Dịch thuật: Mặc y phục không được để lộ cơ thể

MẶC Y PHỤC KHÔNG ĐƯỢC ĐỂ LỘ CƠ THỂ

          Năm Nguyên Sóc 元朔 thứ 3 thời Tây Hán (năm 126 trước công nguyên), Vũ An Hầu Điền Điềm 武安侯田恬 vì mặc áo ngắn vào triều mà bị xử tội bất kính. Đời Thanh quy định, phàm quan viên vào triều yết kiến hoàng đế, mùa Hạ không được mặc loại lượng sa 亮纱,
Ố kì kiến phu dã, dĩ thực địa sa đại chi, trí kính dã
恶其见肤也, 以实地纱代之, 致敬也
(Sợ thấy da thịt, thay bằng thực địa sa để tỏ lòng kính trọng)
                  (Thanh bại loại sao – Phục sức loại – Triều phục chi nghi kị 青稗类钞 - 服饰类 - 朝服之宜忌)
          Cho dù là ngày hè nóng bức cũng không được mặc loại cát sa 葛纱, chỉ lộ chút da thịt cũng bị cấm chỉ. Vi phạm quy chế này sẽ mang tội bất kính, nếu không mặc y phục, đó chính là sự sỉ nhục đối phương không gì lớn bằng. Trong Tam quốc diễn nghĩa 三国演义 hồi thứ 23, để làm nhục Nễ Hành 祢衡, Tào Tháo 曹操 sai Nễ Hành lên điện đánh trống cho mọi người thưởng thức. Nễ Hành trước mặt Tào Tháo đã cởi bỏ y phục để làm nhục lại, Tào Tháo tức giận vỗ án thét to:
Miếu đường chi thượng, hà thái vô lễ!
庙堂之上, 何太无礼!
(Nơi miếu đường sao vô lễ như thế!)
        Mặc áo ngắn vào triều đã là mang tội bất kính huống hồ loả thể, chẳng trách Tào Tháo nổi trận lôi đình.
         Ăn mặc không chỉ không được lộ cơ thể mà còn phải chỉnh tề. Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận 赵匡胤 nhà Bắc Tống, có một lần vào chiều tối cho mời Hàn lâm học sĩ Đào Nghị 陶毅 vào cung nghị sự. Khi Đào Nghị vào cung, thấy Tống Thái Tổ chỉ mặc nội y, mấy lần tiến vào rồi lại lui ra, quân hầu giục gấp, cuối cùng ông không vào. Thái Tổ phát hiện được lập tức sai người mang áo bào đến, Đào Nghị đợi Thái Tổ mặc xong bào phục mới tiến vào. Sở dĩ Đào Nghị chần chừ là do bởi ông ta tuân thủ lễ phép quân thần để Tống Thái Tổ không mất phong độ dung nghi và  tránh bối rối khi quân thần tương kiến. Hoàng đến ăn mặc chỉnh tề tiếp kiến quan viên cũng là để thể hiện sự kính trọng đối với bề tôi. Khoảng niên hiệu Thiên Thuận 天顺 triều Minh, Tiết Tuyên 薛瑄 vào triều, Anh Tông đang “mũ nhỏ áo ngắn, nghe tiên sinh tới tấu sự, vội đi thay áo dài” (Ngọc Đường tùng ngữ - 玉堂丛语, quyển 3) để biểu thị sự kính trọng. Sĩ đại phu khi giao tiếp, lại càng phải chú trọng cách ăn mặc để giữ nghi độ cho mình, không thất lễ. Anh Hoà 英和 đời Thanh xuất thân từ gia đình hàn lâm, một lần vào bái yết vị tiền bối Hàn lâm viện là Đậu Đông Cao 窦东皋, lúc bấy giờ đang là mùa nóng, hai người trong sảnh đường trò chuyện từ sáng sớm, “áo quần chỉnh tề ngồi ngay ngắn cả 2, 3 tiếng đồng hồ”, không ai cởi áo mặc dù “mồ hôi tuôn như mưa”, mãi đến trưa Anh Hoà mới cáo lui (Ân Phúc đường bút kí - 恩福堂笔记, quyển hạ).
          Thời cổ ở Trung Quốc, khi người thân qua đời phải mặc tang phục, cũng gọi là “xuyên hiếu” 穿孝. Nếu quan hệ với người đó càng gần thì thời gian xuyên hiếu càng dài. Với cha mẹ, thời gian để tang là 3 năm. Trong thời gian mặc tang phục, khi gặp người có địa vị thân phận cao quý thì phải cởi bỏ áo tang, như trong Hồng lâu mộng 红楼梦 hồi thứ 14, phủ Ninh tổ chức lễ tang cho Tần Khả Khanh 秦可卿, trên đường gặp Bắc Tĩnh Quận Vương 北静郡王 muốn gặp Giả Bảo Ngọc 贾宝玉, Giả Chính 贾政 “vội về gọi Bảo Ngọc cởi bỏ tang phục, dẫn đến gặp Bắc Tĩnh Quận Vương”. Trong thời kì mặc tang phục không được giao tiếp ứng thù với xã hội, người ngoài khi đi phúng điếu người mất, phải mặc áo trắng, tránh mặc những y phục có màu sắc rực rỡ loè loẹt.

                                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn ngày 18 tháng 6 năm 2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
XUYÊN Y THIẾT KỊ LỘ HÌNH THỂ
穿衣切忌露形体
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ
LỄ NGHI
中国民俗文化
礼仪
Chủ biên: Chu Ưng (朱鹰)
Trung Quốc xã hội xuất bản xã, năm 2005
Previous Post Next Post