Dịch thuật: "Khanh nho" là trận bão dẹp trừ hủ bại, trừng trị tham ô

“KHANH NHO” LÀ TRẬN BÃO DẸP TRỪ HỦ BẠI
TRỪNG TRỊ THAM Ô

          Tham ô nhận hối lộ thì từ xưa đã có. Quan lại nước Triệu nhận hối lộ của Lã Bất Vi 吕不韦 với số lượng lớn, mới đem Tần công tử là Dị Nhân 异人 đưa đến Hàm Đan 邯郸. Ra tay trừng trị tham hô hủ bại, sử ghi chép rõ người đầu tiên là Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇. Đó chính là sự kiện chôn sống bọn thuật sĩ vào năm Tần Thuỷ Hoàng thứ 35, người đời sau gọi là “khanh nho” 坑儒.
          Nói đến “khanh nho” mọi người đều liên tưởng đến việc huỷ diệt văn hoá, giết hại người có học. Kì thực đó là một sai lầm to lớn ngang bằng trời. Khanh nho không phải nhân vì có người viết thư mắng Tần Thuỷ Hoàng, cũng không phải nhân vì người có học phát biểu ý kiến bất đồng mà gây ra. “Khanh nho” là bởi vì một nhóm thuật sĩ tham ô kinh phí nghiên cứu khoa học của triều đình, là xử phạt bọn phạm tội tham ô, là Tần Thuỷ Hoàng theo pháp luật dấy lên một trận bão dẹp trừ hủ bại. Điều đáng ghét là, văn nhân từ sau đời Hán muốn tranh thủ tự do ngôn luận mà không dám bèn “di hoa tiếp mộc” 移花接木 (1), “chỉ tang mạ hoè” 指桑骂槐 (2). Văn nhân, chuyên gia đời sau cũng không động não chỉ lấy ngoa truyền ngoa, việc không đúng sự thực biến thành chân lí, quả thực đáng buồn đáng than.
          Kì thực, chỉ cần đọc kĩ Sử kí 史记, không khó để chúng ta đưa ra kết luận:
Thứ 1: Phát sinh sự kiện “khanh nho”, không phải bởi vì người có học đề xuất ý kiến khác với Tần Thuỷ Hoàng hoặc người có học truyền bá học thuyết của mình, mà bởi vì thuật sĩ Hầu Sinh 侯生, Lư Sinh 卢生 mượn danh nghĩa nghiên cứu thuốc trường sinh bất lão mà biển thủ một số lượng lớn tiền của quốc gia, sau đó dùng số tiền ấy để kiếm lời, tiêu xài phung phí, cuối cùng ôm số tiền đó bỏ trốn (Kim văn Hàn chúng khứ bất báo, Từ Thị đẳng phí dĩ cự vạn kế, chung bất đắc dược, đồ gian lợi tương cáo nhật văn 今闻韩众去不报, 徐市等费以巨万计, 终不得药, 徒姦利相告日闻 Nay nghe Hàn Chúng bỏ đi không báo, bọn Từ Thị lãng phí số tiền lớn hàng vạn mà cuối cùng không có được thuốc, hàng ngày chỉ nghe thấy bọn chúng tố nhau mưu cầu tư lợi.). Chú ý 2 chữ “gian lợi” trong đó, đó chính là mưu lợi một cách phi pháp.
Thứ 2: Người mà Tần Thuỷ Hoàng tức giận xử trí là những môn khách theo Hầu Sinh, Lư Sinh và người tham gia vào việc biển thủ tiền, là những kẻ mưu lợi phi pháp, mà không phải là nho sinh, người đi học thông thường (phương sĩ dục luyện dĩ cầu kì dược – 方士欲练以求奇药 - bọn phương sĩ mưu đồ luyện đan để cầu tiên dược)
Thứ 3: Tần Thuỷ Hoàng là người dựa theo pháp luật mà làm việc, ông đem những án kiện giao cho quan lại có liên quan thẩm tra xử lí, chứ không phải một mình độc đoán (ư thị sử Ngự sử tất án vấn chư sinh於是使御史悉案问诸生thế là sai Ngự sử thẩm vấn toàn bộ nho sinh).
Thứ 4: Quan viên theo pháp luật điều tra bọn Lư Sinh. Bọn người này, có kẻ biển thủ kinh phí nghiên cứu, mưu lợi phi pháp chứng cứ đã rõ ràng. Và để lập công đới tội, những kẻ chưa tham gia phạm tội mong được thanh bạch, bèn tố cáo lẫn nhau. Thế là triều đình theo pháp luật bắt hơn 460 người vi phạm, Tần Thuỷ Hoàng phê chuẩn xử tử, đem chôn sống ở Hàm Dương, kẻ vô tội không truy cứu (chư sinh truyền tương cáo dẫn, nãi tự trừ phạm cấm giả tứ bách lục thập dư nhân giai khanh chi Hàm Dương - 诸生传相告引, 乃自除犯禁者百六十余人, 皆坑之咸阳).
