Dịch thuật: Chế độ xe thời Hán

CHẾ ĐỘ XE THỜI HÁN

          Từ xưa tới nay, bất luận là ở vào xã hội nào, sống một cuộc sống như thế nào, không nghi ngờ gì, công cụ giao thông là vô cùng quan trọng, nếu mọi việc chỉ dựa vào đôi chân thì khó mà tưởng tượng sẽ ra sao. Nói đến công cụ giao thông cổ đại, chúng ta hiện có thể trên xe của mình mà ngầm vui thú, không chỉ bởi vì công cụ giao thông hiện tại của chúng ta tốc độ nhanh, mà chúng ta cũng không có những hạn chế, chỉ cần có tiền, mua một chiếc xe, chạy khắp thế giới đều tuỳ theo sự cao hứng của bạn. Nhưng vào thời Hán thì không thể, xe thời đó không phải là bạn muốn mua thì mua. Thế thì dựa vào đâu? Dựa vào địa vị thân phận.

Đi bộ mệt rồi, có thể ngồi xe về nhà không?
          Bạn muốn ngồi xe về nhà ư? Trước tiên chúng ta cần biết rõ xe của thời kì đó rồi hãy nói. Thời cổ gọi chung xe kiểu này, xe kiểu kia là “xa liễn” 车辇, điều đáng để cho người Trung Quốc tự hào đó là Trung Quốc là một trong những nước sử dụng xe sớm nhất. Theo truyền thuyết, tổ tiên người Trung Quốc vào khoảng 4000 năm trước, cũng chính là thời đại Hoàng Đế 黄帝 đã sáng tạo ra xe.
          Đại khái 4000 ngàn năm trước, có bộ lạc Tiết do tạo ra xe mà nổi tiếng thế giới. Trong Tả truyện 左传 có nhắc qua bộ lạc Tiết này, Hề Trọng 奚仲 của bộ lạc Tiết đảm nhiệm chức quan “Xa chính” 车正 của triều Hạ (khoảng thế kỉ 21 đến thế kỉ 17 trước công nguyên). Trong Mặc Tử 墨子, Tuân Tử 荀子 Lã Thị Xuân Thu 吕氏春秋 cũng đều có ghi chép việc Hề Trọng làm ra xe.
          “Xa liễn” 车辇 tên gọi cao cấp này trong Chu lễ - Địa quan – Tiểu Tư đồ 周礼 - 地官 - 小司徒 có ghi chép:
          Sử các đăng kì hương chi chúng quả, lục súc xa liễn, biện kì vật, dĩ tuế thời nhập kì số, dĩ thi chính giáo, hành trưng lệnh.
使各登其乡之众寡, 六畜车辇, 辨其物, 以岁时入其数, 以施政教, 行征令
          (Sai Đại phu của 6 làng tự đăng kí nhân số nhiều ít của làng mình, cùng số mục lục súc xa liễn, làm rõ tài vật của các nhà, hàng năm theo mùa mà trình báo số lượng để tiện cho việc thi hành chính giáo, và chấp hành pháp lệnh trưng thu phú thuế)
          Nhiều thì khỏi phải nói, dù sao bạn chỉ cần nhớ “xa liễn” chính là xe thời cổ là được. Thế thì bất cứ lúc nào cũng có thể ngồi xe về nhà được không? NO! Bạn phải biết rõ trong vương triều lấy thiên tử làm tôn quý này, xe không chỉ đơn giản là công cụ giao thông, mà nó còn là tượng trưng cho một loại thân phận, đúng như câu:
Dư liễn chi biệt, cái tiên vương chi sở dĩ liệt đẳng uy dã.
舆辇之别, 盖先王之所以列等威也
         (Phân biệt loại dư loại liễn, ấy là tiên vương muốn để phân biệt sự uy nghi tương ứng với địa vị, thân phận)
          Muốn ngồi xe, trước tiên phải được thăng cấp, cấp biệt cao mới có tư cách dùng.
          Cho nên nói, xe không thể tuỳ tiện ngồi lên được.

