Dịch thuật: Trung thu tiết

TRUNG THU TIẾT 

Khởi nguyên Trung thu tiết

          Trung thu tiết 中秋节là dấu vết của tập tục “kính nguyệt” 敬月 – sùng bái thiên tượng vào thời thượng cổ, ở vào thời tiết “thu phân” 秋分 24 tiết khí, là “tế nguyệt tiết” 祭月节 cổ xưa. Trung thu tiết từ “tế nguyệt” 祭月 truyền thống mà ra. Trong văn hoá truyền thống, mặt trăng cũng như mặt trời là hai thiên thể thay nhau xuất hiện trở thành đối tượng sùng bái của tiên dân. Trung thu tiết khởi nguồn từ việc tế tự mặt trăng của người xưa, là di tồn và diễn hoá của tập tục tế nguyệt của dân tộc Hoa Hạ. Tế nguyệt là một tập tục rất cổ xưa của Trung Quốc, trên thực tế là một loại hoạt động sùng bái đối với “Nguyệt thần” 月神ở một số  địa phương của Trung Quốc vào thời cổ. Theo khảo chứng, lúc ban đầu “tế nguyệt tiết” được định vào ngày “Thu phân” của 24 tiết khí theo lịch can chi, nhưng do bởi sự phát triển của lịch sử, về sau lịch pháp dung hợp, sử dụng âm lịch (Hạ lịch 夏历), cho nên đem “tế nguyệt tiết” từ “Thu phân” 24 tiết khí chuyển đến ngày rằm tháng 8 Hạ lịch (âm lịch). Trung thu tiết là sự tổng hợp tập tục thời lệnh của mùa thu, nhân tố tập tục mà nó bao hàm đa phần đều có nguồn gốc lâu đời.

Sự phát triển của Trung thu tiết

          Trung thu tiết bắt nguồn tự sự sùng bái thiên tượng, đêm thu tế nguyệt ở thời cổ diễn biến mà ra. Tế nguyệt có lịch sử lâu đời, là một loại hoạt động sùng bái “Nguyệt thần” của người xưa ở một số địa phương của Trung Quốc vào thời cổ. “Thu phân” trong 24 tiết khí, là “tế nguyệt tiết” cổ xưa. Trung thu tiết phổ cập vào đời Hán. Đời Hán là thời kì dung hợp giao lưu kinh tế văn hoá giữa các địa phương nam bắc của Trung Quốc. sự giao lưu văn hoá các nơi đã khiến tiết tục được dung hợp và truyền bá. Từ “Trung thu” 中秋mà ghi chép trong văn tự hiện tồn được thấy sớm nhất trong văn hiến đời Hán, trong quyển Chu lễ 周礼thành sách vào khoảng thời lưỡng Hán (tương truyền do Chu Công Đán 周公旦 biên soạn, trên thực tế là thành sách vào khoảng thời lưỡng Hán), vào thời Tiên Tần đã có hoạt động “Trung thu dạ nghinh hàn” 中秋夜迎寒, “Trung thu hiến lương cừu” 中秋献良裘, “Trung thu tịch nguyệt (bái nguyệt)” 中秋夕月 (拜月). Theo ghi chép, vào thời Hán lại có hoạt động kính lão, dưỡng lão, tặng “hùng thô bính” 雄粗饼 (một loại bánh – ND) vào dịp Trung thu hoặc Lập thu. Thời Tấn cũng  xuất hiện những ghi chép văn tự về việc Trung thu thưởng nguyệt, những không phổ biến lắm. Thời Tấn, Trung thu tiết ở khu vực phía bắc Trung Quốc vẫn chưa lưu hành lắm. Trung thu tiết trở thành tiết nhật mang tính toàn quốc mà quan phương công nhận, đại khái là vào thời Đường. Thời Đường phong tục Trung thu đã lưu hành đến phương bắc Trung Quốc. Trong Đường thư – Thái Tông kí 唐书 - 太宗 có câu “Bát nguyệt thập ngũ Trung thu tiết” 八月十五中秋节. Phong tục Trung thu thưởng nguyệt tại vùng Trường An 长安đời Đường cực thịnh, rất nhiều bài thơ của các thi nhân có những câu thơ vịnh nguyệt. Đồng thời kết hợp những câu chuyện thần thoại như Thường Nga bôn nguyệt 嫦娥奔月, Ngô Cương phạt quế 吴刚伐桂, Ngọc thố đảo dược 玉兔捣药, Dương Quý Phi biến Nguyệt thần 杨贵妃变月神, Đường Minh Hoàng du nguyệt cung 唐明皇游月宫... khiến Trung thu tiết tràn đầy màu sắc lãng mạn, phong tục chơi trăng bắt đầu thịnh lên. Đời Đường là thời kì trọng yếu dung hợp và định hình tập tục truyền thống, bộ phận chủ thể của nó truyền thừa đến nay.

