Dịch thuật: Tại sao người xưa gọi thê tử là "tao khang chi thê"

TẠI SAO NGƯỜI XƯA GỌI THÊ TỬ LÀ “TAO KHANG CHI THÊ”

          Trong Đông Pha chí lâm – Lương Giả thuyết 東坡志林 - 梁賈說của Tô Thức 蘇軾đời Tống có câu:
Cư phú quý giả bất dịch tao khang
居富貴者不易糟糠
(Ở vào cảnh giàu sang không thay đổi “tao khang”)
Và trong Minh phụng kí – Hạc lâu khởi nghĩa 鳴鳳記 - 鶴樓起義 đời Minh mà không rõ tác giả có câu:
Bả ngã cựu thời tao khang khí thổ tư
把我旧时糟糠弃土苴
(Đem “tao khang” ngày trước của ta bỏ đi xem như cỏ rác)
          “Tao khang” trong hai câu trên, người được chỉ chính là thê tử, và đó cũng chính là biệt xưng của thê tử. Thế thì tại sao người xưa gọi thê tử là “tao khang chi thê” 糟糠之妻?
          Tao là bã rượu khi ủ rượu lọc ra mà có, như “tửu tao” 酒糟, trong Thuyết văn giải tự 說文解字 có ghi:
Tao, tửu chỉ dã
,酒滓也
(Tao là bã rượu)
          Khang (1) là lớp bọc ngoài của hạt ở các loại lúa đạo, mạch, cốc, như “mễ khang” 米糠, “mạch khang” 麥糠. Trong Ngọc thiên 玉篇 có ghi:
bản tác
糠本作
(Chữ vốn viết là)
Cũng trong Thuyết văn giải tự 說文解字 ghi là:
Khang, cốc bì dã
, 穀皮也
(Khang là lớp vỏ của hạt lúa)
          Và trong Ngọc thiên 玉篇
Khang, cốc bì dã
, 穀皮也
(Khang là lớp vỏ của hạt lúa)
Cho nên bã rượu và lớp vỏ của hạt lúa (tức cám) đều là những thứ không đáng giá, thời cổ là thức ăn dùng để đỡ đói của người nghèo. Như trong Hán thư – Thực hoá chí thượng 漢書 - 食貨志上 có ghi:
Thứ nhân chi phú giả luỹ cự vạn, nhi bần giả thực tao khang.
庶人之富者累鉅萬,而貧者食糟糠
 (Với dân thường, người giàu thì tiền của cực nhiều, còn người nghèo thì ăn tao khang)
          Và trong Sử kí . quyển nhất nhị cửu – Hoá thực truyện 史記. 卷一二九 - 貨殖傳:
Nguyên Hiến bất yếm tao khang, nặc ư cùng hạng
原憲不厭糟糠,匿於窮巷
(Nguyên Hiến ăn tao khang không chán, ở ẩn nơi ngõ sâu)
          Từ đó có thể biết, tao và khang nguyên dùng để ví thức ăn không đáng giá. Sở dĩ “tao khang chi thê” 糟糠之妻 được dùng làm biệt xưng cho thê tử là xuất phát từ Hậu Hán thư . quyển nhị thập lục – Tống Hoằng truyện 後漢書 . 卷二十六 - 宋弘傳, câu nói:
Thần văn bần tiện chi tri bất khả vong, tao khang chi thê bất há đường
臣聞貧賤之知不可忘, 糟糠之妻不下堂
(Bạn bè lúc nghèo khó kết giao với nhau không thể quên, thê tử cùng với mình chung hoạn nạn không thể bỏ)
Là câu chuyện giữa  Đông Hán Quang Vũ Đế 東漢光武帝 với đại thần Tống Hoằng 宋弘
          Tống Hoằng宋弘 người Trường An 長安 Kinh Triệu 京兆 đầu thời Đông Hán. Quang Vũ Đế Lưu Tú 光武帝劉秀 lên ngôi, trưng bái ông làm Thái trung đại phu, sau thăng làm Đại tư không. Tống Hoằng trước sau tiến cử cho triều định hơn 30 hiền sĩ, có người làm quan đến chức Tướng hoặc công  khanh.  Tống Hoằng làm quan thanh liêm, dám dâng lời nói thẳng, được Quang Vũ Đế coi trọng, sau phong làm Tuyên Bình Hầu 宣平侯.
          Chị của Quang Vũ Đế là công chúa Hồ Dương 湖陽. Đương thời, chồng của công chúa đã mất. Có một lần, Quang Vũ Đế và công chúa Hồ Dương cùng bàn luận về các đại thần trong triều, Quang Vũ Đế cũng nhân cơ hội dò xem ý nguyện của chị. Công chúa nói rằng:
          Tống Hoằng nghi biểu trang trọng, phẩm đức dữ tài thức câu giai, mãn triều đại thần vô nhân khả tỉ.
          宋弘儀表莊重, 品德與才識俱佳, 滿朝大臣無人可比
          (Tống Hoằng dáng vẻ trang trọng, phẩm đức và tài năng học thức đều tốt, đại thần cả triều không có ai sánh lại)
          Những lời đó hợp với ý của Quang Vũ Đế.
          Về sau Quang Vũ Đế triệu kiến Tống Hoằng, đồng thời bảo công chúa Hồ Dương nấp sau bình phong. Quang Vũ Đế nói với Tống Hoằng:
Ngạn ngôn quý dịch giao, phú dịch thê, nhân tình hồ?
諺言貴易交, 富易妻人情乎?
(Lời tục có nói, sang đổi bạn, giàu đổi vợ, đó là thường tình của con người chăng?)
          Tống Hoằng đáp rằng:
Thần văn bần tiện chi tri bất khả vong, tao khang chi thê bất há đường
臣聞貧賤之知不可忘, 糟糠之妻不下堂
(Bạn bè lúc nghèo khó kết giao với nhau không thể quên, thê tử cùng với mình chung hoạn nạn không thể bỏ)
          Thế là Quang Vũ Đế nói với công chúa Hồ Dương:
Sự bất hài hĩ
事不諧矣
(Sự việc không thành rồi)
          Bởi “tao khang” là thức ăn không đáng giá mà người nghèo dùng cho đỡ đói, cho nên “tao khang chi thê” được dùng để ví người vợ cùng chung hoạn nạn với mình lúc nghèo khó; và “tao khang” 糟糠, “tao khang thê” 糟糠妻cũng là những biệt xưng của thê tử.

