Dịch thuật: Tục xăm mình

TỤC XĂM MÌNH

          Xăm mình là một tập tục tồn tại vào giai đoạn phát triển thời kì đầu của nhiều dân tộc. Nó là một tiêu chí. Cách làm là: dùng kim xăm hình những vật tự nhiên hoặc hình dạng hình học lên toàn thân hoặc cục bộ, sau khi xăm có phân ra loại bôi màu và không bôi màu, tập tục này đã có từ đời Chu. Theo Sự vật kỉ nguyên 事物纪原:
          Nay thế tục đều xăm mình, xăm những hình cá, rồng, tiên bay, quỷ thần, hoặc hoa cỏ văn tự. Trước đây cho rằng bắt nguồn từ Ngô Thái Bá 吴太伯con của Chu Thái Vương 周太王, tránh Vương Quý Lịch 王季历  đến Câu Ngô 勾吴, cắt tóc xăm mình, để giống con của rồng nhằm tránh cái hoạ giao long. Còn  theo “Sử kí – Việt thế gia”  史记 - 越世家 có nói: Con thứ của Thiếu Đế 少帝 nhà Hạ, được phong ở Cối Kê 会稽,  xăm mình cắt tóc, phát cỏ lập ấp. Theo đó thì việc đó đã bắt đầu từ con của Đế Thiếu Khang, nhân đó biết tục xăm mình cắt tóc có trước cả tục ở Ngô Việt.
          Tục xăm mình sớm nhất là một loại tiêu chí totem tiến hành kết hợp với lễ thành niên. Một khi đã xăm mình là có được quyền lợi của người đã thành niên, có thể chọn phối ngẫu để kết hôn, đồng thời tham dự những việc trọng đại của thị tộc. Tục này hiện nay vẫn tồn tại ở một số dân tộc thiểu số. Trong Đài Loan phủ chí 台湾府志 có nói:
          Phiên dân cắt tóc xăm mình, không biết năm tháng, lấy lúc lúa chín làm một năm, lấy lúc trăng tròn làm một tháng.
          Thanh niên dân tộc Cao Sơn 高山ở Đài Loan có tập tục xăm mình, con gái trước khi xuất giá 2 ngày phải tiến hành xăm mình, vẽ mặt, nhờ người dùng kim xăm hoa văn trên thân và trên mặt, sau đó bôi lên một lớp màu, đó trở thành tiêu chí cô gái đã là cô dâu, cũng là tiêu chí phụ nữ đã lập gia đình hay chưa. Xăm mình ở đây trở thành tượng trưng cho việc đã thành nhân.
          Sau khi tiến vào giai đoạn xã hội có giai cấp, một số dân tộc lấy đó để biểu thị đẳng cấp thân phận và làm tiêu chí cho thành viên xã hội bí mật. Theo sự phát triển của xã hội, bản thân xăm mình có lắng đọng nội dung totem vu thuật đã dần bị mọi người quên mất, phong tục này đã được hình thức cái đẹp kế thừa.
          Theo Mã Khắc – Ba La du kí 马克 - 波罗游记 (The Travels of Marco Polo – ND): Tại Ca Đan 卡丹và thành phố Vĩnh Xương 永昌ở Vân Nam .... con trai có tục xăm mình, trên cánh tay, trên bắp  chân xăm những đường vằn màu đen, cách xăm là dùng 5 cây kim chập sát lại xăm lên thịt, xăm cho đến lúc thấy máu rỉ ra, sau đó dùng màu đen bôi lên chỗ xăm, để lại những dấu vết không thể xoá được, đây được xem là một loại trang sức và là tiêu chí thể diện. Kì thực tục xăm mình này không chỉ có ở các dân tộc thiểu số nơi xa, trong dân tộc Hán thời cổ đã có, chủ yếu là ở trên thân thể những võ sĩ thích múa thương múa gậy. Ở hồi thứ 2 trong Thuỷ hử 水浒 “Vương giáo đầu tư tẩu Diên An, Cửu Văn Long đại náo Sử gia thôn” 王教头私走延安府, 九纹龙大闹史家村, miêu tả Sử Thái Công 史太公giới thiệu con mình là Sử Tiến 史进với Vương Tiến 王进:
          - Con của lão từ nhỏ đã không thích làm nông, chỉ thích cầm thương cầm gậy. Mẹ nó nói không được, buồn bực mà mất. Lão đây đành theo tính của nó, không biết tốn bao nhiêu tiền của mời thầy dạy cho nó. Lại mời thợ cao tay xăm hoa văn lên người nó, xăm trên cánh tay, trước ngực tổng cộng có 9 con rồng, cả huyện thuận miệng đều gọi nó là Cửu Văn Long Sử Tiến. (1)
          Không chỉ Sử Tiến 史进, Yến Thanh 燕青cũng có xăm mình. Ở hồi thứ 61 nói rằng:
          Người này là ở Bắc Kinh, từ nhỏ cha mẹ đều mất, Lô viên ngoại nuôi trưởng thành. Khắp người da thịt trắng như tuyết, Lô Tuấn Nghĩa gọi một người thợ cao tay, xăm hoa văn lên khắp người anh ta, giống như trụ ngọc khoác thêm gấm đẹp. Nếu thi về hình thể đẹp, thì dù là ai cũng đều thua anh ta. (2)
          Từ đó có thể thấy, thời Tống - Minh tục xăm mình tương đối thịnh hành. Chính vì những người luyện tập võ nghệ nhìn chung đều xăm mình, do đó tục này thường có một sức mạnh uy hiếp nào đó đối với đối phương. Trong Thuỷ hử hồi thứ 74 (3), miêu tả Yến Thanh khi nghe được tại hội miếu ở châu Thái An 泰安 có Nhậm Nguyên 任原người Thái Nguyên 太原 Sơn Tây 山西 lập võ đài, muốn thắng hảo hán trong thiên hạ, nên nhất thời hứng khởi, từ biệt Tống Giang xuống núi tìm Nhậm Nguyên. Đến lúc đấu, Yến Thanh cởi áo để lộ thân hình  xăm đầy hoa văn, “thì thấy các quan đang xem thay nhau reo hò khen ngợi ầm ỉ tiếng vang như biển dậy sông tràn, còn mọi người thì ngớ ra. Nhậm Nguyên thấy Yến Thanh xăm hoa văn đầy mình, thân thể lại cường tráng, trong lòng có phần khiếp sợ.” Chính Thái thú “thấy Yến Thanh trên người xăm đầy hoa văn, tựa trụ ngọc khoác thêm trang sức, trong lòng vui mừng.” Sợ Yến Thanh nhỏ người, không phải là đối thủ của Nhậm Nguyên, sẽ nguy đến tính mạng, nên ông muốn làm chủ để Yến Thanh và Nhậm Nguyên chia đều vật phẩm. Yến Thanh không bằng lòng, chỉ muốn đấu với Nhậm Nguyên. Qua được mấy hồi, Yến Thanh dùng trí vật Nhậm Nguyên rớt xuống đài.
          Tục xăm mình hiện tuy không thịnh hành như thời xưa, nhưng vẫn còn tồn tại trong một phạm vi nhỏ, đa phần là trong thành viên của tổ chức xã hội đen bí mật.
          Tục xăm mình không chỉ riêng có ở Trung Quốc, các nước trên thế giới cũng có. Tại Bắc Hải Đạo 北海道và Thiên đảo 千岛của Nhật Bản, có dân tộc thiểu số - người Y A Nỗ 伊阿努, với 2 vạn nhân khẩu, phụ nữ của dân tộc này có tục xăm mặt, chủ yếu tại môi và mặt, xăm kiểu hình râu mọc.

