Dịch thuật: Ẩn sĩ

ẨN SĨ

          “Ẩn sĩ” 隐士 là kẻ sĩ ẩn cư không ra làm quan. “Sĩ” tức phần tử tri thức, nếu không thì không gọi là ẩn cư. Không làm quan, không nổi tiếng, suốt đời làm nông dân ở nông thôn, hoặc buôn bán chốn giang hồ, hoặc đốn củi nơi rừng sâu, trải qua các đời đều có vô số những người ẩn cư như thế nhưng họ đều không được gọi là ẩn sĩ.
          Trong Từ hải 辞海 giải thích “ẩn sĩ” là:
Ẩn cư bất sĩ đích nhân (1)
隐居不仕的人
(Người ở ẩn không ra làm quan)
không nhấn mạnh đến “sĩ” , như vậy cũng là chưa chính xác. Trong Nam hải - Ẩn dật 南海 - 隐逸 ghi rằng:
          Ẩn sĩ “tu hàm trinh dưỡng tố, văn dĩ nghệ nghiệp. Bất nhĩ, tắc dữ phu tiều giả tại sơn, hà thù dị dã.”
          隐士须含贞养素, 文以艺业. 不尔, 则与夫樵者在山, 何殊异也.”
          (Ẩn sĩ là người “phải nuôi dưỡng kiên trinh tiết tháo, lấy văn chương làm nghiệp. Nếu không, thì có khác gì tiều phu trong núi.” )
          Hơn nữa, kẻ “sĩ” nói chung tuy ẩn cư nhưng sợ cũng chưa đủ để gọi là “ẩn sĩ”, cần phải là kẻ “sĩ” có danh tiếng, tức “người hiền”. Trong kinh Dịch có nói:
Thiên địa bế, hiền nhân ẩn (2)
天地闭, 贤人隐
(Trời đất bế tắc không tương giao, người hiền lui về ở ẩn)
Độn thế vô muộn (3)
遁世无闷
(Tránh thế tục mà không phiền muộn)
          Và:                                   Cao thượng kì sự (4)
高尚其事
(Giữ sự cao khiết)
đều là “hiền nhân ẩn”, không phải kẻ sĩ bình thường ẩn. Tức người có tài năng, có học vấn, có thể làm quan mà không ra làm quan mới gọi là “ẩn sĩ”. Trong Nam hải - Ẩn dật 南海 - 隐逸  nói rằng:
Giai dụng vũ trụ nhi thành tâm, tá phong vân dĩ vi khí.
皆用宇宙而成心, 借风云以为气
(Đều dùng vũ trụ mà thành tâm, mượn gió mây làm khí)
Vì vậy, “ẩn sĩ” không phải là hạng người bình thường.
          Giáo sư Trần Truyền Tịch 陈传席 của Đại học Sư phạm Bắc Kinh đã chia ẩn sĩ cổ đại Trung Quốc ra làm 10 loại:
- Hoàn toàn quy ẩn 完全归隐: Loại ẩn sĩ này quy ẩn theo đúng nghĩa, họ hoàn toàn không liên quan gì với loại làm quan mà ở ẩn, tức cho dù có thời cơ, có điều kiện hoàn cảnh, thậm chí triều đình cho người đến mời nhiều lần họ vẫn cự tuyệt không chịu ra làm quan, như Tông Bính 宗炳 nhà Tống thời Nam triều, Ngô Trấn 吴镇 đời Nguyên.
- Sĩ nhi hậu ẩn 仕而后隐 (làm quan rồi sau đó ở ẩn): Loại ẩn sĩ này ở Trung  Quốc rất nhiều. Lúc đầu làm quan, sau đó nhân vì bất mãn với quan trường cởi mũ về ở ẩn, nổi tiếng nhất là Đào Uyên Minh 陶渊明. Danh khí ẩn dật của ông thậm chí còn nổi tiếng hơn thơ. Nhưng giáo sư Trần Truyền Tịch cho rằng, Đào Uyên Minh sau khi quy ẩn đã biến thành “chân ẩn”.
- Bán sĩ bán ẩn 半仕半隐 (nửa quan nửa ẩn): Loại ẩn sĩ này trước tiên ra làm quan, sau đó không muốn làm, nhưng vì từ quan sẽ không bảo đảm được cuộc sống cho nên tuy vẫn làm quan nhưng không màng đến chính sự, sống một cuộc sống ẩn cư. Về danh phận tuy không phải là ẩn sĩ nhưng lại có tư tưởng ẩn dật, như Vương Duy 王维 thời Đường.
