Dịch thuật: Đông chí có phải là tiết nhật

 

ĐÔNG CHÍ CÓ PHẢI LÀ TIẾT NHẬT

Đông chí có phải là một tiết nhật

          Đông chí 冬至 là một trong 24 tiết khí, cũng gọi là “Đông tiết” 冬节 “Hạ đông” 贺冬. Có thuyết cho rằng, Đông chí vừa là tiết khí, vừa là tiết nhật, vào đời Chu chính là nguyên đán năm mới, từng là một ngày vô cùng náo nhiệt.

          Trong cổ tịch dường như có thể tìm thấy Đông chí là bằng chứng của tiết nhật. Có sách chép:

          Đông chí dương khí khởi, quân đạo trưởng, cố hạ ....

          冬至阳气起, 君道长, 故贺 .....

          (Đông chí khí dương dần dần tăng trưởng, cho nên chúc mừng ....)

          Chính là nói lúc ban đầu mọi người ăn Đông chí là để chúc mừng năm mới đến.

          Xem Đông chí là tiết nhật bắt nguồn từ thời Hán, thịnh vào thời Đường Tống. Nhưng tháng Giêng theo Chu lịch là tháng 11 theo Hạ lịch, nhân đó, tháng Giêng của triều Chu đồng với tháng 11 hiện nay, bái tuế và mừng đông kì thực sự phân biệt không lớn.

          Nhưng, cũng có học giả cho rằng, nghiêm túc mà nói, Đông chí chưa phải là một tiết nhật. Chuyên gia về dân tục Vương Quyên 王娟 nói rằng, “tiết khí này xuất hiện rất sớm, phương thức chúc mừng xuất hiện cũng tương đối sớm, nhưng nó hoàn toàn không thể đơn giản cho là tiết nhật mà hiện nay chúng ta nói.”

          Thời cổ nhiều hoạt động trọng yếu đều cử hành tại Đông chí, nội dung tương đối phong phú, nhưng địa phương khác nhau phương thức chúc mừng cũng khác nhau, tính sai dị tương đối lớn. Vương Quyên giải thích rằng, hoạt động dân tục theo tập quán đại khái có trưởng bối tặng giày, “số cửu” (1), vẽ tranh “Tiêu hàn đồ” 消寒图.

          Vương Quyên cũng nói rằng, “Có cách nói Đông chí tế Khổng Tử, có điển lễ long trọng, nhưng đây cũng không phải là hoạt động chúc mừng mang ý nghĩa phổ biến. Cho nên Đông chí cùng với tiết nhật truyền thống mà ngày nay chúng ta nói là khác nhau.”

Đông chí là “Á tuế”

          Gác qua thảo luận Đông chí không phải là tiết nhật, trong 24 tiết khí, Đông chí quả thực là sự tồn tại đặc biệt. Nó ở vào thời điểm khí âm dâng cao, khí dương phát sinh, cũng là khởi điểm của 24 tiết khí mà truyền thống đã tính toán.  Trong quan niệm của người xưa, Đông chí ở vào lúc thời tiết cũ mới thay thế nhau, đương nhiên cũng có ý nghĩa văn hoá không phải tầm thường. Nhiều tập tục trong tiết tục Đông chí, nội dung nghi thức có nguồn gốc từ chỗ mọi người cảm thụ đối với thời tiết này. Trong Hậu Hán thư 后汉书 có chép:

          Đông chí tiền hậu, quân tử an thân tĩnh thể, bách quan tuyệt sự, bất thính chính, trạch cát thần nhi hậu tỉnh sự.

          冬至前后, 君子安身静体, 百官绝事, 不听政, 择吉辰而后省事

          (Trước và sau tiết Đông chí, quân tử an thân tĩnh thế, bách quan không làm việc, không nghe việc triều chính, chọn giờ tốt để tỉnh sự)

          Vào ngày này trên dưới trong triều đều nghỉ, vui chơi tiết nhật “an thân tĩnh thể”. Về sau tập tục thường tế tổ vào tiết xuân, gia đình tụ tập lại ... cũng thường xuất hiện vào Đông chí. Có dạo Đông chí được xem gọi là “Tiểu niên” 小年, đủ thấy tính quan trọng của nó. Thời Nguỵ Tấn Lục Triều, Đông chí gọi là “Á tuế” 亚岁, dân chúng hướng đến phụ mẫu bậc trưởng bối chúc mừng. từ đời Tống về sau, Đông chí dần trở thành một hoạt động tiết khánh tế tự tổ tiên và thần linh. Trong dân gian, quy mô tế tổ nhỏ đi rất nhiều, điều mà người ta càng tuân tùng là một số tập tục thích ứng với tình hình, như ăn vằn thắn, cơm đậu đỏ ...

Tiết khí mĩ thực, không chỉ thoả mãn vị giác

          “Bách lí bất đồng phong, thiên lí bất đồng tục” 百里不同风, 千里不同俗, ý nghĩa Đông chí đối với mọi người cũng không chỉ đơn giản là tiết điểm thời thời gian. Có văn chương nhắc đến người Tô Châu 苏州vào đời Thanh “tối trọng Đông chí tiết” 最重冬至节. Trước Đông chí một ngày, bạn bè thân thích tặng thực phẩm cho nhau, người xách giỏ, người gánh hộp đầy đường, tục xưng là “Đông chí bàn” 冬至盘. Thực phẩm vào tiết Đông chí ở Tô Châu là “Đông chí đoàn” 冬至团, Đông chí đoàn dùng bột nếp làm thành, ở giữa có nhân thịt, rau, đậu, củ cải xắt sợi v.v... Người ta lấy đó để dâng cúng tổ tiên, đồng thời làm quà tặng cho nhau.

          Tập quán người phương bắc hơn một nửa là ăn xủi cảo vào tiết này, miền nam có nơi thì thích ăn một bát chè ỷ. Sau Đông chí là lúc khí dương phát sinh, sắc xanh dễ khiến người ta nghĩ đến mùa xuân, có nơi vào lúc này ăn cải xanh, để bày tỏ ý thuận theo thiên thời, trong mùa đông lạnh, mong mùa xuân có chim hót hoa thơm đến sớm một chút. Cho nên nói, ăn xủi cảo cũng được, ăn vằn thắn cũng được, ý của mọi người hoàn toàn không phải để thoả mãn vị giác.

          Từ cách gọi “Á tuế” 亚岁thời cổ, đến “Đông chí dạ” 冬至夜 mà nay thường nhắc đến, mọi người quan tâm chú ý đến tiết khí cổ xưa này như thế, e rằng là nhân vì nó luôn xuất hiện vào lúc sắp hết năm, cách ngày đoàn viên trong tiết xuân không còn xa.

          Sau khi Đông chí qua đi, ngày dần dài ra, đêm dần ngắn lại, bước chân của mùa xuân đang từ từ đến.

                                                                (Kí giả: Thượng Quan Vân 上官云)

Chú của người dịch

1- Số cửu 数九: Số cửu trong dân gian có nhiều hình thức, lưu truyền nhiều nhất là vẽ hoa mai “cửu cửu tiêu hàn đồ” 九九消寒图, cũng gọi là “nhã đồ” 雅图. Trên giấy vẽ ra 9 cành hoa mai, mỗi cành 9 đoá, mỗi đoá hoa mai ứng vào một ngày, nhất chi đối nhất cửu.

                                                          Huỳnh Chương Hưng

                                                          Quy Nhơn 21/12/2020

                                                     (Tiết Đông chí năm Canh Tí)

Nguồn

http://www.xinhuanet.com/politics/2020-12/21/c_1126884951.htm

Previous Post Next Post