Dịch thuật: Hàn Tín ám độ Trần Thương

HÀN TÍN ÁM ĐỘ TRẦN THƯƠNG

          Chương Hàm 章邯là vị tướng lĩnh tương đối nổi tiếng cuối thời Tần. Thời Tần Nhị Thế 秦二世, về quân sự, Chương Hàm luôn là nhân vật trung tâm. Tần Nhị Thế nguyên niên, Chương Hàm lĩnh mệnh nghinh chiến quân khởi nghĩa của Trần Thắng 陈胜, Ngô Quảng 吴广, nhiều lần giành được chiến công, giữ được sự an định của triều Tần. Nhưng trong trận chiến tại Cự Lộc 巨鹿, Chương Hàm bị đánh bại bởi Hạng Vũ 项羽, về sau theo Hạng Vũ.

          Hàn Tín 韩信 sau khi được Lưu Bang 刘邦 bái làm đại tướng, lo thao luyện binh mã, chuẩn bị đông chinh. Ông nghĩ ra một kế sách xuất kì bất ý công kích quân Sở. Hàn Tín để cho đại tướng của Lưu Bang là Phàn Khoái 樊哙, Chu Bột 周勃lãnh một vạn nhân mã đi tu sửa sạn đạo mà trước đó đã bị thiêu huỷ. Sạn đạo là con đường bên vách núi dùng gỗ tạo thành, muốn đông chinh trước tiên phải tu sửa sạn đạo để thuận lợi cho đội binh mã đi qua.
          Nhưng sạn đạo mà đã bị thiêu huỷ nối dài hơn 300 dặm, cao thấp không đều, địa thế lại hiểm trở. Có chỗ phải bắt cầu, có chỗ phải đục núi. Một vạn nhân mã tu sửa mười mấy ngày, chẳng qua chỉ là một đoạn ngắn, lại thêm thiếu lương thực, kì hạn gấp, tiếng oán thán của binh sĩ đầy đường, họ tiêu cực rề rà làm việc. Đốc công gia tăng đốc thúc binh sĩ tu sửa sạn đạo, dân công vận chuyển gỗ, đưa lương thảo, ồn ào huyên náo đến nỗi xa gần không chỗ nào là không nghe. Tin tức Hán binh hưng binh đông chinh nhanh chóng lan truyền đến chỗ tướng quân Sở là Chương Hàm.
          Chương Hàm sai thám tử đi dò la tin tức, được biết binh sĩ và dân công tu sửa sạn đạo ngày ngày đều có người bỏ trốn, đừng nói là năm ba tháng, ngay cả một hai năm cũng tu sửa không đến được quan trung. Sạn đạo tu sửa không xong, coi như Hán binh có mọc cánh cũng bay không đến được. Chương Hàm nghĩ trong lòng, họ nói “đông chinh”, sấm thì to mà mưa thì nhỏ, dù sao cũng yên tâm.
          Nhưng một ngày nọ, đột nhiên có quân cấp báo chạy đến, báo rằng: “Đại quân Hán Vương đã đi qua sạn đạo, đoạt lấy Trần Thương 陈仓, đang hướng về đây tấn công.” Chương Hàm bán tín bán nghi, sạn đạo chưa tu sửa xong, quân Hán làm sao qua được? Chương Hàm làm sao biết được rằng, lúc ban đầu Hàn Tín căn bản không đi qua sạn đạo, mà là dưới sự chỉ đường của một ông lão đốn củi, vượt qua Trần Thương đi theo đường nhỏ. Ở đây Hàn Tín đã dùng kế gọi là “minh tu sạn đạo, ám độ Trần Thương” 明修栈道, 暗度陈仓(công khai tu sửa sạn đạo, nhưng ngầm vượt qua Trần Thương). Chương Hàm chỉ biết phái binh trấn giữ nơi sạn đạo, nhưng quân Hán không đi theo đường đó, mà ngầm vượt qua Trần Thương, đại quân đã đến trước mặt.
          Chương Hàm vội vàng dẫn quân Sở nghinh chiến, nhưng làm sao có thể chống lại quân Hán tập kích một cách xuất kì bất ý? Đành phải tháo chạy. Chương Hàm chạy về thành, Hán Tín lại cho dẫn nước vào thành, Chương Hàm không biết làm cách nào đành tự sát. Chưa đến thời gian 3 tháng, vùng Tam Tần
三秦 (1) biến thành địa bàn của Lưu Bang.

