Dịch thuật: Trương Lăng và đạo "Ngũ đấu mễ"

TRƯƠNG LĂNG VÀ ĐẠO “NGŨ ĐẤU MỄ”

          Trương Lăng 张陵 (34 – 156) tự Phụ Hán 辅汉, người đất Phong nước Bái (nay là huyện Phong Giang Tô 江苏), tương truyền là con cháu đời sau của Lưu Hầu Trương Lương 刘侯 đời Hán, tín đồ Đạo giáo gọi ông là Trương Đạo Lăng 张道陵, Trương Thiên Sư 张天师. Trương Lăng thiếu thời chuyên tâm nghiên cứu Đạo đức kinh 道德经, cùng  các sách thiên văn địa lí, hà lạc đồ vĩ. Từng vào học ở Thái học 太学, thông đạt ngũ kinh, đậu Hiền lương phương chính trực ngôn cực gián khoa 贤良方正直言极谏科. Thời Minh Đế 明帝 (tại vị từ năm 58 đến năm 75) ông đến Giang Châu 江州 Ba Quận 巴郡 (nay là Trùng Khánh 重庆 Tứ Xuyên 四川) nhậm chức Lệnh , sau ẩn cư ở núi Bắc Mang 北邙, học đạo trường sinh. Triều đình vời ông ra làm Bác sĩ, ông cáo bệnh từ chối. Thời Hoà Đế 和帝 (tại vị từ năm 89 đến năm 105), vời ra làm Thái phó 太傅, ba lần ban chiếu nhưng ông không đến. Thời Thuận Đế 顺帝 (tại vị từ năm 126 đến năm 144), Trương Lăng tu đạo ở núi Hạc Minh 鹤鸣 tại đất Thục (hoặc gọi là núi Hộc Minh 鹄鸣, trong địa phận huyện Đại Ấp 大邑 Tứ Xuyên 四川), tự xưng được Thái Thượng Lão Quân “trao cho tam thiên chính pháp, mệnh làm Thiên Sư”, “xưng Tam Thiên pháp sư Chính Nhất chân nhân”, đồng thời viết 24 thiên Đạo thư, bắt đầu truyền bá đạo “Ngũ đấu mễ” 五斗米. Đạo này tôn Lão Tử  老子làm giáo chủ, lấy Lão Tử ngũ thiên văn 老子五千文 (tức Đạo đức kinh 道德经) làm kinh điển cơ bản. Theo truyền thuyết, Trương Lăng từng viết Lão Tử tưởng nhĩ chú 老子想尔注, cho rằng vị nhân quân theo “đạo trị” mà trị nước thì nước được thái bình, theo “đạo ý” mà yêu dân thì dân được sống lâu. Con người mà học theo “đạo ý”, có thể được trường cửu. Đồng thời lấy việc giúp nước phụ mệnh, dưỡng dục quần sinh làm nhiệm vụ của mình. Trương Lăng truyền đệ tử hơn 300 người, đồng thời lập 24 trị (tức 24 điểm truyền đạo – ND) tại vùng Thục Hán và Đông đô Lạc Dương, đặt nền móng cho sự phát triển đạo Ngũ đấu mễ sau này. Đệ tử của ông là Vương Trường 王长, Triệu Thăng 赵升cũng theo truyền thuyết đã thăng thiên cùng ngày với ông. Sau khi Trương Lăng qua đời, con là Trương Hành 张衡, rồi đến cháu là Trương Lỗ 张鲁 nối nhau kế vị, đã hoàn thiện tổ chức và chế độ của đạo Ngũ đấu mễ, khiến cho đạo phát triển đến cục diện đỉnh thịnh.

Phụ lục
Sao gọi là đạo “Ngũ đấu mễ”
          Có 2 thuyết liên quan đến lai lịch danh xưng “Ngũ đấu mễ”.
- Thứ 1: theo ghi chép trong Hậu Hán thư 后汉书 Tam quốc chí 三国志, cho rằng lúc mới sáng lập, đạo Ngũ đấu mễ yêu cầu những ai tin phụng và những ai cầu trị bệnh phải nộp 5 đấu gạo làm “mễ tín” 米信, cho nên có tên gọi như thế.
- Thứ 2: cũng có người cho rằng, tên gọi này có liên quan đến Ngũ phương tinh đẩu 五方星斗 mà đạo Ngũ đấu mễ sùng bái. Ngũ đấu mễ 五斗米 tức Ngũ Đẩu Mẫu 五斗姆, cũng tức là Bắc Đẩu Mẫu 北斗姆 trong Ngũ phương tinh đẩu, đứng đầu các sao.
          Cả 2 thuyết này đều thông hành, có thể Trương Lăng khi sáng lập đạo đã kiêm cả 2 nghĩa.

                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                                 Quy Nhơn 05/3/2019

Nguồn 
ĐẠO GIÁO THƯỜNG THỨC ĐÁP VẤN
道教常识答问
Tác giả: Khanh Hi Thái 卿希泰
                   Vương Chí Trung 王志忠
                   Đường Đại Triều 唐大潮
Giang Tô cổ tịch xuất bản xã, 1996
Previous Post Next Post