Sự biến hoá xe triều Hán
          Xe hiện nay của chúng ta có thể nói là rất đa dạng, những hiệu xe có danh tiếng lớn có thể đếm không hết, ví dụ như:
          - Bôn Trì 奔池 (Mercedes-Benz – ND)
          - Bảo Mã 宝马 (Bayerische Motoren Werke - ND)
          - Bảo Thời Tiệp 保时捷 (Porsche - ND)
          - Lao Tư Thái Tư 劳斯菜斯 (Rolls – Royce – ND)
          - Áo Địch 奥迪 (Audi – ND)
Những hiệu xe có danh tiếng nhỏ hơn thì càng nhiều hơn nữa.
          Xe thời cổ có phân loại không? Chúng ta xem, đầu tiên xe thời Tiên Tần được phân làm hai loại: “tiểu xa” 小车 và “đại xa” 大车. Đến triều Hán, việc phân loại xe càng tỉ mỉ hơn. Xe được ghi chép trong Hậu Hán thư – Dư phục chí 后汉书 - 舆服志 có:
          Ngọc lộ 玉辂, thừa dư 乘舆, kim căn 金根, an xa 安车, lập xa 立车, canh xa 耕车, nhung xa 戎车, lạp xa 腊车, biền xa 軿车, thanh cái xa 青盖车, lục xa 绿车, tạo cái xa 皂盖车, phu nhân an xa 夫人安车, đại giá 大驾, pháp giá 法驾, tiểu giá 小驾, khinh xa 轻车, đại sứ xa 大使车, tiểu sứ xa 小使车, tái xa 载车, đạo tùng xa 导从车.
          Từ hoàng đế đến huyện lệnh, hình chế, trang sức của xe, và cả mô thức ngồi đều quy định nghiêm túc, không thể tuỳ tiện tiếm việt.
          Vả lại, xe thời Hán so với thời Tiên Tần, sự biến hoá cũng rất lớn. Xe một càng dần dần ít đi, thay vào đó là xe hai càng phát triển lên, chủng loại xe từ hai loại vốn có từ trước biến thành nhiều, công dụng chủ yếu cũng thay đổi, nguyên trước dùng trong đánh trận, nay dùng chủ yếu để chở người chở hàng hoá.
          Những năm chiến tranh, đương nhiên là rất nhiều tài nguyên đều chở ra chiến trường, đến thời Đại Hán, khẳng định là xe không dùng ra chiến trường hàng ngày, mà đương nhiên chủ yếu là chở người chở vật.
          Cũng phải nói lại, thời Đại Hán thái bình không được bao lâu, đến thời kì chiến loạn “Đông Hán mạt niên, phân tam quốc” 东汉末年, 分三国, lúc đó, khẳng định là xe theo chức năng cũ của nó, ra chiến trường. Bạn chớ có nói, trên chiến trường không thể thiếu xe, chỉ đánh trận mà không đua xe, vậy thì xe dùng vào việc gì? Đương nhiên là vận chuyển lương thảo đó! Lời tục có nói:
Binh mã vị động, lương thảo tiên hành.
兵马未动, 粮草先行
(Binh mã chưa đi, nhưng lương thảo phải đi trước)
Lúc đánh trận, lương thảo có thể xem là đại sự hàng đầu. Để vận chuyển lương thảo, thời Tam quốc Đông Hán xuất hiện loại xe cút kít (độc luân xa 独轮车) vừa kinh tế, vừa thực dụng. Chớ xem thường loại xe chỉ có một bánh này, trong lịch sử giao thông, nó là một phát minh quan trọng. Bạn có nghe qua “mộc ngưu lưu mã” 木牛流马 của Chư Cát Lượng 诸葛亮 chưa? Trong việc vận chuyển  lương thảo, nó vừa tiết kiệm thời gian, tiết kiệm sức lực mà tốc độ lại nhanh, các học giả cho rằng “mộc ngưu” 木牛 lúc bấy giờ chính là loại xe cút kít đặc biệt này.
          Thế nào, biết sao gọi là “tiểu xa liễn, đại tác dụng” không? Cho nên bạn chớ có chỉ riêng nghĩ là hiện tại bạn lái xe là không dễ chút nào, xe thời đại này, bạn không nhất định là phải có tư cách mới điều khiển được. Bạn có nhớ “lục nghệ” 六艺 của lão tổ tông người Trung Quốc không? “lễ , nhạc , xạ , ngự , thư , số” , những điều khác trước tiên chúng ta không nói, bạn thấy đó, “ngự” chính là điều khiển xe, có thể thấy điều khiển xe có địa vị trong mắt mọi người đương thời.
          Không chỉ riêng việc điều khiển xe, ngồi trên xe cũng phải có quy củ, không như chúng ta ngày nay, từ nhà bước lên xe, lúc cao hứng thì hát khúc nhạc, lúc mệt thì ngồi phía sau cởi giày cởi tất, nằm mà ngủ. Người xưa lúc ngồi trên xe rất chú ý, họ chuộng bên trái, cho bên trái là tôn quý. Số người cũng không thể đông, một xe ba người, bậc tôn quý ở bên trái, “tham thặng” 骖乘 (người tháp tùng theo) bên phải, “ngự giả” 御者 (người điều khiển xe) ở giữa. Còn cách ngồi trên binh xa có khác với loại xe thông thường, nếu là tướng soái đi xe, thì chính giữa không phải là người đánh xe, mà là chủ soái, như vậy mới tiện cho việc chỉ huy, đổi lại, người điều khiển xe ở bên trái, bảo vệ ở bên phải; nếu là binh xa mà tiểu binh thông thường đi, thì vẫn là người điều khiển ở giữa, bên trái một giáp sĩ cầm cung, bên phải một giáp sĩ cầm mâu, hỗ tương phối hợp, hiệp đồng tác chiến.

Phụ lục

Độc luân xa (mô hình)



Đồng xa mã (Đông Hán)

                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 02/3/2020

Nguồn
HOẠT TẠI ĐẠI HÁN
活在大汉
Tác giả: Kì Mạc Hân 祁莫昕
Thành Đô: Tứ Xuyên nhân dân xuất bản xã, 2018
Previous Post Next Post