Dịch thuật: Loại biệt chủ yếu của các thiên trong "Thi kinh" (kì 1)

LOẠI BIỆT CHỦ YẾU CỦA CÁC THIÊN TRONG "THI KINH"
(kì 1)

          Các thiên trong “Thi kinh” 诗经 đại để có thể phân làm 8 loại như sau:
1- Nông sự thi 农事诗
Tây Chu là một nước lấy nông nghiệp làm gốc, thuỷ tổ Hậu Tắc 后稷 của Tây Chu là một thiên tài về trồng trọt. Thời Tây Chu, lấy nông nghiệp làm gốc là một sự lựa chọn sáng suốt để thúc đẩy đất nước cường thịnh. Sự lựa chọn này hình thành nên mô thức kinh tế của xã hội truyền thống Trung Quốc, có ảnh hưởng rất sâu rộng. Để coi trọng sản xuất nông nghiệp, Tây Chu sáng lập ra việc thiên tử và vương công đại thần tham gia “Tịch lễ” 籍礼. Vào những lúc gieo và thu hoạch, luôn tại “tịch điền” 籍田 tiến hành Tịch lễ. Tịch điền còn gọi là “đại điền” 大田,  “thiên điền” 千田, “phủ điền” 甫田, “công điền” 公田. “Tịch” có nghĩa là mượn, tịch điền chính là ruộng mượn sức của dân để canh tác. Tịch điền đối với tư điền mà nói, trong chế độ “tỉnh điền” 井田 thời Tây Chu, khoảnh lớn ở giữa là tịch điền, mấy khoảnh nhỏ chung quanh là tư điền. Nông phu thu hoạch ở tư điền quy về gia đình của mình sở hữu, còn nơi tịch điền có được quy về công gia sở hữu. Nông phu lao động trên tịch điền, từ giác độ nông phu mà nói, là tình nguyện “giúp”; từ giác độ quý tộc mà nói, là khách sáo “mượn”. Nhân vì thành quả có được ở tịch điền, trước tiên là dùng vào việc tế tự tổ tiên. Tổ tiên đương nhiên là thuộc cộng đồng, cho nên trên từ thiên tử, dưới đến bình dân, đều phải tham gia lao động, lấy đó mà bày tỏ lòng chân thành đối với tổ tiên. Từ đó có thể thấy, tịch lễ thời Tây Chu, ý nghĩa của nó không chỉ mang tính tượng trưng ở chỗ thiên tử cầm nông cụ đi cày để thể hiện sự khích lệ đối với sản xuất, mà còn ở chỗ cầu mong sự hoà mục và trên dưới đoàn kết dưới ngọn cờ tổ tiên cộng đồng. Với Tịch lễ long trọng, phong khí trọng nông được nuôi dưỡng, chính quyền mới được củng cố.
          Nông sự thi trong Chu tụng có 5 thiên, tức Thần công 臣工, Phong niên 丰年, Lương tỉ 良耜, Y hi 噫嘻, Tái sam 载芟.
          Nông sự thi trong Tiểu nhã có 4 thiên, tức Đại điền 大田, Phủ điền 甫田, Tín Nam sơn 信南山, Sở tì 楚茨.
          Bân phong – Thất nguyệt 豳风 - 七月 thuật lại quá trình lao động trong một năm của nông dân và trạng thái sinh hoạt về các phương diện ăn ở cư trú của họ, là nông sự thi có giá trị nhất để nghiên cứu về chế độ kinh tế, chính trị của giai tầng xã hội Tây Chu.
2- Chiến tranh thi 战争诗
          Chiến tranh thi có số lượng tương đối nhiều trong Thi kinh, nhìn chung, trừ những thiên cá biệt ở Tần phong 秦风giương cao khí khái cùng căm thù địch, những thiên khác về chiến tranh không thiên nào là không bao trùm sự chán ghét chiến tranh. Từ quốc gia đến cá thể, từ chinh phu đến người nhà, đối với chiến tranh có thái độ chán ghét cực đoan. Sau khi Chu Vũ Vương chiến thắng Thương Trụ, từng thả ngựa về lại Hoá sơn 华山, thả trâu nơi gò Đào Lâm 桃林, xếp cờ cất binh khí, tỏ rõ cho thiên hạ thấy sẽ không dùng binh nữa. Vương triều Chu ngoài phép tắc chiến tranh tìm được phương pháp tốt xử lí mối quan hệ nội bộ, tức thông qua chế độ phân phong và chế độ hôn nhân, đã tạo nên sự hoà mục hữu hảo giữa vương triều với chư hầu, mối quan hệ chính trị dung hợp phát triển. Thái độ của vương luôn triều như thế, đương nhiên ảnh hưởng đến ý thức phi chiến của toàn dân.