Thứ 5: Người mà Tần Thuỷ Hoàng giết không phải là người có học, mà là thuật sĩ biển thủ tiền của của quốc gia, tham ô kinh phí với số lượng lớn, cho dù nho sinh có học, hoặc vương tử trong số đó phạm pháp cũng đồng tội như thứ dân, nho sinh có học cũng không ngoại lệ.
Thứ 6: Bọn thuật sĩ tham ô kinh phí nghiên cứu của nhà nước có đáng giết không? Đáng giết. Bất luận là triều đại nào cũng đều giết, cho dù là ngày nay hiện đại văn minh. Một số quốc gia phương tây phế bỏ tử hình, nhưng đối với loại tội phạm này, có lẽ cũng phải xử phạt hình phạt cao nhất, giam chung thân, thì Tần Thuỷ Hoàng diệt trừ hủ bại có tội gì?
Thứ 7: Tần Thuỷ Hoàng cũng chưa trảm tận sát tuyệt đối với bọn thuật sĩ, mà là khu biệt ra để đối xử. Đối với những thuật sĩ không phạm tội, cho phép họ tiếp tục theo hoạt động nghiên cứu, chưa cấm chỉ toàn bộ. Như Từ Thị là người bị Tần Thuỷ Hoàng trách mắng, nhưng Tần Thuỷ Hoàng lại không hạ lệnh xử phạt Từ Thị. Năm thứ 37, khi Tần Thuỷ Hoàng đi tuần về phía đông, lại triệu kiến Từ Thị, đồng thời không gia thêm xử phạt đối với việc Từ Thị hao phí tiền của với một số lượng lớn trong việc ra biển tìm tiên dược mà không có một chút kết quả nào. Từ đó có thể thấy, hành động “khanh thuật sĩ” của Tần Thuỷ Hoàng không phải là nhất loạt hồ đồ đơn giản mà luận được. Nào là phạm tội, nào là nghiên cứu không hiệu quả, phân biệt một cách rõ ràng, vị hoàng đế như thế xưa nay ít có.
Thứ 8: Tần Thuỷ Hoàng có cần phải vận dụng kinh phí quốc gia để tìm thuốc trường sinh? Cần. Hi vọng sống thọ trăm tuổi là thường tình của con người. Cho dù là hiện nay, vừa nghe nói đến thuốc nào có thể kéo dài tuổi thọ là đại quan bách tính không phải chạy theo như vịt sao? Nếu không có những tìm tòi không mệt mỏi của các đời, thì chúng ta ngày nay làm sao có được một nền Trung y Trung dược bác đại tinh thông?
          Có một điểm cần phải đặc biệt nói rõ: “thuật sĩ” trong con mắt người hiện nay, tựa hồ như là từ đồng nghĩa với việc giả thần náo quỷ, lường gạt mọi người. Nhân đó, người tin và chấp nhận thuật sĩ liền bị cho là ngu muội vô tri. Kì thực không phải như thế. Việc nghiên cứu khoa học ở thời kì đầu của nhân loại, dường như đều bắt nguồn từ một nhóm người đại loại như thuật sĩ. Thiên văn học, y học, sinh vật học, dã kim, hoá học v.v... khởi đầu có thể là giả thần náo quỷ, nhưng dần dần sản sinh ra khoa học. Thuật luyện kim và thuật luyện đan sản sinh vào lúc luyện kim và hoá học ở vào giai đoạn tảo kì; vu sư chiêm bốc đối với sự sùng bái thượng thiên đã sản sinh ra thiên văn học; hi vọng trường sinh bất lão đã sản sinh ra y học và sinh vật học.
          Có thể hay không thể chấp nhận thứ mà bản thân mình không hiểu, có thể hay không thể trong cơn thịnh nộ mà đầu óc vẫn tỉnh táo dựa theo pháp luật để hành sự, đã thể hiện lòng dạ và khí độ của một quân vương. Năm Tần Thuỷ Hoàng thứ 35 dẹp trừ hủ bại khanh sát tham ô phạm tội, hoàn toàn không diễn biến thành cuộc thủ tiêu và đồ sát đối với cả giai tầng thuật sĩ, đó chính là một việc làm khá giỏi. 

Chú của người dịch
1- Di hoa tiếp mộc 移花接木: Đem cành cây có hoa ghép vào một cây khác, ví với việc ngầm thay đổi người hoặc vật.
2- Chỉ tang mạ hoè 指桑骂槐: chỉ cây dâu mắng cây hoè, chỉ gà mắng chó.

                                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                                        Quy Nhơn 14/10/2019

Nguồn
Previous Post Next Post