Dịch thuật: Lai lịch các xưng hiệu của Bao Chửng

LAI LỊCH CÁC XƯNG HIỆU CỦA BAO CHỬNG

          Bao Chửng 包拯 là nhân vật có thật trong lịch sử Trung Quốc. Ông sinh năm 999, mất năm 1062, tự Hi Nhân 希仁, người Hợp Phì 合肥 Lư Châu 庐州 thời Bắc Tống, nay là huyện Hợp Phì tỉnh An Huy. Thời Tống Nhân Tông, ông nhậm chức Giám sát ngự sử 监察御史, sau thăng Thiên Chương các đãi chế 天章阁侍待制, Long Đồ Các Trực học sĩ 龙图阁直学士.
          Bao Chửng lúc làm quan, chấp pháp nghiêm minh, không sợ quyền uy, xử qua nhiều vụ án, được mọi người xem là vị quan thanh liêm. Qua tiểu thuyết và hí kịch, tên tuổi Bao Chửng đã vang xa, được người đời tôn sùng.
          Trong hí kịch truyền thống, Bao Chửng được gọi là Bao Long Đồ 包龙图, Bao Hắc Tử 包黑子, Bao Văn Chính 包文正. Những xưng hiệu này đều có lai lịch, nhưng đều là truyền thuyết, rất khó khảo chứng.
          Theo truyền thuyết, danh xưng “Bao Long Đồ” là do sự kiện hoàng đế Tống Nhân Tông vẽ chân dung của ông mà ra. Tống Nhân Tông rất thích vẽ tranh, đặc biệt là vẽ chân dung. Bao Chửng từng giúp mẹ con Tống Nhân Tông đoàn viên, nên Nhân Tông rất cảm kích, thêm vào đó Bao Chửng là vị quan thanh liêm, nhiều lần phá án, Nhân Tông quyết định tự mình vẽ chân dung Bao Chửng để thể hiện sự khen tặng đặc biệt. Bức hoạ bán thân vì do hoàng đế vẽ nên gọi là “long đồ” 龙图. “Long đồ” không thể treo một cách tuỳ tiện cho nên Nhân Tông lại cho xây một toà các, đem bức “long đồ” treo nơi ấy, vì thế toà các đó được gọi là “Long đồ các”. Về sau lại phong cho Bao Chửng là “Long Đồ Các Đại học sĩ”. Từ đó có chức quan “Long Đồ Các”.
          Với danh xưng “Bao Hắc Tử” có 2 thuyết:
          - Trong hí kịch, toàn thân Bao Chửng là một màu đen: đầu đen, mặt đen, y phục cũng đen. Trong Tam hiệp ngũ nghĩa 三侠五义, lúc Bao Chửng mới chào đời đã đen, lên 7 tuổi được đặc tên là “Hắc Tử” 黑子, sau gọi là “Hắc Tam” 黑三, cho nên trong dân gian đã có cách gọi là “Bao Hắc Tử”.
          - Một thuyết khác có nguồn gốc từ câu chuyện trong Mộng Khê bút đàm 梦溪笔谈. Chuyện kể rằng: vùng Chương Châu 漳州 có một con suối gọi là Ô cước khê 乌脚溪, ai đặt chân xuống đó lúc giở chân lên đều trở nên đen cả. Một ngày nọ, Long Đồ Các Đại học sĩ Mai Công Nghi 梅公仪 tức “Mai Long Đồ” 梅龙图 đi qua Ô cước khê, không may té xuống nước, khi trở lên “cả người đen như mực”. Về sau, người viết kịch đã đem “Mai Long Đồ” trong câu chuyện này chuyển sang “Bao Long Đồ”, miêu tả “Bao Long Đồ” thành “Bao Hắc Tử”. Thực tế màu da của Bao Chửng cũng giống như mọi người, không giống như trong hí kịch và trong chuyện đã miêu tả. Sở dĩ mọi người miêu tả như thế là do bởi họ cho rằng màu đen tượng trưng cho sự cương trực không biết khuất phục, đại biểu cho uy nghiêm và thiết diện vô tư, hợp với thân phận và tinh thần của Bao Chửng. Mọi người gọi ông là “Bao Hắc Tử” cũng là để khen ngợi Bao Chửng.
          Về cách gọi “Bao Văn Chính” cũng là người đời sau khen tặng. Trong Thất hiệp ngũ nghĩa 七侠五义 viết rằng:
          Ninh lão tiên sinh ….. cấp Bao Công khởi liễu nhất cá quan danh. Nhất cá ‘Chửng’ tự, thủ ý tương lai khả chửng dân vu thuỷ hoả chi trung, khởi tự ‘Văn Chính’, thủ kì ‘văn’ dữ ‘chính’, khởi bất thị ‘chính’ tự ma, ngôn kì tương lai lí quốc chính, tất vi trị thế lương thần chi ý.
          宁老先生 ….. 给包公起了一个官名. 一个, 取意将来可拯民于水火之中, 起字文正取其’, 岂不是字么, 言其将来理国政, 必为治世良臣之意.
          (Lão tiên sinh họ Ninh …. đặt cho Bao Công một cái tên. Tên ‘Chửng’, lấy ý tương lai sẽ cứu vớt dân từ trong nước lửa, tự là ‘Văn Chính’, chữ ‘văn’ và chữ ‘chính’ hợp lại há chẳng phải là chữ ‘chính” sao, ý nói tương lai khi làm chính sự sẽ là một bề tôi giỏi trong đời thịnh trị.)
          Bao Chửng vốn có tên tự là Hi Nhân 希仁, trong tiểu thuyết lại đổi là “Văn Chính” 文正, ấy là để ca ngợi ông, trong hí kịch cũng dùng cách này.
          Tên gọi này còn có một thuyết khác liên quan đến Phạm Trọng Yêm 范仲淹, danh thần thời Bắc Tống. Phạm Trọng Yêm có tên tự là Hi Văn 希文, thuỵ là Văn Chính 文正, tên tự của Bao Chửng là Hi Nhân 希仁 chỉ khác một chữ so với tên tự của Phạm Trọng Yêm. Phạm Trọng Yêm lúc bấy giờ là vị đại thần có chính tích nổi bật, danh tiếng cực cao. Để đề cao hình tượng và danh tiếng Bao Chửng, người ta đã đem tên thuỵ của Phạm Trọng Yêm chuyển sang cho Bao Chửng, gọi Bao Chửng là “Bao Văn Chính”.

                                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                     Quy Nhơn ngày 16 tháng 6 năm 2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
BAO CHỬNG “BAO LONG ĐỒ” ĐẲNG
XƯNG HIỆU ĐÍCH LAI LỊCH
包拯包龙图等称号的来历
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả: Trương Tráng Niên (张壮年)
            Trương Dĩnh Chấn (张颖震)
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, 2005.
Previous Post Next Post