- Hốt sĩ hốt ẩn 忽仕忽隐 (lúc quan lúc ẩn): Như Vương Mông 王蒙 cuối đời Nguyên đầu đời Minh, Đổng Kì Xương 董其昌 cuối đời Minh đều trước tiên làm quan, sau đó ẩn cư, đợi đến lúc triều đình cho mời hoặc thời thế thuận lợi lại ra làm quan, về sau lại ẩn cư. Giáo sư Trần Truyền Tịch đánh giá những ẩn sĩ này không quả đoán, phức tạp, đồng thời cho rằng cách vẽ mà Vương Mông sáng tạo ra và cách dụng bút trong tranh của Đổng Kì Xương đều không rõ ràng, ám nhi bất minh, đều có liên quan đến tính cách của họ.
- Ẩn vu miếu đường 隐于庙堂 (ẩn nơi triều đình): loại ẩn sĩ này tuy làm quan, nhưng không đụng đến chính sự. Giáo sư Trần Truyền Tịch đánh giá loại này là theo sóng mà lướt, minh triết bảo thân, đặc biệt nguy hại cho đất nước.
- Tự ẩn thực giả 似隐实假 (như ở ẩn nhưng mà là giả): như ẩn sĩ Trần Kế Nho 陈继儒 đời Minh, tuy không làm quan nhưng thường giao thiệp với các quan, có người làm thơ châm biếm rằng:
Phiên phiên nhất chích vân gian hạc
Phi khứ phi lai Tể tướng gia
翩翩一只云间鹤
飞去飞来宰相家
Cánh hạc trong mây luôn bay lượn
Bay đi bay lại nhà Tể tướng
- Danh ẩn thực quan 名隐实官 (tiếng là ở ẩn nhưng thực là quan): như Đào Hoằng Cảnh 陶弘景 thời Nam triều, mọi người gọi ông là Đào ẩn sĩ, tuy ẩn cư trong núi nhưng đại sự chốn triều đình đều hỏi qua ông, nên ông cũng được gọi là “Sơn trung Tể tướng”. Loại ẩn sĩ như ông trên thực tế không có tư tưởng ẩn sĩ rõ nét, không làm quan chẳng qua là để được tự do.
- Dĩ ẩn cầu sĩ 以隐求仕 (ở ẩn để cầu quan): thông qua ẩn cư để triều đình chú ý, sau đó ra làm quan, tức cách mà gọi là “Chung Nam tiệp kính” 终南捷径 (đường tắt đến núi Chung Nam), như Lư Tàng Dụng 卢藏用 thời Đường sau khi thi đậu Tiến sĩ, đã ẩn cư ở núi Chung Nam phía nam Trường An đợi triều đình cho mời.  Về sau quả nhiên được mời với thân phận cao sĩ, giữ chức Tả thập di 左拾遗. Ông từng chỉ núi Chung Nam nói với bạn bè rằng:
Thử trung hữu gia xứ
此中有嘉处
(Trong đó có một nơi tốt đẹp)
- Vô nại nhi ẩn 无奈而隐 (không cách nào mới ẩn): loại ẩn sĩ này trên thực tế rất nhiệt tâm với thời cuộc, như Cố Viêm Vũ 顾炎武, Hoàng Tông Hi 黄宗羲 cuối đời Minh đầu đời Thanh. Họ “ẩn cư” chỉ là biểu thị sự bất hợp tác với vương triều nhà Thanh, thực tế là theo đuổi cuộc đấu tranh phản Thanh kịch liệt. Những người này cũng không phải là ẩn sĩ theo đúng nghĩa.
- Chân ẩn nhi sĩ 真隐而仕 (thực ẩn nhưng ra làm quan): loại ẩn sĩ này khi ẩn cư về cơ bản là thực ẩn, nhưng khi thời cơ đến thì rời khỏi núi, không có thời cơ thì ẩn dật. Như Y Doãn 伊尹 đời Thương, Lưu Cơ 刘基 đời Nguyên, và nổi tiếng nhất là Gia Cát Lượng 诸葛亮.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Từ điển Từ hải 辭海 bản hợp đính do Trung Hoa thư cục ấn hành, tái bản năm Dân quốc thứ 37 ở mục “ẩn sĩ” không có câu này. Không rõ ở bộ Từ hải nào.
(2)- Câu này ở phần văn ngôn của quẻ Khôn trong kinh Dịch.
(3)- Câu này ở phần văn ngôn của quẻ Càn trong kinh Dịch.
(4)- Câu này ở hào Thượng cửu của quẻ Cổ trong kinh Dịch.

                                                                      Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn ngày 20 tháng 6 năm 2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
ẨN SĨ
隐士
Previous Post Next Post