Dịch thuật: Âu đành quả kiếp nhân duyên (201) ("Truyện Kiều")


ÂU ĐÀNH QUẢ KIẾP NHÂN DUYÊN (201)
          Nhân duyên 因緣: (tức Nhơn duyên) theo “Phật học từ điển” của Đoàn Trung Còn:
“Hetupratyapa (scr.) - Hetupaccaya (p.) – Causses-facteurs (fr.): Những nguyên do, những cơ hội. Nhơn là cái nguyên do chánh, có sức phát sanh ra quả. Tỷ như hột bưởi có sức phát sanh ra cây bưởi, trái bưởi. – Duyên là những nguyên do bổ trợ, giúp cho nhơn sanh quả. Tỷ như: đất, nước, phân, công chăm sóc; những món này giúp cho hột bưởi sanh cây bưởi, trái bưởi”.
          (Quyển 2, trang 487,  nxb Tp Hồ Chí Minh, 1992)
          “Nhân duyên” 因缘: từ nhà Phật, gốc từ tiếng Phạm Hetupratyaya. “Nhân” chỉ đặc tính nội tại, “duyên” chỉ “lực dụng” ngoại tại. “Nhân” chỉ điều kiện chủ yếu sinh diệt của một sự vật, “duyên” là điều kiện phụ trợ.
          Nhân duyên bao gồm 2 phương diện: thiện duyên và ác duyên. Ác tri thức dẫn dụ chúng ta làm những việc xấu là duyên; thiện tri thức dẫn dụ chúng ta làm những việc tốt là duyên. Bất kì sự vật nào cũng đều do nhân và duyên hợp lại mà thành. Giải thích theo khái niệm triết học chính là điều kiện chủ yếu và điều kiện thứ yếu. Điều kiện chủ yếu là nhân, điều kiện thứ yếu là duyên. Ví dụ đối với sự sinh trưởng của cây, hạt giống là nhân quan trọng nhất; đất, nước, ánh sáng là duyên thứ yếu.
          Trong “Tam thế nhân quả kinh” 三世因果经có câu:
 Dục tri tiền thế nhân, kim sinh thụ giả thị. Dục tri hậu thế quả, kim sinh tác giả thị.
          欲知前世因, 今生受者是. 欲知后世果, 今生作者是
          (Muốn biết nhân kiếp trước, thì đó là những gì ta nhận ở hiện tại. Muốn biết quả của kiếp sau, thì đó là những gì ta làm ở hiện tại)

Âu đành quả kiếp nhân duyên
Cũng người một hội một thuyền, đâu xa
(“Truyện Kiều” 201 – 202)
Nhân duyên: Theo quan niệm Phật giáo, mọi vật đều do nhân và duyên hoà hợp mà ra. Sức mạnh trực tiếp sản sinh ra là nhân, sức yếu gián tiếp là duyên. Theo nghĩa thông thường thì dân duyên là điều may mắn khiến cho vợ chồng lấy nhau.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Phật thư hữu nhân quả lục: Kim sinh quả do tiền thế nhân, kim thế nhân kết lai sinh quả.
          佛書有因果綠: 今生果由前世因, 今世因結來生果
          (Sách Phật có chép lời nhân quả rằng: đời nay kết quả là nhờ điều nhân thuở trước, đời nay làm điều nhân ấy là để kết quả cho kiếp sau)

Xét: “Nhân duyên” từ của nhà Phật, chữ Hán viết là 因緣; còn “nhân duyên” theo nghĩa duyên vợ chồng, hiện nay chữ Hán viết là 姻緣.
          Câu “Phật thư hữu nhân quả lục”, với chữ “lục”, bản của Bùi Khánh Diễn in là .

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 04/02/2020
Previous Post Next Post