Chú của người dịch
1- Tam Tần三秦: thời Xuân Thu Chiến Quốc nhân vì Thiểm Tây 陕西là trị địa của nước Tần, cho nên người đời sau gọi tắt Thiểm Tây là “Tần” ; gọi sơn mạch chủ yếu nằm ngang trung bộ Thiểm Tây là “Tần lĩnh” 秦岭, gọi bình nguyên Vị hà 渭河 là “Tần xuyên” 秦川. Thiểm Tây còn được gọi là “Tam Tần” 三秦.
          Vì sao Thiểm Tây lại gọi là “Tam Tần”. Điều này phải bắt đầu nói từ Hạng Vũ 项羽. Năm 206 trước công nguyên, đội quân do Hạng Vũ lãnh đạo cũng đến được Hàm Dương 咸阳 sau Lưu Bang 刘邦. Hạng Vũ xuất thân từ gia đình cựu quý tộc nước Sở. Lúc nông dân khởi nghĩa cuối thời Tần, để khôi phục lại nước Sở, năm 207 trước công nguyên, trong trận chiến Cự Lộc 巨鹿, Hạng Vũ tiêu diệt quân chủ lực của Tần, Chương Hàm 章邯đầu hàng. Năm 206 trước công nguyên, Hạng Vũ dẫn quân vào Hàm Dương, giết Tần Vương Tử Anh 秦王子婴 đã quy hàng, đồng thời thiêu đốt thành Hàm Dương, thiêu huỷ cung A Bàng 阿房, tự lập làm Tây Sở Bá Vương 西楚霸王.
          Sau đó Hạng Vũ dẫn quân tiến về phía đông, đô ở Bành Thành 彭城 (nay là Từ Châu 徐州), tự cho mình là người thống trị tối cao, đại phong chư hầu. Trong đó Lưu Bang phong là Hán Vương 汉王, đô ở Nam Trịnh 南郑, cai quản Thiểm nam cùng đất Ba đất Thục . Để đề phòng Lưu Bang khuếch trương thế lực, Hạng Vũ lại đem vùng quan trung của Thiểm tây và Thiểm bắc phân làm 3, phong hàng tướng của quân Tần là Chương Hàm làm Ung Vương 雍王, đô ở Phế Khâu 废丘 (nay là di chỉ thôn Đông Mã Phường 东马坊), cai quản phía tây Hàm Dương cùng đông bộ Cam Túc 甘肃; phong Tư Mã Hân 司马欣 làm Tái Vương 塞王, đô ở Lịch Dương 栎阳 (nay là phụ cận Diêm Lương 阎良 Tây An 西安), cai quản phía đông Hàm Dương; phong Đổng Ế 董翳 là Địch Vương 翟王, đô ở Cao Nô 高奴 (thành chỉ theo sử có 3 thuyết: Phú huyện 富县, An Tái 安塞, Diên An 延安), cai quản Thiểm bắc. Do đem vùng quan trung phong cho 3 vị hàng tướng của triều Tần, cho nên đời sau phiếm xưng Thiểm Tây là “Tam Tần”, Hàm Dương trở thành điểm phân giới của Tam Tần.

                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                        Quy Nhơn 07/6/2019

Nguyên tác Trung văn
HÀN TÍN ÁM ĐỘ TRẦN THƯƠNG
韩信暗度陈仓
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH SỬ CỐ SỰ (tập 2)
中国历史故事
Biên soạn: Sơ Dương Tả Tả 初阳姐姐
Trường Xuân: Cát Lâm văn sử xuất bản xã, 2015
Previous Post Next Post