Dịch thuật: Làm người không nên có ngạo khí ...

LÀM NGƯỜI KHÔNG NÊN CÓ NGẠO KHÍ
NHƯNG KHÔNG THỂ KHÔNG CÓ NGẠO CỐT

          “Nhân bất khả hữu ngạo khí, đản bất khả vô ngạo cốt” 人不可有傲气, 但不可无傲骨 (làm người không nên có ngạo khí, nhưng không thể không có ngạo cốt) là lời minh bên phải chỗ ngồi của tiên sinh Từ Bi Hồng 徐悲鸿. Tôi lúc còn học tiểu học, đọc được câu này, tuy lúc bấy giờ chưa có nhận thức về cảm tính và lí tính sâu sắc, nhưng tôi có thể cảm thụ được nhiều về câu này.
          “Sống phải có được cốt khí” chính là lí giải của tôi lúc đó. Về sau lại đọc sách vở viết về cuộc đời của Từ Bi Hồng, tôi đã cảm động sâu sắc bởi ngôn hành của một thanh niên thời đại. “Nhân bất khả hữu ngạo khí, đản bất khả vô ngạo cốt”, là sự khắc hoạ cuộc đời xán lạn của Từ Bi Hồng.
          Trước mặt người tây phương, Từ Bi Hồng không hề có sắc mặt siểm mị của kẻ nô tì. Từ Bi Hồng 20 tuổi thành danh, một người Pháp gốc Do Thái nhìn thấy, đã mời đến vẽ tranh ở “Cáp Đồng hoa viên” 哈同花园. Đối mặt với sự đãi ngộ hậu hỉ, Từ Bi Hồng khảng khái cự tuyệt, giữ được bản sắc “Giang Nam bố y” 江南布衣(kẻ áo vải ở Giang Nam). Thời gian lưu học chuyên về mĩ thuật ở Pháp, Từ Bi Hồng gặp phải sự kì thị của học sinh phương tây, bị vu là “sinh tựu đích đương vong quốc nô đích tài liệu” 生就的当亡国奴的材料 (sống chỉ là hạng người của một đất nước bị nô dịch) (1). Đối mặt với sự gây hấn, Từ Bi Hồng phản kích lại bằng những lời lẽ nghiêm nghị chính nghĩa, đồng thời dùng sự khiêm tốn hiếu học giành lấy thành tích vượt trội, khiến đối thủ phải phục, biểu hiện khí tiết dân tộc cao thượng. Sau khi về nước, Từ Bi Hồng không bị cám dỗ bởi quan cao lộc hậu, cũng không bị khuất phục bởi sự áp chế của chính trị, kiên quyết cự tuyệt vẽ tranh cho Tưởng Giới Thạch. Từ Bi Hồng kiên trì đi theo con đường của mình, dùng tài nghệ cao siêu của mình để phục vụ tổ quốc, để dân tộc Trung Hoa tranh quang với các nước. Đọc đến đây, tôi đã bị đánh động bởi hành vi đúng mực, không tự cao cũng không tự ti của Từ Bi Hồng, cảm thấy tự hào vì dân tộc Trung Hoa có một người con ưu tú như thế.
          Ngạo cốt, là không dao động trước thanh sắc, lòng trống rỗng như hang sâu bộc lộ một cách tự nhiên, rất khó để người ta nhìn thấy được, sờ mó được, là sự miêu tả chân thực cách nói “người không thể phán đoán qua tướng mạo, nước biển không thể dùng đấu để lường”.
          Ngạo khí là lấy lòng mọi người, bộc lộ thạnh khí để hiếp đáp người, cử chỉ thần thái kì lạ, đó là cách chú thích tốt nhất cho sự nghênh ngang tự kiêu tự mãn, cho mình là khác thường, cuồng vọng tự đại đến cực điểm.
          Người có ngạo cốt, chỉ biết khiến người khác cảm thấy gần gũi, cảm thấy ấm áp, cảm thấy sức mạnh và sự tôn nghiêm; còn kẻ có ngạo khí, lại khiến người khác lánh xa, khó tiếp nhận, “kính nhi viễn chi”, hoặc ẩn nấp để tránh, khiến người ta cảm thấy bị đè nén khó chịu.
          Ngạo cốt là sự tồn tại sau khi tổng hợp một loại khí chất, một loại phong độ, một loại nhân cách, một  loại tu dưỡng, một loại tri thức và đạo đức, là cảnh giới với thứ bậc rất cao của nhân tính.
          Ngạo khí là sự phản ánh sau khi tổng hợp loại thiển bạc, loại dung tục, loại phiến diện, loại tâm thái tự cao tự đại của hạng tiểu nhân bỗng phất lên giàu có, loại đường ngang ngõ tắt và kiến thức nửa vời, là bậc cấp rất thấp của nhân tính. 
          Ngạo cốt là hạng đại gia phong phạm, lên cao nhìn xa, tâm hồn cởi mở như trời cao đất rộng, có thể bao dung tất cả lại có thể nhã tục cùng thưởng thức, không phụ thanh cao, biết theo điều phải.
          Ngạo khí là hạng tiểu gia bủn xỉn, tầm nhìn như ếch ngồi đáy giếng, thấy “trời đất chỉ lớn như thế”, chỉ biết có mình, cố ý làm ra vẻ cao thâm, khó dung người khác, phụ theo phong nhã nhưng rốt cuộc không thể nhã được.
          Ngạo cốt là không hạ thấp người khác để tự nâng cao mình, chỉ là lấy đạo đức và hành vi cao thượng của mình tự làm nên khí hậu, lấy cẩn ngôn thận hành mà “nhậm bằng phong lãng khởi, ổn toạ điếu ngư đài” 任凭风浪起, 稳坐钓鱼台 (mặc cho sóng gió nổi lên, vẫn cứ vững ngồi yên nơi đài câu cá).
          Ngạo khí là nhìn người khác không khách quan, mục hạ vô nhân tuy không thể làm tổn thương người, không nhất định làm lợi cho mình, nhưng mọi thứ đều xét nét từ đầu đến chân, khua chân múa tay mà cho mình cao hơn người, như hạc đứng giữa bầy gà.
          Ngạo cốt một loại truy cầu, gánh thì nặng mà đường thì xa, có lẽ người  đến cuối đời mới có thể đạt được ý nghĩa, đạo lí chân thực.
          Ngạo khí là hạng người dốc lòng thuận tay lấy trộm, hái hoa cả lá, bản thân lọt vào hố sâu nhưng không biết cách thoát lên.
          Ngạo cốt là đến cuối đời vẫn giữ được chính trực, lương thiện và tự tin.
          Ngạo khí là tuỳ thời làm tổn hại đến hình tượng, danh dự và thân tâm của người khác.

Chú của người dịch
1- Trong bài Tinh thần cái chất, bất khả lưu thất 精神钙质不可流失ở mục “Nhân dân nhật báo nhân dân luận đàn” 人民日报人民论坛  cả câu như sau:
          Trung Quốc nhân ngu muội vô tri, sinh tựu đương vong quốc nô đích tài liệu, tức sử  tống đáo thiên đường thâm tạo, dã thành bất liễu tài.
中国人愚昧无知, 生就当亡国奴的材料, 即使送到天堂深造, 也成不了才.
          (Người Trung Quốc ngu muội vô tri, sống chỉ là hạng người của một đất nước bị nô dịch, cho dù có được đưa đến thiên đường để đào tạo kĩ thì cũng không thể thành tài)
          (Ở tài liệu này không có chữ thứ nhất)

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                                Quy Nhơn 10/12/2018

Nguồn
Previous Post Next Post