Dịch thuật: Những danh xưng do Tôn Trung Sơn đặt

NHỮNG DANH XƯNG
DO TÔN TRUNG SƠN ĐẶT

          Ngày 11 tháng 11 năm 1989, tại buổi lễ kỷ niệm 124 năm ngày sinh của Tôn Trung Sơn (孙中山) được tổ chức tại Đài Bắc, Tưởng Vĩ Quốc (蒋纬国) đã nói ra một chi tiết trước đây mà rất ít người biết đến. Đó là tên của ông và tên của Tưởng Kinh Quốc (蒋经国),  Đới An Quốc (戴安国), Kim Định Quốc(金定国) đều do Tôn Trung Sơn đặt cho. Theo ông, đến nay Tưởng Kinh Quốc, Đới An Quốc đã qua đời, còn Kim Định Quốc thì bặt vô âm tín. Họ đã kết bạn từ lúc còn nhỏ, trải qua nửa thế kỷ sóng gió hiện chỉ còn lại một mình ông.
          Tưởng Kinh Quốc và Tưởng Vĩ Quốc là con của Tưởng Giới Thạch (蒋介石). Đới An Quốc là con của Đới Quý Đào (戴季陶), còn Kim Định Quốc là con của Kim Tụng Bàn (金诵盘). Tưởng Giới Thạch, Đới Quý Đào, Kim Tụng Bàn đều là bộ hạ thân tín của Tôn Trung Sơn. Thời gian đầu bắc phạt, thế lực của quân phiệt Bắc Dương rất mạnh. Tôn Trung Sơn hy vọng những bộ hạ của ông luôn đoàn kết,lật đổ đám quân phiệt thống trị, cùng nhau hoàn thành nghiệp lớn.
          Có một lần Tôn Trung Sơn cho mời Tưởng Giới Thạch, Đới Quý Đào, Kim Tụng Bàn đến để bàn công việc, Tôn Trung Sơn đã khuyên họ nên gắn bó với nhau như một nhà. Đới Quý Đào nhận thấy tấm chân tình của Tôn Trung Sơn nên đề xuất ý kiến nhờ ông đặt lại tên cho các con của họ. Tôn Trung Sơn vui vẻ nhận lời. Mấy ngày sau, Tôn Trung Sơn cho biết là đã đặt xong.
          Tôn Trung Sơn bảo rằng: “Thế hệ chúng ta khởi nghĩa dẹp yên thiên hạ,   xây dựng một nước cộng hoà, thế thì tên các cháu phải là chữ “Quốc”. Mục đích của việc xây dựng chế độ cộng hoà là mong cho thiên hạ đại đồng. Ta thấy tên của bốn cháu lấy bốn chữ “Kinh, Vĩ, An, Định” là tốt nhất.” Vì thế bốn người con của Tưởng Giới Thạch, Đới Quý Đào, Kim Tụng Bàn theo tuổi tác lần lượt gọi là Tưởng Kinh Quốc, Tưởng Vĩ Quốc, Đới An Quốc và Kim Định Quốc.
          Kim Tụng Bàn xuất thân từ một gia đình danh y. Bản thân Kim Tụng Bàn cũng là một bác sĩ nổi tiếng, ông từng mở một bệnh viện tư ở Thượng Hải, Tôn Trung Sơn thường đến khám bệnh ở đây. Khi trường quân sự Hoàng Phố (黄浦) được thành lập, Tôn Trung Sơn đã mời ông làm trưởng phòng y tế của trường.  Cuộc kháng chiến chống Nhật bùng nổ, ông giữ chức bộ trưởng Bộ Y tế. Năm 1938, ông đại diện cho chính phủ quốc dân Trùng Khánh đến thăm hỏi Bát lộ quân ở Diên An, được Mao Trạch Đông (毛泽东) Chu Ân Lai (周恩来) nhiệt tình tiếp đãi. Kim Định Quốc là con một của Kim Tụng Bàn. Sau khi đất nước được giải phóng, hai cha con ông ở lại đại lục không sang Đài Loan.
          Những năm 50, Kim Định Quốc nhận làm gia công cho một xưởng mạ điện ở Thượng Hải, tay nghề ông rất cao. Năm 1963, xưởng chế tạo xe hơi Giang Hoài sáng lập, ông được điều lên phân xưởng xử lí nhiệt. Năm 1980 nghỉ hưu, sống luôn tại Hợp Phì (合肥), An Huy(安徽). Do bởi ông đổi tên là Kim Miễn Chi (勉之) cho nên không ai biết được thân thế.
          Sau khi những lời phát biểu tưởng nhớ về tình bạn của Tưởng Vĩ Quốc trong buổi lễ kỷ niệm ngày sinh của Tôn Trung Sơn được đăng trên “Tân dân vãn báo” (新民晚报) ở Thượng Hải, các ngành có liên quan đã cố gắng tìm tung tích của Kim Định Quốc nhưng đều không có kết quả. Về sau người con dâu của Kim Định Quốc là Chu Tú Anh (朱秀英) gửi thư đến toà soạn, cho biết Kim Định Quốc  vẫn khoẻ mạnh và đã đổi tên là Kim Miễn Chi, hiện đang sống tại Hợp Phì, An Huy. Nhờ đầu mối này, cuối cùng mọi người cũng đã tìm được Kim Định Quốc, lúc bấy giờ ông đã 74 tuổi nhưng vẫn còn khoẻ. Tin này truyền đến Tưởng Vĩ Quốc ở Đài Loan, Tưởng Vĩ Quốc vô cùng vui mừng lập tức viết thư gửi cho ông đồng thời gửi kèm một tấm ảnh màu của mình, tự tay đề mấy dòng lưu tặng: “Định Quốc, lần đầu biết được tin, gửi làm kỷ niệm muôn dặm kiếm tìm.” Trong buổi trả lời các ký giả, Kim Định Quốc đã cho xem tấm hình của Tưởng Vĩ Quốc, cảm động nói rằng: “Tuy 43 năm xa cách, nhưng tấm lòng anh em vẫn tương thông. Sự tiếp xúc giữa hai bờ eo biển ngày càng tăng, đất nước thống nhất là nguyện vọng của mỗi người dân Trung quốc. Rất mong anh Vĩ Quốc cố gắng, tôi cũng góp một phần công sức nhỏ bé của mình.”
          Sau khi Uỷ ban và chính quyền tỉnh An Huy biết được tin Kim Định Quốc sống tại Hợp Phì, vô cùng trân trọng, lập tức bố trí sắp xếp thoả đáng nơi ở, mua mới cho ông một căn nhà, giúp ông khôi phục lại tên cũ là Kim Định Quốc, đồng thời còn mời ông làm cố vấn cho chính quyền tỉnh An Huy.

                                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                                           Quy Nhơn, tháng 4/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
“KINH QUỐC”, “VĨ QUỐC”, “AN QUỐC”, “ĐỊNH QUỐC”
THỊ TÔN TRUNG SƠN CẤP KHỞI ĐÍCH NHẤT TỔ DANH TỰ
经国”, “纬国”, “安国” “定国是孙中山给起的一组名字
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả:  Trương Tráng Niên  (张壮年)
               Trương Dĩnh Chấn  (张颖震)
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005



Previous Post Next Post