          Thời Bắc Tống, Trung thu tiết đã thành tiết nhật dân tục phổ biến, đồng thời chính thức định ngày rằm tháng 8 âm lịch là Trung thu tiết. Trong tác phẩm văn học xuất hiện thực phẩm tiết lệnh “tiểu bính như tước nguyệt, trung hữu tô hoà di”. 小饼如嚼月, 中有酥饴 (loại nhỏ thì có “tước nguyệt” 嚼月 loại vừa thì có “tô” và “di” ) Như trong Mạnh Nguyên Lão 孟元老 trong Đông Kinh mộng hoa lục 东京梦华录 có nói:

          Trung thu dạ, quý gia kết sức đài tạ, dân gian tranh chiếm tửu lâu ngoạn nguyệt.

          中秋夜, 贵家结饰台榭, 民间争占酒楼玩月.

          (Đêm Trung thu, những nhà quyền quý thì treo đèn kết hoa ở đài tạ, dân gian thì giành chiếm chỗ ở tửu lầu để ngắm trăng)

          Và còn:

          Huyền trùng đỉnh phí, cận nội duyên cư dân, thâm dạ phùng văn sinh vu chi thanh, uyển như vân ngoại. Gian lí nhi đồng, liên tiêu hôn hí, dạ thị biền điền, chí vu thông hiểu.

          弦重鼎沸, 近内延居民, 深夜逢闻笙竽之声, 宛如云外. 间里儿童, 连宵婚戏, 夜市骈阗, 至于通晓.

          (Tiếng đàn dồn dập huyên náo, như mời cư dân gần thành nội, đêm khuya nghe tiếng sênh tiếng sáo, hệt như ở cảnh tiên. Bọn trẻ suốt đêm chơi trò kết hôn, chợ đêm tụ tập luôn tới sáng)

          Đến thời Minh. Trung thu trở thành một trong những tiết nhật chủ yếu của dân gian Trung Quốc. Tình cảm hứng thú trong Trung thu tiết ngày càng nồng đậm, sự sùng bái mang tính công lợi, cầu phúc cùng với nguyện vọng và tình cảm thế tục đã cấu thành hình thái chủ yếu của tiết tục Trung thu trong dân chúng phổ thông. Hoạt động thưởng trăng ở hai triều Minh Thanh “kì tế quả bính tất viên” 其祭果饼必圆 (quả bánh dùng để tế phải tròn). Các nhà đều lập “Nguyệt quang vị” 月光位 (bài vị mặt trăng), hướng về phương mặt trăng mọc “hướng nguyệt cung nhi bái” 向月供而拜 (hướng đến mặt trăng mà cúng bái). Lục Khải Hoằng 陆启泓 trong Bắc Kinh mộng hoa kí 北京梦华记 có nói:

          Trung thu dạ, nhân gia các trí nguyệt cung phù tượng, phù thượng thố như nhân lập, trần qua quả vu đình, bính diện hội nguyệt cung thiềm thố, nam nữ túc bái thiêu hương, đán nhi phần chi.

          中秋夜, 人家各置月宫符象, 符上兔如人立, 陈瓜果于庭, 饼面绘月宫蟾兔, 男女肃拜烧香, 旦而焚之.

          (Đêm Trung thu, các nhà lập bài vị mặt trăng, bên trên có hình con thỏ đứng giống như người, bày hoa quả giữa sân, trên mặt bánh vẽ hình mặt trăng và con thỏ, nam nữ thắp hương cúng bái nghiêm trang, đến sáng thì thiêu đi.)

          Trong Đế kinh cảnh vật lược 帝京景物略 cũng có nói:

          Bát nguyệt thập ngũ tế nguyệt, kì bính tất viên, phân qua tất nha thác, biện khắc như liên hoa. ..... Kì hữu phụ quy ninh giả, thị nhật tất phản phu gia, viết Đoàn viên tiết dã.

          八月十五祭月, 其饼必圆, 分瓜必牙错, 瓣刻如莲花. ..... 其有妇归宁者, 是日必返夫家, 曰团圆节也.

          (Ngày 15 tháng 5 cúng trăng, bánh phải có dạng hình tròn, bổ dưa phải so le có hình cánh sen. ..... Nếu phụ nữ đã xuất giá thì về lại nhà mẹ đẻ để thăm, nhưng nội ngày đó phải trở lại nhà chồng, gọi Đoàn viên tiết).

          Từ xưa, Trung thu tiết đã có những tập tục như tế nguyệt, thưởng nguyệt, ăn bánh Trung thu, chơi hoa đăng, thưởng thức hoa quế, uống rượu hoa quế ... lưu truyền đế nay không suy giảm. Vào Trung thu tiết, mây thưa mù ít, trăng sáng trời trong, dân gian ngoài các hoạt động như thưởng nguyệt, tế nguyệt, ăn bánh Trung thu chúc phúc đoàn viên, ở một số địa phương còn có hoạt động múa rồng, xây bảo tháp. Phát triển đến nay, ăn bánh Trung thu đã trở thành một tập tục không thể thiếu ở các địa phương nam bắc Trung Quốc mỗi khi đến Trung thu tiết. Ngoài bánh Trung thu ra, các loại quả tươi quả khô đúng mùa cũng là những món ngon vào đêm Trung thu.

                                                              Huỳnh Chương Hưng

                                                              Quy Nhơn 01/10/2020

                                                           Rằm tháng 8 năm Canh Tí

Nguồn

https://baike.baidu.com/item/%E4%B8%AD%E7%A7%8B%E8%8A%82/128234


Previous Post Next Post