Dịch thuật: Hạ niên (tiếp theo)

HẠ NIÊN
(tiếp theo)

          Nghi thức “bái niên” các nơi không giống nhau, tộc Tạng bái niên, phải kính dâng “cáp đạt” 哈达 (tức dải lụa trắng – ND), tộc Hồi bái niên, tặng nhau dầu thơm, nam nữ thanh niên tộc Bố Y đến nhà bái niên, kết bạn cùng dạo chơi, khi nào hết hứng thì quay về. Tộc Hán bái niên thường cũng mang lễ vật, nhưng phong tục các nơi bất đồng, nên lễ vật mang theo cũng rất khác nhau. Như vùng Quảng Đông dùng giỏ tre đựng dưa, quýt, khác với vùng Giang Nam và trung nguyên.
          Văn nhân nhã sĩ cổ đại nhân vì người để chúc mừng quá nhiều, nên dùng danh thiếp thay thế, xưng là “bái niên thiếp” 拜年帖. Thời lưỡng Hán, danh thiếp gọi là “danh thứ” 名刺, nhân vì không có giấy, dùng trúc làm thứ, bên trên viết danh tính; về sau dùng lụa, dùng chỉ đỏ thêu chữ. Sau thời Đông Hán dùng giấy thay thế, gọi là “danh chỉ” 名纸. Thời Lục Triều gọi tắt là “danh” , thời Đường gọi là “môn trạng” 门状. “Môn trạng” nhân to nhỏ khác nhau mà phân ra “đại trạng” 大状, “tiểu trạng” 小状. Thời Tống còn có biệt xưng “thủ thứ” 手刺, “môn thứ” 门刺. Thời Minh Thanh từng gọi là “thốn tự” 寸绪, “hồng đơn” 红单. Kì thực đều là danh thiếp, dùng để mừng năm mới.
          Thời Đường Tống, phong tục cùng tặng niên thiếp cực thịnh, xưng là “tống môn trạng” 门状, “phi thiếp” 飞帖. Thời Tống niên hiệu Nguyên Hựu 元祐, lễ mừng năm mới, nhìn chung sĩ đại phu chỉ dùng thiếp mừng sai người giúp việc đưa thay, gọi là “phi thiếp” (Tống - Chu Huy 周辉 Thanh ba tạp chí清波杂志). Về sau ngay cả những người trước giờ không qua lại, cũng mượn dịp năm mới chúc mừng để liên lạc cảm tình. Trong Lương Trai tạp chí 良斋杂志 có nói:
          Bái niên bất luận quen biết hay không quen biết, vọng môn báo thiếp, chủ khách không tương kiến, chỉ ghi vào sổ mà thôi. Có thiếp đến mà người không đến, thời Tống đã như thế.
Chu Mật 周密thời Tống trong Quý Tân tạp thức – Tống thức 癸辛杂识 - 杂识 từng thuật lại một câu chuyện cười, rất có khả năng thấy được phong tục đương thời. Người cậu họ của Chu Mật là Ngô Tứ Trượng 吴四丈, tính tình khôi hài thích đùa. Ngày tết muốn tặng thiếp mừng nhưng không có nô bộc để sai. Đương lúc quanh quẩn ở cửa, vừa lúc có nô bộc của người bạn là Thẩm Tử Công 沈子公đến tặng thiếp, ông tuỳ tiện lấy xem, bên trên thấy tên toàn là thân bằng cố hữu của mình. Thế là ông ta gọi nô bộc vào nhà lấy rượu thịt khoản đãi, rồi ngầm đổi toàn bộ thiếp mừng của mình. Nô bộc không hề biết, vẫn cứ theo danh sách chủ nhân đưa mà tặng. Đương nhiên thiếp được tặng đều là thiếp với tên Ngô Tứ Trượng. Văn Trưng Minh 文徵明 đời Minh trong Bái niên thi 拜年诗 đã phúng thích cách lạm tặng thiếp mừng kiểu này:
Bất cầu kiến diện duy thông yết
Danh chỉ triêu lai mãn tệ lư
Ngã diệc tuỳ nhân báo sổ chỉ
Thế gian hiềm giản bất hiềm hư
不求见面惟通谒
名纸朝来满敝庐
我亦随人报数纸
世间嫌简不嫌虚
(Không cần gặp mặt chỉ cần thông qua thiếp mừng hỏi thăm
Vì thế mà trong nhà ta từ sáng sớm đã đầy các loại thiếp mừng
Ta cũng theo trào lưu tặng thiếp cho người ta
Thế gian chỉ biết chê thiếp mừng chứ không chê lễ tiết kì thực sáo rỗng này)
          Tục chúc tết cũng thường xuất hiện trong tiểu thuyết thời cổ. Ở Nho lâm ngoại sử 儒林外史 hồi thứ 21 viết: cụ Bốc lão nhạc phụ của Ngưu Phố 牛浦, nhân vì trước đó ông thông gia mất, cháu gái và cháu rể sinh kế khó khăn, nên trong tâm tình không tốt:
          Mãi cho đến mùng 3 cụ mới ra ngoài đi chúc tết, tại nhà bạn uống vài chén rượu, ăn ít thức ăn, lúc về bỗng nhiên gặp người cháu rể kéo vào nhà. Cháu gái trang điểm ra chúc mùng. Chúc mừng xong họ giữ cụ lại uống rượu, dọn lên bánh nếp, cụ ăn được hai cái.
          Ngoài ra, trong Hồng lâu mộng, Kim Bình Mai nhiều lần viết về phong tục này.
          Phong tục ngày tết chúc mừng trải qua mấy ngàn năm nay hiện vẫn còn  thịnh hành ở Trung Quốc. (hết)

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                    Quy Nhơn 07/02/2019
                                                                     (Mùng 3 Tết Kỉ Hợi)

Nguyên tác Trung văn
HẠ NIÊN
贺年
Trong quyển
TRUNG QUỐC PHONG TỤC ĐẠI TỪ ĐIỂN
中国风俗大辞典
Chủ biên: Thân Sĩ Nghiêu 申士垚, Phó Mĩ Lâm 傅美琳
Trung Quốc Hoà Bình xuất bản xã xuất bản, 1994.
Previous Post Next Post