triều đình, bình luận nhân vật.
          - Quan học trở thành phụ dung của khoa học, một số sĩ đại phu theo đuổi nghiên cứu học thuật đã lập thư viện dạy học.
          - Sự khởi xướng của những học giả nổi tiếng như Trạm Nhược Thuỷ 湛若水, Vương Thủ Nhân 王守仁 (1), đã trực tiếp phát huy tác dụng đối với sự phát triển của thư viện.
          Trong số những thư viện đời Minh, thư viện có danh tiếng nhất và có ảnh hưởng lớn phải kể đến Đông Lâm thư viện 东林书院 (2). Đông Lâm thư viện lúc bấy giờ vừa là trung tâm văn hoá học thuật quan trọng vừa là trung tâm hoạt động chính trị trọng yếu, có địa vị đặc thù trong lịch sử phát triển thư viện cổ đại Trung Quốc.
          Loại hình thư viện đời Thanh dựa theo nội dung giảng dạy mà chia làm 4 loại:
          - Thư viện lấy việc coi trọng Lí học làm chính.
          - Thư viện lấy việc học tập chế nghệ (gọi chung “bát cổ văn”) làm chính.
          - Thư viện lấy việc học “kinh tế trí dụng” 经济致用 làm chính, phản đối việc học Lí học và thiếp quát (贴括)
          - Thư viện lấy việc học tập kinh sử từ chương làm chính.
          Với 4 loại thư viện nêu trên, loại thứ 2 là phổ biến nhất, loại thứ 4 tuy số lượng không nhiều nhưng học thuật của nó ảnh hưởng rất lớn, đã thúc đẩy tác dụng đối với sự phát triển tư tưởng học thuật đời Thanh, trong đó Hỗ kinh tinh xá 诂经精舍và Học hải đường 学海堂 (3) là nổi tiếng nhất. Thư viện thời Minh Thanh đã tạo ra bầu không khí học thuật lí luận từ điển thời Minh Thanh và thực tiễn nghiên cứu.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- TRẠM NHƯỢC THUỶ 湛若水 (1466 – 1560): tự Nguyên Minh 元明 hiệu Cam Tuyền 甘泉, người đời gọi ông là Cam Tuyền tiên sinh, người Tăng Thành 增城 (nay là trấn Tân Đường 新塘, thành phố Tăng Thành 增城, tỉnh Quảng Đông 广东). Ông là triết học gia, giáo dục gia, thư pháp gia triều Minh, người sáng lập Cam Tuyền tinh xá 甘泉精舍 (tiền thân của Cam Tuyền thư viện).
          Ông đậu nhị giáp Tiến sĩ khoa Ất Sửu  năm Hoằng Trị 弘治 thứ 18 (1505), làm quan đến Nam Kinh Thượng thư bộ Lễ, bộ Lại và bộ Binh, phong Thái Tử Thiếu bảo. Khi mất có tên thuỵ là Văn Giản 文简.
          Nguồn http://zh.wikipedia.org/wiki
VƯƠNG THỦ NHÂN 王守仁 (1472 – 1529): tự Bá An 伯安, hiệu Dương Minh Tử 阳明子, người đời gọi ông là Vương Dương Minh, người huyện Dư Diêu 余姚, phủ Thiệu Hưng 绍兴, thuộc Thừa tuyên Bố chính sứ ti tỉnh Triết Giang (nay là thành phố Dư Diêu, tỉnh Triết Giang). Ông là tư tưởng gia, giáo dục gia, thư pháp gia, triết học gia và là quân sự gia nổi tiếng thời Minh. Làm quan tới chức Nam Kinh Binh bộ Thượng thư, Nam Kinh Đô sát viện Tả đô ngự sử. Nhân vì có công nên được phong tước Tân Kiến Bá 新建伯. Khi mất có tên thuỵ là Văn Thành 文成. Niên hiệu Long Khánh 龙庆 ông được truy phong tước Hầu.
          Nguồn http://baike.baidu.com/view/26649.htm
(2)- ĐÔNG LÂM THƯ VIỆN 东林书院: tại Vô Tích 无锡, Giang Tô 江苏, còn có tên là Quy Sơn thư viện 龟山书院.
          Năm Chính Hoà 政和 đời Tống, học giả Dương Thời 杨时 đã đến ngụ cư nơi Vô Tích, lập trường để dạy học. Đến năm Chí Chính 至正 nhà Nguyên, phế bỏ lập thành am Đông Lâm. Khoảng thời Thành Hoá 成化 nhà Minh, quan Tư đồ Thiệu Bảo 卲宝 xây trường ở phía nam thành, có thờ Dương Thời cùng chư hiền; Thiệu Bảo cùng môn nhân là Hoa Vân 华云 dạy học nơi đó. Một thời gian dài rồi cũng bị phế bỏ. Năm Vạn Lịch 万历 thứ 32 (1604), hai anh em Cố Hiến Thành 顾宪成, Cố Doãn Thành 顾允成 đã dựng lại thư viện tại di chỉ cũ ở phía đông thành. Thư viện có 3 đường: Trung Hoà 中和, Lệ Trạch 丽泽, Y Dung 依庸. Trung Hoà đường thờ Khổng Tử. Bên trái thư viện có Đạo Nam từ 道南祠 thờ Dương Thời cũng chư hiền của hai triều Tống Minh. Cố Hiến Thành cùng Cao Phan Long 高攀龙, Tiền Nhất Bản 钱一本, Tiết Phu Giáo 薛敷教, Sử Mạnh Lân 史孟麟, Vu Khổng Kiêm 于孔兼 đều dạy học ở đó….
