Dịch thuật: Quan hoá Nho học - Đổng Trọng Thư (tiếp theo)

QUAN HÓA NHO HỌC – ĐỔNG TRỌNG THƯ
(tiếp theo)

THIÊN NHÂN CẢM ỨNG THUYẾT
          Trong tư tưởng của Đổng Trọng Thư 董仲舒, nổi tiếng nhất mà cũng được đế vương các đời tôn sùng nhất, chẳng gì qua được “thiên nhân cảm ứng” 天人感应.
          Ông cho rằng, thiên là nhân cách thần chí cao vô thượng, không chỉ sáng tạo ra vạn vật, mà còn sáng tạo ra con người. Nhân đó, ông cho rằng thiên có ý chí, và cũng như con người “ hữu hỉ nộ chi khí, ai lạc chi tâm” 有喜怒之气, 哀乐之心, con người nhận mệnh từ thiên. Nhưng, thiên trước giờ chưa hạ qua mệnh lệnh, làm sao thống trị nhân dân đây? Đổng Trọng Thư cho rằng, người ở giữa thiên địa, không để trực tiếp đối thoại với thiên địa, chỉ có vị quân chủ mới có thể đối thoại với thiên địa, mới có thể cảm ứng ý chí của thiên, đại biểu cho thiên thống trị nhân dân. Vì thế, ông dùng chữ (vương) nói rằng, 3 vạch ngang của chữ “vương” đại biểu cho “thiên, nhân, địa”, trong đó nét sổ chính là vị quân chủ, chỉ có quân chủ cũng chính là thiên tử mới có thể quán thông thiên địa.
          Nhưng, lại có nghi vấn, quân chủ đã là thiên tử, tại sao lại còn phải cải triều hoán đại? Để trả lời vấn đề này, Đổng Trọng Thư đã đem con người và tai dị kéo gần lại với nhau. Ông nói rằng, nếu thiên tử làm trái ý trời, bất nhân bất nghĩa, trời sẽ cho xuất hiện tai dị tiến hành khiển trách và cảnh cáo; nếu chính thông nhân hoà, trời sẽ giáng điều tường thuỵ để cổ lệ.
          Ông nói rằng, làm hoàng đế phải luôn chú ý đến những tai dị. Mỗi khi xuất hiện tai dị như động đất, hạn hán lâu không mưa, hoàng đế cần kiểm tra đức hạnh của mình, xem thử chỗ nào trái “thiên ý”, lấy đó mà “cải quá tự tân” 改过自新 (sửa đổi lỗi lầm, tự làm mới bản thân), tranh thủ kéo lại “thiên ý”. Nếu tai dị vẫn không biến mất, hoàng đế cần phải chịu sự trừng phạt của “thiên”. Nhưng, hoàng đế là thiên tử, lại không thể nhân vị trừng phạt mà khinh suất bỏ ngôi vị, cho nên lại đem việc trị loạn đắc thất  chuyển dời đến chế độ sách miễn Tam công, thậm chí còn nhân “tai dị” mà tru sát Tam công. Lí do là quan Tam công, thay hoàng đế hành sử chính quyền, đương nhiên phải gánh lỗi của hoàng đế.
          Học thuyết “thiên nhân cảm ứng” lấy mấu chốt được mất của chính trị làm nguyên nhân sản sinh tai dị, cung cấp chỗ dựa hợp pháp để vị quân chủ phong kiến đạt được sự thống trị, đồng thời cũng là công cụ tư tưởng của tập đoàn nho sinh chế ước quân chủ. Nhưng nó cũng lại xuyên tạc mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, trói buộc nhận thức của con người đối với tự nhiên và xã hội.

TAM CƯƠNG NGŨ THƯỜNG LUÂN LÍ QUAN
          “Thiên nhân cảm ứng” của Đổng Trọng Thư giải quyết được vấn đề hợp pháp hoá hoàng quyền, vấn đề tiếp theo chính là làm sao thống trị nhân dân. Đổng Trọng Thư cho rằng, chỉ có kiến lập mối quan hệ đẳng cấp, tôn ti, xã hội mới không trổi dậy những tranh nghị, không có những ẩn hoạn. Vì thế, ông đề xuất luân lí quan “tam cương ngũ thường” 三纲五常.
          “Tam cương” 三纲 tức “quân vi thần cương, phụ vi tử cương, phu vi thê cương” 君为臣纲, 父为子纲, 夫为妻纲. Nó yêu cầu làm thần, làm tử, làm thê tất phải phục tùng quân, phụ, phu, đồng thời cũng cường điệu quân, phụ, phu phải là tấm gương cho thần, tử, thê. Để điều tiết mối quan hệ nhân luân mà “tam cương” cường điệu, Đổng Trọng Thư lại đề xuất “ngũ thường” 五常, tức nhân nghĩa lễ trí tín. “Nhân” tức ái nhân, hiếu để, trung thứ; “nghĩa” chỉ những tiêu chuẩn và quy phạm đạo đức phong kiến; “lễ” là các loại chế độ và quy phạm và lễ nghi phong kiến; “trí” để phân biệt tâm thị phi; “tín” liên quan đến trung thành thủ tín.
          Đổng Trọng Thư cường điệu tam cương ngũ thường, thậm chí đem nguyên tắc luân lí của tam cương ngũ thường đặt trên cả pháp luật. Đương thời có vụ kiện: một người con nuôi giết người, người cha đem giấu nhẹm. Sau khi sự việc bị phát hiện, hai cha con đều bị giam vào ngục. Ở thời đại đó, tội bao che không phải là tội nhẹ mà là đồng tội với tội phạm được bao che. Đổng Trọng Thư sau khi biết được, lại từ giác độ lí luận, cho rằng “phụ vị tử ẩn” 父为子隐 (cha vì con mà giấu), tức cha con sau khi một trong hai người phạm tội có thể che giấu cho nhau, cho nên không thể phán tội người cha. Về sau, Đường luật quy định rõ ràng cha con che giấu cho nhau không thuộc phạm tội.
          Tam cương ngũ thường đã biện hộ cho tính thần thánh và tính hợp lí của trật tự đẳng cấp của giai cấp phong kiến, là sự đề xướng của giai cấp thống trị phong kiến các đời. Nó giam cầm tư tưởng và hành vi của con người, nhưng trong một số nội dung của nó, như thành tín, khiêm tốn, lễ nhượng, chính trực, khí tiết ... lại có tác dụng tích cực đối với việc tạo ra tính cách của dân tộc Trung Hoa.  (hết)

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                                Quy Nhơn 25/4/2020

Nguyên tác Trung văn
QUAN HOÁ NHO HỌC – ĐỔNG TRỌNG THƯ
官化儒学 - 董仲舒
Trong quyển
NHẤT BẢN THƯ ĐỘC ĐỔNG
TRUNG QUỐC TRUYỀN THUYẾT VĂN HOÁ
(quyển 1)
一本书读懂中国传说文化
Tác giả: Thạch Khai Hàng 石开航
Bắc Kinh: Trung Hoa Hoa kiều xuất bản xã, 2012, tái bản 2019
Previous Post Next Post