Dịch thuật: Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo (2174) ("Truyện Kiều")

 

GƯƠM ĐÀN NỬA GÁNH, NON SÔNG MỘT CHÈO (2174)

          Hoàng Sào 黄巢 (820 – 884) là lãnh tụ phong trào khởi nghĩa nông dân cuối đời Đường, người huyện Oan Cú 冤句 Tào Châu 曹州 (nay là khu Mẫu Đơn 牡丹 thành phố Hà Trạch 菏泽 tỉnh Sơn Đông 山东). Ông xuât thân trong một gia đình buôn muối, giỏi cưỡi ngựa bắn tên, tinh thông bút mực, lúc trẻ đã có tài. Sau khi thành niên không thông qua được thi cử. Tháng 6 năm Càn Phù 乾符 thứ 2 (năm 875) Hoàng Sào hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Vương Tiên Chi 王仙芝. Năm Càn Phù thứ 4 (năm 877), công hãm Vận Châu 郓州, giết chết Thái Bình Tiết độ sứ 太平 là Tiết Sùng 薛崇. Năm Càn Phù thứ 5 (năm 878), sau khi Vương Tiên Chi chết, Hoàng Sào trở thành lãnh tụ quân khởi nghĩa, hiệu xưng là Xung Thiên Đại Tướng Quân” 冲天大将军, cải nguyên là Vương Bá 王霸. Năm Càn Phù thứ 6 (năm 879), bao vây Quảng Châu 广州. Năm Quảng Minh 广明 nguyên niên (năm 880) tiến vào Lạc Dương 洛阳, đột phá Đồng Quan 潼关, tiến vào Trường An 长安, lên ngôi ở điện Hàm Nguyên 含元, đặt quốc hiệu là Đại Tề 大齐, lấy niên hiệu Kim Thống 金统, đồng thời đồ sát bách quan tông thất của triều Đường mà không kiêng dè. Về sau, dưới sự tấn công mãnh liệt của tướng lĩnh triều Đường là Lí Khắc Dụng 李克用, Vương Trùng Vinh 王重荣, Hoàng Sào thoái xuất Trường An. Năm Trung Hoà 中和thứ 4 (năm 884), Hoàng Sào chiến tử tại Lang Hổ cốc 狼虎谷(nay là phía tây nam thành phố Lai Vu 莱芜 tỉnh Sơn Đông 山东), năm đó Hoàng Sào 65 tuổi.

https://baike.baidu.com/item/%E9%BB%84%E5%B7%A2/383625

Ngoài những bài thơ nổi tiếng như: Đề cúc hoa 题菊花, Bất đệ hậu phú cúc 不第后赋菊, Tự đề tượng 自题像, Hoàng Sào còn có hai câu thơ được người đời truyền tụng:

Bán kiên cung kiếm bằng thiên túng

Nhất trạo giang sơn tận địa duy

半肩弓劍憑天縱

一棹江山盡地維

(Nửa vai cung kiếm, trời phú cho tài trí siêu quần

Một mái chèo tung hoành chốn giang sơn, đi khắp cả gầm trời)

Thiên túng: Chỉ tài trí siêu quần mà trời phú cho (đa phần dùng để nói đế vương). Trong Luận ngữ - Tử hãn 论语  - 子罕 có câu:

Cố thiên túng chi tương thánh, hựu đa năng dã

固天纵之将圣又多能也

(Trời vốn muốn ông ấy (Khổng Tử) trở thành thánh nhân, lại cho ông ấy có nhiều tài năng)

Địa duy: Dây buộc đất. Người xưa cho rằng trời tròn đất vuông, trời có 9 trụ chống đỡ, đất có 4 dây ràng buộc. Cho nên “địa duy” cũng chỉ 4 góc của đất. 

Giang hồ quen thú vẫy vùng

Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo

(“Truyện Kiều” 2173 – 2174)

Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo: Do câu thơ của Hoàng Sào: “Bán kiên cung kiếm bằng thiên túng; Nhất trạo giang sơn tận địa duy” nghĩa là “Cung kiếm nửa vai trời thả cửa; non sông một chèo đất khắp nơi”. Chữ đàn nhiều người giải thích là cây đàn vì hai lí do: 1- Gươm đàn đối với non sông là bốn chữ độc lập, do đó phải là cây đàn, cả bốn chữ là thuần Việt. 2- Nguyễn Du, Cao bá Quát, Nguyễn Khuyến trong thơ chữ Hán hay dùng chữ cầm kiếm, tức là gươm và cây đàn. Nhưng Nguyễn Du dùng câu này là để chuẩn bị cho câu 2496: Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào. Đây là phép phục bút. Hoàng Sào là hình ảnh lí tưởng của Từ Hải, vậy nhắc đến câu gươm đàn, không thể xem là một câu có thể tuỳ ý đổi được. Chữ đàn do đó là cây cung. Chúng ta đã thấy Nguyễn Du còn dùng nhiều từ với cái nghĩa gốc của chữ Hán hơn là chúng ta hiện nay.

(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)

Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:

          Hoàng Sào thi: Giang hồ cung kiếm bằng thiên túng, nhất trạo giang sơn tận địa duy.

          黃巢詩: 半肩弓劍憑天縱, 一棹江山盡地維

          (Thơ ông Hoàng Sào: Giang hồ cung kiếm trời buông thả, khắp đất non sông một mái chèo)

(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)

Xét: Theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, chữ có hai âm đọc: “1- Đạn: Cái cung bắn đạn. 2- Viên đạn. Một âm là Đàn. 1- Bắn ra. Vật gì có tính chun lại rồi lại duỗi ra gọi là đàn tính. 2- Đánh: như đàn kiếm 彈劔 đánh gươm; đàn cầm 彈琴 đánh đàn. 3- Gẩy, lấy đầu móng hai ngón tay mà búng gẩy. 4- Đàn hặc, như đàn tham 彈參 hặc kẻ có lỗi.”

          Câu “Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo” là Nguyễn Du dịch ý từ hai câu thơ của Hoàng Sào:“Bán kiên cung kiếm bằng thiên túng, Nhất trạo giang sơn tận địa duy”. Thơ Hoàng Sào câu trên có “cung kiếm”, câu dưới có “nhất trạo”, trong truyện Kiều ở câu 2174, vế trước dùng “gươm đàn”, vế sau dùng “một chèo”, như vậy là dịch sát. Còn đọc “đàn” với nghĩa cây cung là mượn chữ “đạn” ở nghĩa “cái cung bắn đạn” như trong Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giải thích, đọc âm “đàn” để hợp với luật bằng trắc trong thơ lục bát. Vì vậy theo ý riêng, “đàn” trong câu 2174 là chỉ cây cung.

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 29/11/2020

Previous Post Next Post