Dịch thuật: Bí ẩn việc Tần Cối về nam

BÍ ẨN VIỆC TẦN CỐI VỀ NAM 

          Gian thần Tần Cối 秦桧 thời Nam Tống hại chết anh hùng dân tộc Nhạc Phi 岳飞, bị người đời ngàn năm nguyền rủa, thoá mạ. Tần Cối vốn cùng với hoàng đế Huy Tông 徽宗, hoàng đế Khâm Tông 钦宗cùng một số hậu phi, quan viên triều Bắc Tống bị nước Kim bắt giữ ở lại phương bắc, chỉ có một mình Tần Cối về nam một cách an toàn, chạy về triều Nam Tống làm Tể tướng gần 20 năm, chỉ chuyên đối với nước Kim cầu hoà, bức hại trung thần và nhân sĩ chính trực. Tần Cối về nam như thế nào? Khi ông ta vừa về tới đã có người nêu ra nghi vấn, đó là một bí ẩn mà đến nay vẫn chưa giải quyết triệt để.

          Tháng 11 năm Kiến Viêm 建炎 thứ 4 triều Nam Tống (năm 1130), một chiếc thuyền tiến vào khu vực do Liên Thuỷ quân 涟水军 canh phòng, bị binh sĩ thủ hạ của Đinh Tự 丁祀 - tướng lĩnh của Liên Thuỷ quân bắt được, binh sĩ cho rằng đó là gian tế do quân Kim phái đến để dọ thám tình hình, bèn bắt mấy nam nữ trên thuyền trói lại định giết. Trong đó có người nói rằng:

          - Ta là Ngự sử trung thừa Tần Cối đây!

          Binh sĩ và bách tính thôn dân trong trại, căn bản không biết Ngự sử trung thừa là gì, càng không biết Tần Cối là ai. Tần Cối bảo rằng:

          - Các người ở đây có ai là Tú tài đọc qua sách vở không? ông ta có lẽ nghe nói qua họ tên của ta.

          Người ta tìm đến Vương tú tài bán rượu tên là Vương An Đạo 王安道, ấy cũng là mạng của Tần Cối chưa dứt, hoặc có lẽ anh ta thương cảm mấy nam nữ, hoặc có lẽ biết Ngự sử trung thừa là quan của triều đình, bèn giả vờ nhận biết, cứu mạng của họ. Lúc gặp mặt chắp ta nói rằng:

          - Trung thừa bình an! lao khổ đến đây, thực là không dễ.

          Binh sĩ liền phóng thích họ, lấy lễ tương đãi. Tần Cối và vợ là Vương thị 王氏, tiểu nô Nghiễn Đồng 砚童, tiểu tì Hưng Nhi 兴儿, thuộc hạ tuỳ hành Ông Thuận 翁顺, thân tín Cao Ích Cung 高益恭, và người chèo thuyền Tôn Tĩnh 孙静 đều được sống.

          Các tướng lĩnh bộ hạ của Đinh Tự chiêu đãi Tần Cối uống rượu, có vị phó tướng Lưu Tĩnh 刘竫thấy hành lí của Tần Cối không ít, nảy ý định hại chết Tần Cối để đoạt lấy. Tần Cối cảm thấy không lành, trước mặt nhìn thấu được Lưu Tĩnh, Lưu Tĩnh đành bỏ ý định. Chẳng bao lâu, chủ tớ Tần Cối một nhà dưới sự hộ tống của Vương An Đạo, Liên Thuỷ quân tam nghị Phùng Do Nghĩa 冯由义, ngày 5 tháng 11 đến đô thành lâm thời Việt Châu 越州  triều Nam Tống (nay là Thiệu Hưng 绍兴). Tần Cối tự xưng là đã giết chết giám thị người Kim, ngồi thuyền trốn về.

