Dịch thuật: Hoàng Hạc lâu

HOÀNG HẠC LÂU

          Hoàng Hạc lâu (黄鹤楼) cao vút đứng bên Xà sơn (蛇山), huyện Vũ Xương (武昌) tỉnh Hồ Bắc (湖北), vốn ban đầu là ở ghềnh Hoàng Hạc (黄鹤) thuộc Xà sơn. Nguyên trước đây, nơi này là quán rượu của một người họ Tân (). Truyền thuyết kể rằng: để cám ơn lòng tốt của người chủ quán họ Tân, một vị đạo sĩ nọ trước khi ra đi đã vẽ trên vách một con chim hạc và nói rằng chim hạc này có thể bay xuống múa giúp vui. Kể từ đó quán ngày càng đông khách, buôn bán ngày càng thịnh vượng. Qua một năm, vị đạo sĩ đó trở lại, lấy sáo thổi lên một khúc nhạc, rồi sau đó cưỡi hạc vàng bay lên trời. Để kỉ niệm vị đạo sĩ đã giúp mình, chủ quán họ Tân liền cất lên một toà lầu đặt tên là “Hoàng Hạc lâu”.
          Những điều kể trên đương nhiên chỉ là truyền thuyết thần thoại. Vào thời Tam quốc, toà lầu được xây dựng đầu tiên là do nhu cầu quân sự, nhưng dần về sau trở thành thắng cảnh, văn nhân kéo đến họp bạn, tổ chức yến tiệc, làm thơ. Danh nhân các đời như Thôi Hiệu (崔颢), Lí Bạch (李白), Bạch Cư Dị (白居易), Giả Đảo (贾岛), Hạ Tủng (夏竦), Lục Du (陆游) … trước sau đều đến nơi đây ngâm thơ làm phú.
          Hoàng Hạc lâu được xây dựng vào năm Hoàng Vũ (黄武) thứ 2 nhà Ngô thời Tam quốc (năm 223), đến năm Vĩnh Thái (永泰) thứ 1 nhà Đường (năm 765) Hoàng Hạc lâu đã có quy mô to lớn. Nhưng binh lửa liên miên gần 2000 năm, nhiều lần trùng tu nhiều phen hư hại , chỉ riêng 2 đời Minh Thanh bị hư hại đến 7 lần, lần cuối cùng bị một trận hoả tai vào năm Quang Tự (光绪) thứ 10 đời Thanh (năm 1884), và sau đó đã xây lại và duy tu đến 10 lần.
          Hoàng hạc lâu thời cổ có 3 tầng, cao 9 trượng 2 xích (1), thêm đỉnh bằng đồng cao 7 xích, tầng đáy mỗi bề rộng 15m. Dạo ở các tầng, cảnh sắc của dòng sông và của thành phố đều thu vào tầm mắt.
          Tháng 10 năm 1981, công trình trùng tu Hoàng Hạc lâu được khởi công, tháng 6 năm 1985 thì hoàn thành, lấy mô hình toà lầu thời Đồng Trị (同治) làm gốc, nhưng cao lớn hùng vĩ hơn. Sử dụng kết cấu bê tông cốt thép mô phỏng theo, gồm 5 tầng mái, đỉnh nhọn lợp ngói lưu li vàng, cao 51.4m, tầng đáy mỗi cạnh rộng 30m, tầng trên cùng mỗi cạnh rộng 18m. Tầng đầu tiên là một đại sảnh rộng lớn, vách chính giữa là một bức bích hoạ lớn bằng gốm sứ hình  “Bạch vân hoàng hạc” (白云黄鹤), hai trụ hai bên treo 2 câu đối dài khoảng 7m:
Sảng khí tây lai, vân vụ tảo khai thiên địa hám
Đại giang đông khứ, ba đào tẩy tịnh cổ kim sầu
爽气西来, 云雾扫开天地撼
大江东去, 波淘洗净古今愁
(Làn khí mát từ hướng tây thổi tới, mây mù quét sạch, đất trời rung chuyển
Sông lớn chảy về hướng đông, ba đào rửa hết nỗi buồn kim cổ)
          Trên bức tường chính diện của đại sảnh tầng 2 có khắc bài Hoàng Hạc lâu kí (黄鹤楼记) của Diêm Bá Cẩn (阎伯瑾) đời Đường trên đá hoa cương, bài kí thuật lại quá trình hưng phế của lầu cùng những dật sự về các danh nhân. Hai bên cầu thang là 2 bức bích hoạ, một bức là “Tôn Quyền trúc thành” (孙权筑城 – Tôn quyền xây thành), bức kia là “Chu Du thiết yến” (周瑜设宴 – Chu Du đãi yến). Bức bích hoạ ở đại sảnh tầng 3 là hình các danh nhân thời Đường Tống, như Thôi Hiệu, Lí Bạch, Bạch Cư Dị … cùng trích lục những danh cú của họ ngâm vịnh về Hoàng Hạc lâu. Đại sảnh tầng 4 dùng bình phong ngăn cách thành những phòng nhỏ, bên trong bố trí những bức thư pháp của các danh nhân đương đại để du khách thưởng lãm hoặc mua làm kỉ niệm. Đại sảnh tầng trên cùng là bức bích hoạ cùng tranh cuộn dài vẽ về “Trường giang vạn lí đồ” (长江万里图). Bên ngoài Hoàng Hạc lâu còn có một số kiến trúc phụ như bảo tháp, đình các, hành lang. Những kiến trúc phụ này đã tô điểm thêm vẻ tráng lệ cho toà lầu chính. Lên lầu nhìn ra xa, không chỉ thấy Trường giang cuồn cuộn chảy đến mà phong cảnh của tam trấn cũng thu vào tầm mắt.
          Hình dáng Hoàng Hạc lâu từ lúc khởi đầu đến nay, tuy trải qua các triều đại có khác nhau nhưng đều cao lớn hùng vĩ, sánh cùng Nhạc Dương lâu (岳阳楼), Đằng Vương các (滕王阁). Thiết kế bình diện của Hoàng Hạc lâu là tổ hợp 4 mặt 8 bên gọi là “tứ diện bát phương”. Những con số này cho thấy tính tượng trưng và công năng lí luận biểu ý về số trong văn hoá kiến trúc Trung Quốc. Nhìn từ hướng dọc của lầu, hàng mái của các tầng liên quan trực tiếp đến tên của lầu, hình dáng giống hạc vàng đang vươn cánh như muốn bay lên. Chỉnh thể cả toà lầu hùng vĩ vô cùng tinh xảo, đầy ý vị và mĩ cảm.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Trượng () và xích () của các triều đại có khác nhau.
          - Thời Tam quốc là:
         1 trượng = 10 xích, 1 xích = 10 thốn, 1 thốn = 10 phân  (1 xích = 24.1cm)
          - Hiện đại là:
         1 trượng = 10 xích, 1xích = 10 thốn, 1thốn = 10 phân (1 xích = 33.33 cm)

                                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                                  Quy Nhơn ngày 22 tháng 5 năm 2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
HOÀNG HẠC LÂU
黄鹤楼
Trong quyển
TRUNG QUỐC VĂN MINH KÌ TÍCH
中国文明奇迹
Chủ biên: Mặc Nhân (墨人)
Trung Quốc hí kịch xuất bản xã, 2006.
Previous Post Next Post