Dịch thuật: Trà Cửu khúc hồng mai

TRÀ CỬU KHÚC HỒNG MAI

          Trà Cửu khúc hồng mai 九曲红梅 gọi tắt là Cửu khúc hồng 九曲红, sản sinh ở thôn Hồ Phụ 湖埠 phía tây nam Hàng Châu 杭州 bên sông Tiền Đường 钱塘. Cửu khúc hồng mai cũng còn được gọi là Cửu khúc ô long 九曲乌龙. Tên gọi này rất có ý nghĩa, xuất phát từ một truyền thuyết phản ánh được nét đặc sắc về phẩm chất của lá trà. Truyền thuyết kể rằng: trước đây ở thung lũng Đại Ổ Sơn 大坞山 nơi sản sinh ra trà Cửu khúc hồng mai có một đôi vợ chồng già, gia cảnh vô cùng nghèo khổ. Khi họ bước vào tuổi già bỗng nhiên lại sinh được một đứa con trai, hai vợ chồng vui mừng như có được báu vật, đặt tên cho đứa bé là A Long 阿龙. A Long rất tuấn tú, vừa thông minh vừa lanh lợi, từ nhỏ đã thích nước. Một hôm, A Long đang vui đùa bên khe suối, trông thấy hai con tôm đang tranh hạt ngọc. Cảm thấy kì lạ, A Long vớt hạt ngọc lên và ngậm vào miệng vui mừng chạy về nhà. Trên đường về, do bởi không chú ý nên đã nuốt hạt ngọc. Sau khi đến nhà, toàn thân phát ngứa, nói mẹ tắm cho, vừa vào chậu nước, A Long liền hoá thành con rồng đen. Lúc bấy giờ trời đất tối sầm, sấm chớp nổi lên, mưa gió nổi lên, rồng đen nhe nanh giương vuốt nhảy vút lên không, bay ra khỏi nhà tiến vào khe, xuyên qua vách núi, vượt thung lũng bay đi xa. Hai ông bà trông thấy con biến thành rồng vừa thất vọng vừa đau buồn, khóc lóc chạy theo. Rồng đen quyến luyến song thân, không nỡ rời, cứ bay một đoạn, lại quay đầu nhìn, bay được 9 dặm, quay đầu lại nhìn 9 lần. Cứ như vậy những nơi mà rồng đen dừng lại hình thành một khe suối 9 khúc 18 chỗ cong. Sau khi rồng đen đi mất, hai ông bà càng thêm buồn, ngày mong đêm khóc. Rồng đen nhớ đến song thân, hàng năm sau tiết Thanh Minh về lại quê nhà một lần. Lúc đó, bên khe mưa to gió lớn, sóng cuộn dâng trào.
          Vùng đất ở Đại Ổ Sơn bên khe Cửu khúc trong truyền thuyết rất thích hợp với cây trà. Lá trà mà nơi đây chế biến ra cũng có hình dạng như rồng uốn cong, mọi người đều gọi là “Cửu khúc ô long”. Ngoại hình của trà Cửu khúc ô long cong và nhỏ như móc câu, phủ một lớp lông tơ vàng óng tươi láng, khi pha uống sắc nước hồng tươi giống hồng mai, cho nên mới gọi là Cửu khúc hồng mai.

                                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                             Quy Nhơn ngày 2 tháng 6 năm 2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
CỬU KHÚC HỒNG MAI
九曲红梅
Trong quyển
TRÀ DỮ TRUNG QUỐC VĂN HOÁ
茶与中国文化
Tác giả: Vương Quốc An 王国安, Yếu Anh 要英
Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2000.
Previous Post Next Post