Dịch thuật: Cho hay là thói hữu tình (243) ("Truyện Kiều")


CHO HAY LÀ THÓI HỮU TÌNH (243)
          Hữu tình: Theo Phật học từ điển của Đoàn Trung Còn:
          有情Satva (scr.) – Êtres animés (fr.)
          Giống có tình. Viết theo Phạn: Tát đoá (Satva). Tên cũ là Chúng sanh 眾生, tên mới dịch là Hữu tình, nghĩa là có tình thức hay có tình ái, là tiếng kêu chung các loại động vật trong Ba cõi (Tam giái), Tứ sanh (Bốn giống sanh).
          (Nhà xuất bản TP/ Hồ Chí Minh, 1992, tập 2).
          Trong Lục Tổ Đại Sư Pháp Bảo Đàn Kinh – Đệ nhất phẩm Hành do 六祖大师法宝坛经 - 第一品行由 có câu:
Thiện tự hộ niệm, quảng độ hữu tình
善自护念, 广度有情
(Nên gắng tự hành hộ niệm, quảng độ chúng sinh)

Cho hay là thói hữu tình
Đố ai gỡ mối tơ mành cho xong
(“Truyện Kiều” 243 – 244)
Hữu tình: Có tình.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Tình chủ nhân vân: Nhân sinh não phiền tư lự chủng chủng nhân hữu tình nhi khởi.
          情主人云: 人生惱煩思慮種種因有情而起
          (Ông Tình chủ nhân nói: Người ta phiền não nghĩ ngợi, đều nhân có tình mà sinh ra)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960) 

Xét: Theo ý riêng, “hữu tình” ở câu 243 này có nghĩa là “con người” nói chung, mang màu sắc triết lí Phật giáo, khác với “hữu tình” ở các câu 127, 2191 chỉ mang ý nghĩa thông thường là “có tình cảm”.
Hữu tình ta lại gặp ta (127)
Từ rằng lời nói hữu tình (2191)
Trong bản Kim Vân Kiều của Bùi Khánh Diễn chú thích, hai câu 243, 244  này là:
Cho hay là GIỐNG hữu tình
Đố ai DỨT mối tơ mành cho xong
Trong “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, 2 câu này là:
Cho hay là THÓI hữu tình
Đố ai DỨT mối tơ mành cho xong
                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                  Quy Nhơn 15/02/2020


Previous Post Next Post