Dịch thuật: Sông Tương một dải nông sờ (365) ("Truyện Kiều")


SÔNG TƯƠNG MỘT MỘT DẢI NÔNG SỜ (365)
Trong cầm phổ có khúc Tương Phi oán 湘妃怨, gồm 6 đoạn. Lời ở đoạn 3 và đoạn 4 như sau:
Đoạn 3
..........
Nhân đạo Tương giang thâm
Vị để tương tư bán
Giang thâm chung hữu để
Tương tư vô biên ngạn
Đoạn 4
Quân tại Tương giang đầu
Thiếp tại Tương giang vĩ
Tương tư bất tương kiến
Cộng ẩm Tương giang thuỷ.
.............
三段
.........
人道湘江深,
未抵相思半
江深终有底
相思無邊岸
四段
君在湘江头
妾在湘江尾
相思不相見
共饮相江水
.......
Đoạn 3
............
Nhiều người bảo sông Tương sâu
Nhưng chưa bằng một nửa của tương tư
Sông sâu còn có đáy
Chứ tương tư thì không có bến bờ
Đoạn 4
Chàng ở đầu sông Tương
Thiếp ở cuối sông Tương
Nhớ nhau mà không gặp được
Cùng uống nước sông Tương
.............
          Về tác giả của ca phổ này, có thuyết cho là của A Lỗ Uy 阿鲁威, không rõ năm sinh năm mất, tự là Thúc Trọng 叔重, hiệu là Đông Tuyền 东泉, người tộc Mông Cổ.
          Cũng có thuyết nói rằng, đây vốn là một ca phổ hiện tồn trong cầm phổ, được thấy sớm nhất trong Thái cổ di âm 太古遗音 do Tạ Lâm 谢琳 triều Minh soạn, tiêu đề là “Tương Phi oán’ 湘妃怨. Tiêu đề cho thấy khúc này căn cứ vào câu chuyện Ngu Thuấn đi săn rồi mất ở địa phận tỉnh Tương ngày nay (Hồ Nam 湖南). Hai bà phi là Nga Hoàng 娥皇 và Nữ Anh 女英 thương khóc, nước mắt rơi trên thân cây trúc khiến trúc khô héo. Tác giả của bài thì không thể khảo chứng.
          Đời Thanh, khúc này lưu truyền rất rộng, nhưng tiêu đề là “Tương giang oán” 湘江怨. Xét kĩ ca từ, thuộc loại tương tư, không phải loại điệu vong giống như câu chuyện Nga Hoàng và Nữ Anh. Căn cứ vào ghi chép trong Cổ kim tình thư đại toàn 古今情书大全 của người đời nay biên soạn, bài này vốn là bài thơ vào triều Chu thời Ngũ Đại của Lương Ý Nương 梁意娘 ở Tiêu Tương 潇湘 gởi cho Lí Sinh. Lí Sinh và Lương Đại Nương là anh em con nhà cô nhà cậu, hai người yêu nhau, nhưng Lí Sinh  bị phụ thân của Lương Ý Nương không đồng ý đuổi đi. Cách 3 năm sau, Ý Nương viết bài này gởi cho Lí Sinh. Lí Sinh xem được vô cùng đau buồn, bèn nhờ người thuyết phục phụ thân Ý Nương, mong được thành vợ chồng.
          Cách giải thích này tương đối hợp tình hợp lí.

Sông Tương một dải nông sờ
Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia
(“Truyện Kiều” 365 – 366)
Có bài thơ cổ rằng: “Quân tại Tương Giang đầu, Thiếp tại Tương Giang vĩ. Tương tư bất tương kiến, Đồng ẩm Tương Giang thuỷ”, nghĩa là: Chàng ở đầu sông Tương, thiếp ở cuối sông Tương. Nhớ nhau không thấy nhau, cùng uống nước sông Tương. Câu của Nguyễn Du là theo ý câu thơ cổ trên.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          (Chu Vương Quí thời, Lương Ý Nương dữ Lí Sinh ngộ, hậu tương li hữu thi vân: Nhân đạo Tương giang thâm, vị để tương tư bạn. Giang thâm chung hữu để, tương tư vô biên ngạn. Quân tại Tương giang đầu, thiếp tại Tương giang vĩ. Tương tư bất tương kiến, đồng ẩm Tương giang thuỷ)
          周王季辰, 梁意娘與李生遇, 後相離有詩云: 人道湘江深, 未底相思伴, 江深終有底, 相思無邊岸, 君在湘江頭, 妾在湘江尾, 相思不相見, 同飲相江水.
Đời vua Chu Vương Quý: Nàng Lương Ý cùng chàng Lí Sinh gặp nhau, sau lại xa nhau, có thơ rằng: Người bảo sông Tương sâu, chưa bằng lòng thương nhớ. Sông sâu còn có đáy, lòng nhớ lại không bờ. Chàng ở đầu sông Tương, Thiếp ở cuối sông Tương. Nhớ nhau mà không thấy, cùng uống nước sông Tương.
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960) 

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                                Quy Nhơn 11/3/2020


Previous Post Next Post