Dịch thuật: Thủ thế thường trì của Quán Âm Bồ Tát

THỦ THẾ THƯỜNG TRÌ CỦA QUÁN ÂM BỒ TÁT

Ý nghĩa thủ thế của Phật Bồ Tát.
          Thủ thế của Phật Bồ Tát có hai tầng ý nghĩa:
          1- Thủ thế 手势 (tư thế ở tay) của Phật Bồ Tát hoàn toàn không phải do người tạc tượng tuỳ ý tạo ra, mà là căn cứ vào quy phạm được ghi chép trong kinh điển, đều truyền đạt bi tâm và thệ nguyện vốn có của Phật Bồ Tát, có thể làm tiêu kí để tín đồ nhận biết Phật Bồ Tát.
          2- Thủ thế của Phật Bồ Tát cũng như thủ thế của người thường, là ngôn ngữ chi thể biểu đạt tâm ý, đem tâm nguyện truyền đạt cho chúng sinh ở thế giới Ta bà.
          Thủ thế của Phật Bồ Tát bao gồm thủ ấn 手印 và trì vật 持物. Thủ ấn cũng gọi là ấn khế 印契, là các loại tư thế vận dụng hai tay và các ngón tay kết hợp lại. Trì vật là pháp khí hoặc bảo vật đặc định cầm trong tay. Nếu chúng ta nhận biết được các loại thủ ấn và trì vật của Phật Bồ Tát, thì có thể giúp chúng ta phân biệt chư vị Phật Bồ Tát của thế giới Phật quốc; đồng thời lúc tu trì hoặc cầu nguyện, hiểu rõ tâm ý của bổn tôn Phật Bồ Tát mà có thể khế hợp với bổn tôn.

Thủ thế của Quán Âm đa biến hoá
          Quán Âm Bồ Tát có những thủ thế nào thường thấy? Quán Âm một tay cầm hoa sen, một tay thí vô uý ấn, có thể nói  là mọi người rất quen thuộc. Thí vô uý ấn xuất phát từ Pháp Hoa Kinh – Phổ Môn Phẩm 法华经 - 普门品:
          Thị Quán Thế Âm Ma Ha Tát, vu bố uý cấp nạn chi trung, năng thí vô uý, thị cố thử Ta bà thế giới, giai hiệu chi Thí Vô Uý giả.
          是观世音摩诃萨, 于怖畏急难之中, 施无畏, 是故此娑婆世界, 皆号之施无畏者
          (Quán Thế Âm Ma Ha Tát này, những ai trong lúc sợ sệt hoặc nạn gấp, Ngài có thể ban cho sự vô uý, cho nên trong thế giới Ta bà đều gọi Ngài là Thí Vô Uý)
          Quán Âm hướng đến mọi người thể hiện tâm ý từ bi cứu trợ chúng sinh thoát li sợ hãi tai nạn, khiến chúng sinh được an định.
          Còn như hoa sen, trong Phật giáo đại biểu cho Bồ Đề tâm mà chúng sinh vốn có nhưng bị vô minh che lấp, Quán Thế Âm cầm hoa sen tượng trưng ý nghĩa sẽ giúp mọi người được khai ngộ.
          Trì ấn thường thấy khác của Quán Thế Âm Bồ Tát còn bao gồm “dữ nguyện ấn” 与愿印, “an uý ấn” 安慰印; còn trì vật thường thấy có dương liễu và tịnh bình ... trong Thỉnh Quán Thế Âm Bồ Tát tiêu phục độc hại Đà La Ni kinh 请观世音菩萨消伏毒害陀罗尼经 lưu hành ở Hán địa, Phật Đà hướng đến mấy ngàn tì khưu và Bồ Tát giới thiệu Tây phương tam Thánh, khi nhắc đến Quán Thế Âm Bồ Tát, nói rằng:
          Tì Xá Li nhân, tức cụ dương chi tịnh thuỷ, thụ Quán Thế Âm Bồ Tát.
          毗舍离人, 即具杨枝净水, 授观世音菩萨.
          (Người ở thành Tì Xá Li, chuẩn bị nhành dương cùng tịnh bình, trao cho Quán Thế Âm Bồ Tát)
          Dương chi 杨枝cũng gọi là “dương liễu” 杨柳, tại cổ Ấn Độ là “xỉ mộc” 齿木dùng để đánh răng. Ấn Độ, Tây vực khi có khách dự yến tiệc, đa phần tặng dương chi và nước thơm, biểu thị sự thành khẩn thỉnh mời, nhân đó, trong Phật giáo, thỉnh Phật Bồ Tát cũng dùng dương chi tịnh thuỷ biểu đạt thành ý. Quán Thế Âm  Bồ Tát của Hán địa thường cầm dương chi, tịnh bình, tượng trưng công đức có thể tiêu trừ tai ách cho thế nhân.
          Quán Âm Bồ Tát tuỳ theo sự biến hoá khác nhau mà triển hiện thủ thế khác nhau. Bốn tay của Lục Tự Quán Âm 六字观音 của Tây Tạng lần lượt cầm niệm châu, hoa sen trắng và ma ni bảo châu. Ngoài ra Lục Quán Âm  của Mật giáo, mỗi tượng đều có thủ ấn và trì vật đặc định mà kinh điển quy định.  Cho dù là 33 Quán Âm mà dân gian diễn sinh, tuy không có kinh điển, nhưng lại có thủ thế và tư thái mà mọi người đều quen thuộc.

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 08/8/ 2019
                                    Ngày 19 tháng 6 Kỉ Niệm Quán Âm Bồ Tát thành đạo

Nguyên tác Trung văn trong
QUAN ÂM TIỂU BÁCH KHOA
观音小百科
Tác giả: Nhan Tố Tuệ 颜素慧
Trường Sa – Nhạc Lộc thư xã, 2002
Previous Post Next Post