Dịch thuật: Miếu hiệu

MIẾU HIỆU

          Thời cổ, đế vương sau khi qua đời được lập thất thờ tự nơi Thái miếu, truy tôn là …..Tổ, ….. Tông, đồng thời lấy tên gọi đó đề nơi miếu thất, đó gọi là miếu hiệu 庙号.
          Miếu hiệu bắt đầu có từ đời Ân, như Thái Giáp 太甲 gọi là Thái Tông 太宗, Thái Mậu 太戊 gọi là Trung Tông 中宗, Vũ Đinh 武丁 gọi là Cao Tông 高宗.
          Từ đời Hán trở đi, vị hoàng đế đầu tiên của mỗi triều đại nhìn chung được gọi là Thái Tổ 太祖, Cao Tổ 高祖 hoặc Thế Tổ 世祖, các vị hoàng đế nối tiếp sau được gọi là Thái Tông 太宗, Thế Tông 世宗 … Ví dụ như Lưu Bang 刘邦 nhà Hán là Cao Tổ 高祖, Hán Văn Đế Lưu Hằng 刘恒 là Thái Tông 太宗, Hán Vũ Đế Lưu Triệt 刘彻 là Thế Tông 世宗. Triệu Khuông Dận 赵匡胤 nhà Tống là Thái Tổ 太祖, Triệu Quang Nghĩa 赵光义 là Thái Tông 太宗. Ái Tân Giác La Phúc Lâm 爱新觉罗福临 nhà Thanh là Thế Tổ 世祖, Ái Tân Giác La Huyền Diệp 爱新觉罗玄烨 là Thánh Tổ 圣祖, Ái Tân Giác La Dận Chân 爱新觉罗胤禛 là Thế Tông 世宗, Ái Tân Giác La Hoằng Lịch 爱新觉罗弘历 là Cao Tông 高宗.
          Hoàng đế lúc sinh tiền phải “có công” “có đức” mới được gọi là “Tổ” hoặc “Tông”. Từ đời Hán trở về trước, không phải mỗi vị hoàng đế đều có thể được truy tôn miếu hiệu, nhưng đến đời Đường, việc truy tôn miếu hiệu đã bị lạm dụng. Từ Đường Cao Tổ Lí Uyên 李渊 trở xuống, trừ Võ Tắc Thiên 武则天 đổi quốc hiệu là Chu ra không tính, còn lại 18 vị hoàng đế đều có miếu hiệu là “Tông”. Các đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh cũng đều như thế.
          Người xưa trong những trường hợp trang nghiêm trịnh trọng, khi gọi tên vị hoàng đế đã mất thường gọi thêm thuỵ hiệu sau miếu hiệu, đó gọi là “toàn hiệu” 全号. Như toàn hiệu của Hán Văn Đế là Thái Tông Hiếu Văn Hoàng Đế 太宗孝文皇帝, toàn hiệu của Hán Vũ Đế là Thế Tông Hiếu Vũ Hoàng Đế 世宗孝武皇帝.
          Truy hiệu 追号
          Tức thuỵ hiệu được truy phong. Nói một cách cụ thể đó là hoàng đế tại vị đặt thuỵ hiệu cho phụ thân hoặc tổ phụ của mình mà người đó chưa làm qua hoàng đế. Có 2 tình huống:
          - Truy tôn phụ thân. Trường hợp sớm nhất đương nhiên là thời Tây Chu, Chu Vũ Vương 周武王 (Cơ Phát 姬发) truy tôn phụ thân của mình (Cơ Xương 姬昌)  là Chu Văn Vương 周文王.
          - Truy tôn viễn tổ. Như vị hoàng đế thứ 3 của nhà Đường là Đường Cao Tông đã truy tôn viễn tổ của mình tổng cộng 19 đời, thậm chí còn truy tôn đến cả Lĩ Nhĩ 李耳 (1), tư tưởng gia thời Xuân Thu, cho rằng Lí Nhĩ là thuỷ tổ của mình. Lĩ Nhĩ được truy tôn là Thái Thượng Huyền Nguyên Hoàng Đế 太上玄元皇帝.


CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- LÍ NHĨ 李耳 (khoảng năm 571 đến  năm 471 trước công nguyên):
          Tức Lão Tử 老子, tự Bá Dương 伯阳, thuỵ hiệu là Đam (thời cổ chữ “lão” và chữ “lí” đồng âm; chữ “đam” và chữ “nhĩ” đồng nghĩa), người thôn Khúc Nhân 曲仁 làng Lệ , huyện Khổ nước Sở thời Xuân Thu (có thuyết cho là người ấp Lộc 鹿 tỉnh Hà Nam 河南; một thuyết khác cho là người Qua Dương 涡阳 tỉnh An Huy 安徽) Ông là nhà triết học, nhà tư tưởng và là người sáng lập học phái Đạo gia thời cổ Trung Quốc, danh nhân văn hoá thế giới, một trong một trăm danh nhân lịch sử thế giới. Võ Hậu thời Đường tôn ông là Thái Thượng Lão Quân 太上老君. Ông để lại tác phẩm Đạo đức kinh 道德经 còn gọi là Lão Tử 老子.
          Nguồn http://baike.baidu.com/view/62471.htm

                                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                                         Quy Nhơn 7/7/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
MIẾU HIỆU
庙号
Trong quyển
BÁT TỰ HÔN NHÂN HỌC
八字婚姻学
Tác giả: Vương Trạch Thụ 王泽树
Thanh Hải nhân dân xuất bản xã, 2005.
Previous Post Next Post