Chú của người dịch
1- Về chữ “khang” :
          Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, 2015, âm “khang”, ghi là: Trấu (vỏ hạt thóc).
          Từ điển Hán Việt văn ngôn dẫn chứng của Nguyễn Tôn Nhan, 2002, âm “khang”,  ghi là: Vỏ thóc, trấu, dùng như nghĩa chữ (bộ Hoà).
          Ở chữ (bộ hoà): Trấu, vỏ của lúa, dùng như nghĩa chữ (bộ Mễ).
          Khang Hi tự điển 康熙字典 ghi rằng:
          “Tập vận” “Vận hội” “Chính vận”  khâu cương thiết, tịnh âm “khương”.
          “集韻” “韻會” “正韻丘岡切, 並音康
          (“Tập vận” “Vận hội” “Chính vận” phiên thiết là khâu cương, đều có âm là “khương”.)
Ngọc thiên玉篇 ghi rằng:
Cốc bì dã.
穀皮也
(Lớp vỏ của hạt lúa)
Tiền Hán – Thực hoá chí 前漢 - 食貨志 có câu:
Bần giả thực tao khương.
貧者食糟糠
(Người nghèo ăn “tao khươnng”)
          Thuyết văn giải tự 說文解字 , 2002, ghi rằng:
Khương, cốc bì dã
, 皮也
(Khương là lớp vỏ của hạt lúa)
(“Khang Hi tự điển” 康熙字典, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003, trang 874)
Chữ / này ta quen đọc là “khang”.
          Trấu là lớp vỏ ngoài cùng của hạt lúa, mà trấu thì cứng không thể ăn được. Trong “Thực hoá chí” lại nói là “Người nghèo ăn tao khương (khang), như vậy “khương” (khang) không phải là “trấu”. “Từ điển Trung Việt” của NXB Khoa học xã hội ghi là: Vỏ trấu; cám.
          “Từ điển Tiếng Việt” do Hoàng Phê chủ biên (2002) ghi là:
          Cám: Chất màu vàng nâu, do lớp vỏ mềm bao ngoài hạt gạo nát vụn ra khi giã, xát, thường dùng làm thức ăn cho lợn.
          “Cốc bì” ở đây, theo tôi là cám, nên dịch là “cám”.

                                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                                         Quy Nhơn 21/8/2020
n
Nguồn


Previous Post Next Post