Dịch thuật: Ngự sử đài đời Đường

NGỰ SỬ ĐÀI ĐỜI ĐƯỜNG

          Ngự sử đài 御史台 là cơ quan giám sát tối cao của cả nước, đặt 1 Ngự sử đại phu 御史大夫, trật chính tam phẩm. Để phát huy hết chức năng giám sát của Ngự sử đài, năm Trinh Quán 贞观 thứ nhất quy định: Phàm là Trung thư 中书, Môn hạ 门下 cùng quan lại từ tam phẩm trở lên khi nhập các để nghị sự đều phải có gián quan 谏官 theo cùng, để nếu khi xảy ra trường hợp không thoả đáng sẽ tiến hành can gián. Địa vị của Ngự sử đài từ đó được nâng cao, có tác dụng nhất định đối với việc uốn nắn những quan lại vi phạm định chế.
          Về cấp quan thứ hai của Ngự sử đài, đầu đời Đường vẫn theo chế độ của nhà Tuỳ, gọi là Trị thư thị ngự sử trung thừa 治书侍御史中承. Khi Cao Tông Lí Trị 李治 lên ngôi, vì tránh Đế huý nên đổi gọi là Ngự sử trung thừa 御史中承, trật Chính ngũ phẩm trở xuống. Năm Long Sóc 龙朔 thứ 2 đời Cao Tông, đổi tên gọi Ngự sử đài thành “Hiến đài” 宪台. Năm Văn Minh 文明 thứ nhất đời Võ Hậu đổi Ngự sử đài thành “Túc chính đài” 肃政台. Năm Quang Trạch 光宅 thứ nhất, phân Tả Hữu đài 左右台, Tả đài tri bách ti 左台知百司, Giám quân lữ 监军旅; Hữu đài giám sát phong tục ở các châu huyện tỉnh.
          Trong Ngự sử đài lập 3 viện, tức Đài viện 台院, Điện viện 殿院, Sát viện 察院, do Thị ngự sử (Tùng lục phẩm trở xuống), Điện trung Thị ngự sử (Tùng thất phẩm trở lên), Giám sát ngự sử (Chính bát phẩm trở lên) đảm nhận chức vụ, hợp xưng là “Tam viện ngự sử” 三院御史. Trong đó Thị ngự sử 6 người, nắm giữ việc đàn hặc 弹劾bách quan, thôi cúc ngục tụng 推鞠狱讼, tri công giải tạp sự 知公廨杂事. “Thôi cúc ngục tụng” chính là thẩm vấn bị cáo, ở đây chủ yếu là xử án, tức vụ án mà Hoàng đế đích thân ra lệnh xử lí. “Đàn hặc” là dựa theo pháp quy hành chính của triều đình mà chỉ trích và tố cáo hành vi phạm pháp của quan lại. Còn “tri công giải tạp sự” là xử lí những sự việc thường ngày trong Đài. Chức vụ này thông thường do người có tư cách tương đối lớn đảm nhiệm, gọi là “Tạp đoan” 杂端, giám sát việc tiến cử danh sách quan viên lên hoàng thượng, mọi sự vụ trong Đài đều do người này chuyên quyết, cho nên còn được gọi là “Đài đoan” 台端. Năm Kiến Trung 建中 thứ nhất đời Đường Đức Tông, Thị ngự sử trực tiếp xử lí sự vụ trong Đài, quyền lực của “Tạp đoan” đã giảm thiểu.
          Tóm lại, Ngự sử của Tam viện cùng nắm giữ việc giám sát, nhưng mỗi người đều có phần việc chú trọng riêng, cấu thành một hệ thống giám sát nghiêm nhặt, được triều đình dùng để giám sát bách quan, nhằm củng cố hoàng quyền chuyên chính, cho nên bị mọi người gọi là “tai mắt của vua”. Những ghi chép về quan lại độc ác trong cả Tân Cựu Đường thư – Khốc lại truyện 唐书 - 酷吏传, đa phần đều là quan viên của Ngự sử đài hoặc đã từng giữ qua chức vụ ở Ngự sử đài. Đặc biệt là vào thời kì thống trị của Võ Hậu, việc thực hiện rộng rãi nền chính trị khốc lại và việc tăng cường Ngự sử đài là không thể tách rời.

                                                                      Huỳnh Chương Hưng
                                                                      Quy Nhơn 30/7/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
NGỰ SỬ ĐÀI
御史台
Trong quyển
ĐƯỜNG ĐẠI VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
唐代文化大观
Chủ biên: Lí Thiếu Lâm (李少林)
Nội Mông Cổ nhân dân xuất bản xã, 2006.
Previous Post Next Post