Dịch thuật: Cung Công tức giận húc đổ núi Bất Chu

CUNG CÔNG TỨC GIẬN HÚC ĐỔ NÚI BẤT CHU

          Truyền thuyết kể rằng, Chuyên Húc 颛顼 là cháu của Hoàng Đế 黄帝, hiệu Cao Dương Thị 高阳氏, cư trú ở Tử Đế Ngũ 子帝五 (nay là phụ cận Bộc Dương 濮阳 Nam 河南). Ông thông minh mẫn tiệp, mưu trí, có uy tín rất cao trong dân chúng. Địa bàn thống trị của ông cũng rất lớn, bắc đến vùng Hà Bắc 河北 hiện nay, nam đến Nam Lĩnh 南岭trở xuống phía nam, tây đến vùng Cam Túc 甘肃 hiện nay, đông đến một số đảo ở biển đông, đều là địa vực thống trị của ông. Trong sử sách cổ đại miêu tả rằng, những nơi mà Chuyên Húc thị sát đều được sự tiếp đãi nhiệt tình của dân chúng.
          Nhưng Chuyên Húc cũng có những việc làm không hợp tình lí. Có một luật lệnh mà ông ta định ra: quy định rằng, đàn bà và đàn ông gặp nhau trên đường thì đàn bà nhường qua một bên; nếu không làm như thế, sẽ bị kéo ra ngã tư đánh một trận. Điều luật này tuy là truyền thuyết, nhưng đã nói rõ vào thời Chuyên Húc, do sự thay đổi phương thức sản xuất mà đàn ông trở thành lực lượng chủ đạo trong thị tộc, địa vị của đàn bà đã thấp hơn đàn ông, xã hội thị tộc phụ hệ đã thay thế xã hội thị tộc mẫu hệ, quyền uy của đàn ông trong xã hội đã được xác lập.
          Đồng thời với Chuyên Húc, có một lãnh tụ bộ lạc gọi là Cung Công Thị 共工氏. Theo truyền thuyết, Cung Công Thị thân rắn với 2 đầu người, trên đầu đầy tóc đỏ, cưỡi lên 2 con rồng.
          Truyền thuyết kể rằng, Cung Công Thị tính Khương , là đời sau của Viêm Đế 炎帝. Bộ lạc của ông ta nay là phía bắc Hà Nam 河南. Cung Công Thị rất coi trọng nông nghiệp, nhất là đối với công việc thuỷ lợi nắm rất chắc, ông đã phát minh biện pháp đắp đập tích nước. Lúc bầy giờ, nhân loại chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, lợi dụng nước là việc rất quan trọng. Cung Công Thị là người sau Thần Nông 神农 có cống hiến trong việc phát triển sản xuất.
          Cung Công Thị có người con tên là Hậu Thổ 后土, cũng rất tinh thông nông nghiệp. Để phát triển sản xuất nông nghiệp, làm tốt thuỷ lợi, họ đã khảo sát tình hình đất đai của bộ lạc, phát hiện có nơi địa thế rất cao đưa nước vào ruộng rất phí sức; có nơi địa thế lại rất thấp dễ bị ngập úng. Do bởi những nguyên nhân đó mà vô cùng bất lợi cho việc sản xuất nông nghiệp. Nhân đó Cung Công Thị đã định ra kế hoạch, lấy đất nơi cao chuyển đến nơi thấp, cho rằng đào đất đắp vào chỗ thấp có thể mở rộng diện tích canh tác, nơi cao được san bằng có lợi cho việc tưới tiêu, rất có ích cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp.
          Chuyên Húc không tán thành cách làm của Cung Công Thị. Chuyên Húc cho rằng, quyền lực chí cao vô thượng trong bộ tộc là mình, cả bộ tộc phải nghe theo mệnh lệnh của một mình ông, Cung Công Thị không thể tự chủ trương. Ông lấy lí do là cách làm như thế sẽ khiến trời nổi giận, phản đối Cung Công Thị thực hành kế hoạch của mình. Thế là, giữa Chuyên Húc và Cung Công Thị phát sinh một trận đấu tranh kịch liệt, bề ngoài là tranh luận về trị thổ, trị thuỷ, nhưng thực tế là tranh đoạt quyền lãnh đạo đối với bộ tộc.
          Hai người này so với nhau, về khí lực thì Cung Công Thị mạnh hơn, nhưng luận về cơ trí thì lại không bằng Chuyên Húc. Chuyên Húc lợi dụng cách nói của quỷ thần, sách động dân chúng bộ lạc, bảo dân chúng không nên tin Cung Công Thị. Đối với tri thức tự nhiên, người đương thời không hiểu rõ, đối với sự việc quỷ thần đều cực kì tin, không ít người bị Chuyên Húc lừa, cho rằng Cung Công Thị một khi san bằng đất sẽ xúc nộ quỷ thần, dẫn đến nạn tai, nhân đó Chuyên Húc đã có được sự ủng hộ của đa số dân chúng.