          Hai ngày sau, Cao Tông tiếp kiến Tần Cối, Tần Cối lấy ra lá thư do ông khởi thảo hướng đến chủ soái nước Kim là Thát Lãn 挞懒 cầu hoà. Hôm sau, nhậm mệnh Tần Cối làm Lễ bộ Thượng thư, Vương An Đạo, Phùng Do Nghĩa cùng đến cũng phong làm quan, ngay cả người chèo thuyền Tôn Tĩnh cũng phong là Thừa Tín Lang 承信郎.

          Về việc Tần Cối tự nói ông giết chết giám thị canh giữ người Kim mới trở về nam, nhiều người không tin, cho rằng việc đó căn bản không có khả năng. Có 4 nghi điểm:

          Tần Cối và các quan viên Bắc Tống như Hà Lật 何栗, Tôn Phó 孙傅, Tư Mã Phác 司马朴 đều bị nước Kim khấu lưu, giam cầm ở phương bắc mấy năm, ba người kia đều không thể trở về, duy chỉ có Tần Cối về đến phương nam như có kì tích. Đó là điểm thứ nhất.

          Từ Trung Kinh 中京 của nước Kim (nay là phía tây Ninh Thành 宁城 Liêu Ninh 辽宁) đến Yên Kinh 燕京 (nay là Bắc Kinh 北京) xa cả ngàn dặm, từ Yên Kinh đến Sở Châu 楚州 Nam Tống gần 3000 dặm, vượt sông qua biển, trên đường đi sao không có người phòng thủ kiểm soát? Lại làm sao có thể giết người giám thủ mà an nhiên đi về phía nam một cách thuận lợi? Đó là điểm thứ hai.

          Cho dù là theo cùng với quân đội nước Kim xuống phía nam, nước Kim có ý phóng thích ông ta về, đương nhiên cũng giữ lại vợ và gia thuộc để làm con tin chứ, sao mà phóng thích toàn gia chủ tớ cùng đi? Đó là điểm thứ ba.

          Quan viên nước Tống là Trương Thiệu 张劭 đi sứ nước đến nước Kim, từng gặp Tần Cối, Trương Thiệu về lại Nam Tống bẩm báo với Cao Tông rằng:

          Tần Cối mặc áo vải thô, dung mạo tiều tuỵ, tại phương bắc dựa vào việc dạy mấy cháu nhỏ học để kiếm sống qua ngày.

          Mà Tần Cối tại Thuỷ trại hiểm nguy bị Lưu Tĩnh có ý tham tài muốn hại đến tính mạng. Đã có tài vật hành lí quyến dụ người khác, há có lí nào giết người Kim hoảng sợ tìm thuyền trốn chạy? Đó là điểm thứ tư.

          Căn cứ vào mấy điểm trên, có người hoài nghi Tần Cối nhận sứ mệnh bí mật của người nước Kim, là gian tế do nước Kim phái về nước.

          Lời của Tần Cối đáng tin hay không đáng tin, hiển nhiên người ta khó mà tin được. Nhưng cách nói gánh lấy sứ mạng bí mật mà nước Kim giao cho, trở về Nam Tống làm gian tế, lại không có chứng cứ xác đáng.

          Rốt cuộc Tần Cối về nam như thế nào? Đương thời là việc cơ mật chính trị tối cao, không ai biết được nội tình, hiện càng khó mà làm rõ, chỉ có thể cứ tình cứ lí để suy đoán mà thôi.

                                                                      Huỳnh Chương Hưng

                                                                       Quy Nhơn 07/12/2020

Nguyên tác Trung văn

TẦN CỐI NAM QUY CHI MÊ

 秦桧南归之谜

Tác giả: Lưu Kiến Đại 刘建岱

Trong quyển

TRUNG QUỐC LỊCH SỬ CHI MÊ

中国历史之谜

Chủ biên: Lí Quảng Sinh 李广生

                                            Thiên Tân: Bách hoa văn nghệ xuất bản xã, 2001 

Previous Post Next Post