          Năm Vạn Lịch thứ 40 (1612), Cố Hiến Thành qua đời, Cao Phan Long kế nhiệm. Về tư tưởng học thuật, xa thì nối tiếp Dương Thời, gần thì theo Chu Tử, coi trọng thực học thực hành, sử gọi là Đông Lâm học phái. Thư viện đã kết hợp việc giảng dạy với đấu tranh chính trị, nghị luận việc được mất của triều chính, chỉ trích chỗ mạnh yếu của triều thần, đả kích Yêm đảng 阉党 chuyên quyền, yêu cầu cách tân chính trị, nhậm dụng hiền tài, giảm bớt gánh nặng cho dân, cải cách chế độ khoa cử bát cổ, “hưng giáo hoá, dục thiện tài” 兴教化, 育善才, biểu hiện hoài bão chính trị “lập chí cứu thế” 立志救世, “kiêm thiện thiên hạ” 兼善天下. Vì thế, thư viện không chỉ là trung tâm hoạt động giáo dục và học thuật mà còn là trung tâm dư luận chính trị có ảnh hưởng tương đối lớn. Thư viện đã đụng đến thế lực của Yêm đảng. Năm Thiên Khải 天启 thứ 5 (1625), Yêm đảng hạ lệnh “tước bỏ đảng tịch, phá huỷ các thư viện trong thiên hạ”. Nguỵ Trung Hiền 魏忠贤 giả thác thánh chỉ ban bố trong thiên hạ “Đông Lâm đảng nhân bang” 东林党人榜, người bị liên luỵ có đến hơn 300. Thư viện “đến mảnh ngói, khúc cây cũng không còn”, thậm chí cây cối trong sân thư viện cũng bị chặt sạch, đó là kiếp nạn lớn trong lịch sử thư viện Trung Quốc. Năm Sùng Trinh 崇祯 thứ 2 (1629), Ngô Quế Sâm 吴桂森 người Vô Tích đã xuất tiền xây lại Lệ Trạch đường tại di chỉ cũ, tấm biển đề “Đông Lâm tinh xá” 东林精舍. Năm thứ 6 (1633) lại trùng tu, nhưng “chưa thể trở lại nguyên trạng”. Thời Khang Hi 康熙, Tuần phủ Thang Bân 汤斌, Hùng Tứ Lí 熊赐履 nối tiếp nhau trùng tu. Vế sau đổi thành Đông Lâm lưỡng đẳng tiểu học 东林两等小学. Hiện nay là đơn vị văn vật cấp tỉnh được bảo hộ.
         ( Nguồn Trung Quốc thư viện từ điển 中國書院辭典, chủ biên: Quý Khiếu Phong 季啸风, Triết Giang giáo dục xuất bản xã, 1996.)
(3)- HỖ KINH TINH XÁ 诂经精舍: thư viện nổi tiếng thời Gia Khánh 嘉庆 nhà Thanh tại Hàng Châu 杭州, Triết Giang 浙江, do Tuần phủ Triết Giang là Nguyễn Nguyên 阮元 sáng lập vào năm Gia Khánh 嘉庆 thứ 6 (1801) tại Cô sơn 孤山 ở Tây hồ 西湖.
          Nguồn http://baike.baidu.com/view/736624.htm
HỌC HẢI ĐƯỜNG 学海堂: cũng là thư viện nổi tiếng thời Đạo Quang 道光 nhà Thanh tại Quảng Châu 广州 Quảng Đông 广东. Học hải đường do nhà Hán học nổi tiếng thời Càn Long Gia Khánh là Nguyễn Nguyên xây dựng vào năm Đạo Quang thứ 5 (1825) tại Việt Tú sơn 粤秀山 Quảng Châu sau khi ông đã xây Hỗ kinh tinh xá tại Hàng Châu (Theo Trung Quốc thư viện từ điển 中國書院辭典, Học hải đường được sáng lập vào năm Đạo Quang thứ 4 (1824).)
          Nguồn http://baike.baidu.com/view/736619.htm

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 11/7/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
MINH THANH ĐÍCH THƯ VIỆN
明清的书院
Trong quyển
TRUNG QUỐC TỪ ĐIỂN SỬ LUẬN
中国辞典史论
Tác giả: Ung Hoà Minh 雍和明
             La Chấn Dược 罗振跃
                      Trương Tương Minh 张相明
Bắc Kinh - Trung Hoa thư cục, 2006.
Previous Post Next Post