          Cung Công thị không thể có được sự cảm thông và ủng hộ của dân chúng, nhưng ông ta vững tin kế hoạch của mình là chính xác, kiên quyết không chịu thoả hiệp. Vì lợi ích của nhân dân trong thiên hạ, ông quyết tâm không tiếc hi sinh thân mình, dùng sinh mệnh cho sự nghiệp. Cung Công Thị đến núi Bất Chu 不周 (nay là núi Côn Luân 昆仑), muốn húc đỉnh núi để biểu thị quyết tâm kiên cường của mình.
          Cung Công Thị cưỡi rồng bay lên giữa từng không, hướng đến núi Bất Chu húc mạnh xuống. Một tiếng nổ vang chấn động cả trời đất, chỉ thấy núi Bất Chu bị Cung Công Thị húc mạnh, cả khối núi lập tức sụp xuống. Khoảng giữa trời đất phát sinh sự biến hoá to lớn, trên bầu trời, mặt trời mặt trăng cùng tinh tú bị biến đổi vị trí; trên mặt đất, núi sông di chuyển, nước đổi dòng chảy. Hoá ra núi Bất Chu này là trụ chống giữa trời với đất. Trụ trời đã gãy, khiến dây buộc đất cũng bị đứt, chỉ thấy hướng đông nam trên đất bị sụp xuống. Hướng tây bắc trên bầu trời bị nghiêng. Do bởi trên bầu trời hướng tây bắc bị nghiêng nên mặt trời mặt trăng cùng tinh tú hằng ngày đều mọc lên từ hướng đông, lặn về hướng tây; do bởi hướng đông nam trên mặt đất sụp xuống nên dòng nước của sông lớn sông nhỏ đều tuôn chảy về hướng đông, đổ vào biển lớn.
          Hành vi dũng mãnh của Cung Công Thị được mọi người tôn kính. Sau khi ông qua đời, mọi người tôn làm Thuỷ sư 水师 (thần quản về thuỷ lợi). Con của ông là Hậu Thổ cũng được tôn làm Xã thần 社神 (tức Thổ địa thần 土地神). Về sau mọi người khi thề, thường nói rằng: “Thương thiên Hậu thổ tại thượng” 苍天后土在上, chính là nói ông ta, có thể thấy mọi người rất kính trọng họ.
          Về truyền thuyết Cung Công Thị và Chuyên Húc tranh đoạt đế vị , tức giận húc đổ núi Bất Chu đã lưu truyền hơn hai ngàn năm nay. Những thần thoại trước đó, nói rõ vào lúc bấy giờ tổ tiên người Trung Quốc vẫn chưa biết giải thích các hiện tượng tự nhiên như thế nào, không hiểu và không nắm được quy luật tự nhiên, trước tự nhiên họ không có sức, nhân đó mới đem những nghi hoặc quy về cho sự tồn tại của thần, lực tự nhiên bị hình tượng hoá, nhân cách hoá, cho nên sáng tạo ra truyền thuyết thần thoại, ca tụng anh hùng, tạo ra những nhân vật truyền kì như Bàn Cổ 盘古, Nữ Oa 女娲, Hoàng Đế 黄帝 v.v...
          Còn như Cung Công Thị trong truyền thuyết, đương nhiên hoàn toàn không nhất định có sự thực như thế, nhưng tinh thần dũng cảm, kiên cường của ông ta, nguyện hi sinh bản thân để cải tạo sông núi quả là đáng để chúng ta khâm phục. Mặc dù thần thoại và truyền thuyết là do người đời sau tưởng tượng và gia công nghệ thuật, nhưng về một số phương diện phản ánh xã hội nguyên thuỷ, ở một trình độ nhất định đã tiếp cận sự chân thật lịch sử, như thủ lĩnh bộ lạc được thần hoá đã phản ánh thủ lĩnh nguyên là phục vụ bộ lạc chuyển hoá thành quyền lực chiếm ngôi vị cao trong xã hội. Xã hội nguyên thuỷ cũng đã bắt đầu có sự phân hoá giai đoạn.

                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                     Quy Nhơn 05/3/2020

Nguyên tác Trung văn
CUNG CÔNG NỘ XÚC BẤT CHU SƠN
共工怒触不周山
Trong quyển
THANH THIẾU NIÊN TỐI HỈ HOAN ĐÍCH
THẦN THOẠI CỐ SỰ
青少年最喜欢的
神话故事
Tác giả: Ngô Cảnh Minh 吴景明
Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2002
Previous Post Next Post