          Nhìn từ quốc gia, vương triều Chu có một đội quân uy vũ cường tráng không trận nào là không thắng, các thiên như Lục nguyệt 六月, Thái khỉ 采芑, Xuất xa 出车trong Tiểu nhã 小雅; Thường vũ 常武 trong Đại nhã 大雅 đều từng miêu hoạ sự phô trương khí thế mạnh mẽ. Nhưng một đội quân như thế, lại mang tính phi công kích, mà lấy việc phòng ngự, vỗ yên làm nhiệm vụ trọng yếu. Trong trận chiến với Từ Phương 徐方 (1) ở phía đông, bên địch một khi đã cáo phục, vương sư lập tức quay về. Trong trận chiến với Hiểm Duẫn猃狁 (2) ở phương bắc, càng thể hiện sự tiết chế cao độ, đem phạm vi chiến tranh hạn chế ở trong cương vực của mình, điều đó cho thấy rõ vương triều Chu không phải là hiếu chiến, điều đó đối với việc nuôi dưỡng tố chất hoà bình của một dân tộc mang ý nghĩa trọng đại. Cương vực Trung Quốc dần mở rộng là thông qua bức xạ văn minh, sự hình thành việc quy phụ của các dân tộc chung quanh là kết quả của việc dùng đức vỗ yên.
          Từ giác độ chinh phu mà nói, người được miêu tả trên chiến trường là người luôn nhớ đến quê nhà sâu sắc, như thiên Trắc hỗ 陟岵Nguỵ phong 魏风. Cho dù có thắng trận, cũng không vui mừng bao nhiêu, như thiên Đông sơn 东山Bân phong 豳风. Trong nhà phụ nữ thì nhớ đến chồng mà đầu bù tóc rối, lòng đau như cắt, như thiên Bá hề 伯兮Vương phong 王风. Sở dĩ chán ghét chiến tranh mãnh liệt như thế là bởi vì cuộc sống của người Chu về tổng thể là bình yên, ổn định, còn chiến tranh thì phá hoại cuộc sống bình thường. Chế độ tông pháp và chế độ phân phong đối với địa vị xã hội và tài phú của mỗi cá nhân đã quy định rõ ràng, quy định này không thể do vì chiến tranh mà thay đổi. Nhưng việc chán ghét chiến tranh mãnh liệt lại không ảnh hưởng đến sức chiến đấu của quân đội, nói rõ người đương thời đã có trách nhiệm xã hội, đem hạnh phúc cá nhân và gia tộc, gắn chặt với vận mệnh của đất nước.  (còn tiếp)

Chú của người dịch
1- Từ Phương 徐方: tức Từ quốc. Thời cổ gọi Hoài Di 淮夷là Từ , cư trú tại lưu vực Hoài hà 淮河. “Từ” ở bài Thường Vũ 常武trong Kinh Thi tức là đất này, về sau “Từ Phương” thay chỉ cho Từ Châu 徐州ngày nay.
2- Hiểm Duẫn 猃狁: một tộc danh thời cổ, một dân tộc của Trung Quốc cổ đại, tức Khuyển Nhung 犬戎, trước thời Xuân Thu xưng là Bắc Nhung 北戎, sau xưng là Bắc Địch 北狄, hoạt động tại vùng Thiểm, Cam , Hiểm , Kì .

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                  Quy Nhơn 28/9/2019

Nguồn
“THI KINH” THI THIÊN ĐÍCH CHỦ YẾU LOẠI BIỆT
诗经诗篇的主要类别
Trong quyển
KINH HỌC THẬP NHỊ GIẢNG
经学十二讲
Chủ biên: Trịnh Kiệt Văn 郑杰文, Phó Vĩnh Quân 傅永军
Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 2007
Previous Post Next Post