Dịch thuật: Kim y công tử và Tuyết y nương

KIM Y CÔNG TỬ VÀ TUYẾT Y NƯƠNG

          Khoảng những năm thịnh trị thời Đường Huyền Tông 唐玄宗, Đường Huyền Tông rất yêu thích chim, gọi chim hoàng oanh 黄莺 là Kim y công tử 金衣公子. Trong thành Trường An 长安có một con chim anh vũ 鹦鹉 phá được án lập công, Huyền Tông phong nó là Lục y sứ giả 绿衣使者, giao cho hậu cung nuôi đưỡng. Vùng Lĩnh Nam 岭南 dâng chim anh vũ trắng rất đẹp, Huyền Tông và Quý Phi gọi nó là Tuyết y nương 雪衣娘. Tuyết y nương ở trong cung rất được sủng ái, được đãi ngộ rất hậu, và cũng được huấn luyện lanh lợi, thuần thục, nhất là nói rất giỏi, nhân đó mà Huyền Tông rất yêu quý.
          Huyền Tông ngâm tụng thơ của mấy các nhà thơ đương thời, sau khi ngâm qua mấy lần, Tuyết y nương đã có thể thuộc, nó đọc lên không nhầm. Dương Quý Phi 杨贵妃 dạy Tuyết y nương Tâm kinh 心经, nó thuộc làu làu, ngày đêm không ngừng đọc kinh đó, tựa hồ cầu đảo cho Quý Phi. Tuyết y nương dường như không rời Huyền Tông và Quý Phi nửa bước, ngày đêm hầu bên cạnh. Huyền Tông thường cùng Quý Phi và chư vương chơi cờ. Khi Huyền Tông sắp thua, thị tụng bèn hô Tuyết y nương, Tuyết y nương nghe mệnh lập tức nhảy lên bàn cờ, dùng chân đạp, xoè cánh ra múa, bàn cờ đành phải bắt đầu lại.
          Nhưng một ngày kia, Tuyết y nương đang chơi trong sân điện, đột nhiên gặp phải chim ưng tập kích, sau một hồi quần thảo, Tuyết y nương đã mất. Huyền Tông và Quý Phi nhìn thấy thảm trạng của Tuyết y nương như thế, đau xót không thôi, tình cảm bi thương dâng tràn trong lòng. Tuyết y nương được an táng long trọng trong vườn, lập mộ trủng gọi đó là Anh Vũ trủng 鹦鹉冢.

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                            Quy Nhơn 15/12/2018

Nguồn
HOÀNG TRIỀU ĐIỂN CỐ KỈ VĂN
皇朝典故纪闻
Tác giả: Hướng Tư 向斯
Bắc Kinh: Trung Quốc văn sử xuất bản xã, 2002
Previous Post Next Post