Chú của người dịch
1- Theo Thuỷ hử bản dịch tiếng Việt của Á Nam Trần Tuấn Khải, Nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 1994, thì đoạn miêu tả này ở hổi thứ 1. Ở đây nói là thêu 9 con rồng trên áo giáp, không phải xăm 9 con rồng trên người.
          “... Nhà tôi chỉ được thằng cháu đây, nhưng tính nó du đãng, không chịu cày cấy làm ăn, chỉ thích múa côn đánh gậy, mẹ nó ngăn mãi không được, thành ra lo quá mà chết, còn tôi đây cũng phải chiều lòng nó vậy. Từ xưa đến nay, phí tổn kể biết bao nhiêu tiền, để đón thầy học võ, rồi lại thuê thợ chế cho một chiếc áo giáp, đàng trước có thêu chín con rồng rực rỡ, nhân thế ở quanh đây, ai cũng gọi nó là Cửu Văn Long Sử Tiến ....”    (quyển 1 - trang 67)
2- Cũng theo bản dịch của Nhà xuất bản Văn học, thì ở đây thuộc hồi thứ 60.
3- Bản dịch của Nhà xuất bản Văn học chỉ có 70 hồi.

                                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                                         Quy Nhơn 24/8/2018
                                                              
Nguyên tác Trung văn
VĂN THÂN
文身
Trong quyển
TRUNG QUỐC PHONG TỤC ĐẠI TỪ ĐIỂN
中国风俗大辞典
Chủ biên: Thân Sĩ Nghiêu 申士垚, Phó Mĩ Lâm 傅美琳
Trung Quốc Hoà Bình xuất bản xã xuất bản, 1994.
Previous Post Next Post